Thời đẩy mạnh M&A?

Thời đẩy mạnh M&A?

Thụy Lê

(TBKTSG) – Trong thời kỳ rủi ro và khủng hoảng của nền kinh tế, nhiều công ty tìm cách thu hẹp hoạt động vì gặp không ít khó khăn thì cũng có không ít doanh nghiệp mạnh tay chi tiền cho các kế hoạch thâu tóm và sáp nhập (M&A).

https://www.thesaigontimes.vn/

Nở rộ M&A

84% là mức tăng của giá cổ phiếu Công ty cổ phần tập đoàn Kido (KDC) chỉ riêng trong tháng 5 vừa qua, lên mức cao nhất kể từ tháng 8-2018 đến nay. Chất xúc tác đẩy giá cổ phiếu KDC tăng vọt sau gần hai năm ngủ yên là những thông tin sáp nhập liên tiếp liên quan đến tập đoàn này được hé lộ trong những ngày gần đây.

Theo tài liệu đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) được công bố ngày 25-5, Công ty cổ phần Thực phẩm Đông lạnh Kido (KDF) đã đưa ra phương án sáp nhập vào KDC với tỷ lệ hoán đổi 1 cổ phiếu KDF đổi lấy 1,3 cổ phiếu KDC. Hai ngày sau đó, đến lượt Công ty cổ phần Dầu thực vật Tường An (TAC) cũng đưa ra kế hoạch sáp nhập với KDC trong tài liệu họp ĐHĐCĐ. Giá cổ phiếu TAC cũng tăng vọt 42% chỉ trong nửa cuối tháng 5.

Phiên giao dịch cuối tháng 5 đã chứng kiến giá cổ phiếu Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG) tăng trần, dù vẫn đang trong diện bị kiểm soát. Thông tin nhóm cổ đông liên quan đến Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) liên tiếp mua vào cổ phiếu HNG và tăng tỷ lệ sở hữu đã tác động tích cực lên tâm lý các nhà đầu tư.

Việc các doanh nghiệp mạnh tay M&A trong thời điểm khó khăn hiện nay có thể xem là một chiến lược mạo hiểm nhưng đầy
khôn khéo.

Cụ thể vào ngày 19-5, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Thaco, đã mua vào 3,88 triệu cổ phiếu HNG, nâng sở hữu từ mức 4,23% lên 4,58%. Công ty mẹ của Thaco là Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Trân Oanh cũng do ông Trần Bá Dương làm Chủ tịch mua vào 630.000 cổ phiếu HNG, tăng sở hữu từ mức 4,9% lên 4,96% vốn. Đáng chú ý, Thaco mua 14,96 triệu cổ phần, tăng tỷ lệ nắm giữ tại HNG lên 27,63% vốn. Theo đó, nhóm cổ đông liên quan đến Thaco đã tăng tỷ lệ sở hữu lên 37,17% vốn tại HNG, tương ứng hơn 412 triệu cổ phần. Thaco gần đây cũng gây chú ý với thương vụ thâu tóm Công ty cổ phần Hùng Vương (HVG).

ĐHĐCĐ của Công ty cổ phần Dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn (SVC) trong sáng ngày 29-5 đã thu hút sự chú ý khi ông Nguyễn Hoàng Giang – nguyên Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán VNDirect đã được nhóm cổ đông sở hữu trên 36% cổ phần tại SVC giới thiệu và trúng cử vị trí thành viên HĐQT. Giá cổ phiếu SVC đã tăng 61% trong hai tháng qua, khi toàn bộ cổ đông lớn nước ngoài đã thoái vốn và được thay thế bởi nhóm nhà đầu tư trong nước. Theo quỹ PYN Elite Fund – một trong những cổ đông nước ngoài của SVC vào cuối tháng 3 thì “một cuộc chạy đua quyền sở hữu tại doanh nghiệp đã mở đường cho phi vụ thoái vốn này”.

M&A cũng là câu chuyện được nhắc đến nhiều trong kế hoạch kinh doanh năm nay của các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán. Trong tài liệu họp ĐHĐCĐ của Công ty cổ phần Vật tư Kỹ thuật nông nghiệp Cần Thơ (TSC) có tờ trình phương án cho Công ty cổ phần tập đoàn F.I.T được tăng sở hữu lên đến 80% số cổ phần biểu quyết tại TSC. Hay như câu chuyện Công ty Giao nhận và Vận chuyển Indo Trần (ITL) và Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (GEX) chạy đua tăng tỷ lệ sở hữu để thâu tóm Công ty Kho vận Miền Nam (STG) cũng hấp dẫn không kém.

Đáng lưu ý là ngay cả những doanh nghiệp mới khởi nghiệp (startup) cũng hứng thú với các kế hoạch M&A trong giai đoạn hiện nay, mà thương vụ giữa Tiki và Sendo mới đây là minh chứng rõ nhất. Được biết thương vụ có thể hoàn tất ngay trong tháng 7 tới, giúp liên doanh này trở thành một đối thủ rất mạnh trên thị trường thương mại điện tử trong cuộc đua “đốt tiền” với Shopee và Lazada.

