TUẦN LỄ KIẾN TRÚC XANH VIỆT NAM 2019

Trong khuôn khổ chương trình Tuần lễ Công trình Xanh thế giới (WGBW), Tuần lễ Kiến trúc Xanh Việt Nam 2019 đã diễn ra từ ngày 23 – 27/9/2019 tại Hà Nội. Chương trình được thực hiện dưới sự bảo trợ của Bộ Xây dựng, Hiệp Hội bất động sản, Hội Môi trường Xây dựng, do Viện nghiên cứu và phát triển đô thị Xanh Việt Nam phối hợp cùng Tổ chức tài chính quốc tế (IFC, thuộc World Bank Group) và Dự án EECB (thuộc UNDP) thực hiện.  

“Nhà ở cao tầng xanh” là chủ đề chính của Tuần lễ Kiến trúc Xanh Việt Nam 2019 nhằm tạo ra sự quan tâm, ủng hộ của dư luận xã hội, nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp và người dân về vị trí, vai trò của công trình xanh, kiến trúc xanh, vật liệu xanh, công nghệ – giải pháp xanh.

Mục tiêu của các nhà tổ chức là thúc đẩy sự phát triển xu hướng kiến trúc xanh (hay kiến trúc bền vững) tại Việt Nam, góp phần vào cuộc chiến chung chống biến đổi khí hậu, trong đó Việt Nam là một trong những quốc gia đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Phát triển nhà ở cao tầng xanh trong các đô thị bền vững đang là xu hướng tất yếu, được thúc đẩy tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đây cũng là nội dung chính của Hội thảo chuyên sâu Nhà ở cao tầng xanh trong khuôn khổ của hoạt động này nhằm tìm kiếm các giải pháp thiết kế hiệu quả cho nhà ở Cao tầng Xanh tại Việt Nam.

Với sự tham gia của các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực, Hội thảo tập trung những về những cơ hội và thách thức đối với nhà ở cao tầng xanh. Việc phát triển thị trường Nhà ở cao tầng xanh tại Việt Nam phụ thuộc vào các giải pháp thiết kế phù hợp với môi trường khí hậu tại địa phương, ứng dụng trong thiết kế nhà ở cao tầng, khả năng tiếp cận công nghệ và vật liệu xanh, các chính sách kinh tế khuyến khích xu hướng kiến trúc xanh.

Theo ông Yannick Millet, Chuyên gia TKNL trong công trình Dự án EECB, các công trình thương mại có tuổi thọ trung bình 50 năm, chi phí cho thiết kế và xây dựng chỉ chiếm 15 – 20%, 80% là chi phí cho hoạt động của nó; trong đó có tiền lương cho con người và các chi phí vận hành khác. Đầu tư cho thiết kế – xây dựng có thể giảm chi phí vận hành xuống 20 – 30% so với một công trình được xây dựng theo lối cũ. Đây là một khoản tiết kiệm được trong suốt tuổi đời công trình. Con số thật ấn tượng và điều này cần lưu ý với các nhà thiết kế. “Tôi đặc biệt lưu ý điều này vì công trình sau khi được xây xong và bán lại, các chủ dự án, trong đó có nhà thiết kế rũ bỏ trách nhiệm liên quan chi phí khai thác sử dụng công trình. Mối quan tâm của họ ở giai đoạn thiết kế – xây dựng là giảm chi phí, tạo ra giá cả cạnh tranh mà thôi và rất ít thấy ở đây các toà nhà xanh. Điều này cũng thể hiện rõ khi quan sát các chung cư cao tầng.” – ông Yannick Miller nói.

Nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Công trình Xanh Việt Nam, hội thảo “Sử dụng hiệu quả năng lượng trong công trình cao tầng – Dự án trình diễn, bài học kinh nghiệm, cơ hội và thách thức” diễn ra ngày 27/9/2019.

Cũng theo ông Yannick Millet, vai trò của nhà thiết kế cũng cần thay đổi. Không còn chỗ cho các kiến trúc sư “low tech” nữa. Nếu như trước kia họ chỉ thực hiện bản vẽ kiến trúc thôi, sau đó là công việc của các kỹ sư làm nốt phần việc còn lại. Tất nhiên không thể bỏ qua yếu tố công năng trong thiết kế kiến trúc. Con người cần được sống và làm việc trong một không gian tiện nghi. Ngày nay những yếu tố kỹ thuật và công nghệ cần được quan tâm đúng mức. Người kiến trúc sư và những người có chuyên môn kỹ thuật cần phải làm việc cùng nhau ngay từ khi bắt đầu triển khai dự án. Các kỹ sư không còn lừm việc một cách thụ động nữa mà phối hợp công việc, đề xuất các giải pháp công nghệ với kiến trúc sư. Điều này vô cùng quan trọng khi tính đến việc sử dụng năng lượng cho giai đoạn khai thác sử dụng.

Và một khóa Đào tạo – Tập huấn dành cho 50 KTS, kỹ sư, và sinh viên các khối ngành kiến trúc, xây dựng.về mô phỏng năng lượng do Viện Nghiên cứu và Phát triển Đô thị Xanh Việt Nam phối hợp với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) triển khai.

Các học viên được tiếp xúc với các kiến thức cơ bản về vật lý công trình, mô phỏng năng lượng cho các công trình cao tầng thông qua phần mềm EDGE (“Excellence in Design for Greater Efficiencies”), một ứng dụng có lợi thế dễ dàng tiếp cận, thời gian tiếp thu và ứng dụng nhanh cũng đưa ra được nhiều phương án kỹ thuật phù hợp với từng loại hình công trình và thiết kế. Ứng dụng EDGE giúp lựa chọn phương án thiết kế xanh hiệu quả chi phí nhất trong điều kiện khí hậu địa phương. EDGE có thể áp dụng cho tất cả các loại công trình, bao gồm công trình xây mới, công trình hiện hữu và công trình cải tạo lớn.

Triển lãm và trao giải Kiến trúc Xanh Sinh viên 2019

Với chủ đề “Thiết kế Xanh”, cuộc thi “Kiến trúc Xanh sinh viên Việt Nam 2019” đã thu hút hơn 100 đồ án được lựa chọn từ các cơ sở đào tạo chuyên ngành Kiến trúc trên toàn quốc.

Tiêu chí xét chọn kỳ này dựa trên hệ thống tiêu chí kiến trúc xanh Việt Nam do Hội KTS Việt Nam đề xuất: Địa điểm bền vững; Công nghệ xanh; Sáng tạo; Vật liệu bền vững; Cộng đồng – Nhân văn – Đậm đà bản sắc dân tộc.

Sau quá trình tham gia thẩm định, đánh giá và thống nhất, Hội đồng giám khảo đã lựa chọn ra những đồ án xuất sắc nhất gồm các thể loại công trình văn hóa cộng đồng, các resort, viện bảo tàng hay trung tâm chăm sóc sức khỏe và các hệ thống nhà ở chống biến đổi khí hậu, trường tiểu học vùng cao…

Cuối cùng, hội thảo sẽ khép lại bằng chuyến tham quan thực tế các công trình TKNL/công trình xanh vào buổi chiều cùng ngày. Chuyến tham quan công trình Tòa nhà văn phòng CONINCO (công trình sắp hoàn thành, đưa vào sử dụng) và Trụ sở các cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam (chứng chỉ Xanh Lotus Platinum) sẽ giúp đem lại cái nhìn trực quan và toàn diện hơn cho các đại biểu dự hội thảo. /..

Vũ Đức Khuynh



Nguồn bài viết

Bài trướcĐà Nẵng hưởng ứng 20 năm ngày Sữa học đường thế giới
Bài tiếp theoVàng SJC tiếp tục rời xa ngưỡng 42 triệu đồng | Tài chính – Kinh doanh