Chiến lược giữa thời khủng hoảng?

Theo giới phân tích, việc các doanh nghiệp mạnh tay M&A trong thời điểm khó khăn hiện nay có thể xem là một chiến lược mạo hiểm nhưng đầy khôn khéo. Đối với những công ty đã có sẵn mối liên kết, cơ cấu sở hữu có sự liên quan thì việc M&A tự nguyện nhằm để tiết giảm chi phí, yếu tố quan trọng sống còn trong thời buổi này.

Như tại trường hợp của Kido, việc M&A là để tập đoàn mẹ tập trung toàn lực hỗ trợ cũng như giúp các công ty liên kết tận dụng triệt để các lợi thế về tài chính, quản trị và chiến lược của tập đoàn mẹ. Ngoài ra, riêng thương vụ KDF còn nhằm thu hút nhà đầu tư quan tâm đến cổ phiếu khi mà KDF dù được đưa lên giao dịch tại Upcom từ năm 2017 nhưng chưa tạo được sự chú ý và giá cổ phiếu chưa phản ánh đúng vị thế doanh nghiệp.

Thứ hai là đối với những doanh nghiệp đang mở rộng đầu tư sang những lĩnh vực, ngành nghề mới, chiến lược thâu tóm luôn là lựa chọn đáng được cân nhắc để tiết giảm thời gian và chi phí khởi đầu, khi có thể nhanh chóng tận dụng sẵn nguồn cung, thị trường của doanh nghiệp bị thâu tóm. Trường hợp của Thaco với HNG hay HVG là ví dụ, khi Thaco đã thành lập Công ty cổ phần Sản xuất, Chế biến và Phân phối nông nghiệp THADI từ tháng 3-2019 và liên tiếp thực hiện việc thâu tóm các công ty trong lĩnh vực nông nghiệp đang gặp khó khăn kể từ đó đến nay.

Gần đây, Công ty cổ phần Vinhomes (VHM) – ông lớn kinh doanh bất động sản thuộc Vingroup, đã chia sẻ định hướng phát triển sang lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp, vốn được kỳ vọng sẽ hưởng lợi lớn trước xu hướng dòng vốn quốc tế dịch chuyển vào Việt Nam. Do đó, giới đầu tư dự đoán không loại trừ khả năng VHM sẽ đẩy mạnh chiến lược M&A với những công ty đang hoạt động trong lĩnh vực này, nhằm chiếm lĩnh quỹ đất khu công nghiệp nhanh nhất có thể.

Thứ ba, ngoài M&A các doanh nghiệp khác ngành nghề, thì việc hợp nhất những công ty trong cùng lĩnh vực nhằm gia tăng thị phần, như trường hợp của Tiki và Sendo, hai đối thủ lớn cùng hoạt động trong ngành thương mại điện tử. Với việc Tiki có thế mạnh ở các đô thị lớn như Hà Nội và TPHCM, trong khi Sendo phổ biến hơn ở khu vực ngoại ô và nông thôn, giới phân tích cho rằng nếu thương vụ này thành công sẽ giúp hai công ty nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường và mở rộng cơ sở khách hàng để tận dụng triệt để, nhằm phục vụ các mục tiêu phát triển mới.

Và cuối cùng, không thể không nhắc đến các thương vụ thâu tóm nhằm giành lấy những doanh nghiệp có tiềm năng hấp dẫn nhưng giá cổ phiếu chưa phản ánh đúng giá trị doanh nghiệp. Những tên tuổi lớn như SVC hay STG luôn có những lợi thế cạnh tranh nhất định, luôn là mục tiêu thu hút của những nhà đầu tư tổ chức lớn.

Đáng lưu ý là nếu M&A giữa những doanh nghiệp trong nước nhằm mở rộng quy mô, thị phần luôn được khuyến khích, thì các thương vụ thâu tóm thù địch có thể mang lại những hệ quả khó lường. Ngoài ra, các thương vụ M&A có dính tới yếu tố nước ngoài cũng bị chú ý gần đây, khi một số phân tích cho rằng việc thị trường chứng khoán lao dốc đã trở thành cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài săn tìm “mồi ngon”, thậm chí đã có một số đề xuất cần ngăn chặn các thương vụ thâu tóm nhạy cảm của khối ngoại.

Thống kê năm tháng đầu năm nay cho thấy trong tổng số 3.528 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn gần 3 tỉ đô la Mỹ, có đến 2.813 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 1,8 tỉ đô la, chiếm đến 80% tỷ trọng số lượt và 60% về giá trị. Những thương vụ góp vốn nhưng không làm tăng vốn điều lệ phần lớn là các thương vụ thâu tóm hay các doanh nghiệp nội địa buộc phải bán mình để thoát ra khỏi tình trạng khó khăn hiện nay.



Nguồn bài viết

Bài trướcFacebook xóa gần 200 tài khoản liên kết các nhóm kích động thù hận | Công nghệ
Bài tiếp theoKhông thể đổ lỗi dự án đường sắt Cát Linh cho khóa trước