Sắp có chính sách khuyến khích căn hộ dưới 20 triệu đồng mỗi m2

Đại diện Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết sẽ đề xuất chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp làm nhà dưới 70 m2.

Thông tin trên được ông Nguyễn Trọng Ninh – Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) – chia sẻ tại một hội thảo sáng 11/6. Vị này cho biết, dự thảo Nghị quyết phát triển nhà ở thương mại giá rẻ sẽ được trình Chính phủ trong quý III.

Theo đó, các doanh nghiệp phát triển căn hộ dưới 70 m2 với giá dưới 20 triệu đồng mỗi m2 có thể được chậm nộp, thậm chí miễn giảm tiền sử dụng đất. Đồng thời, họ được hỗ trợ lãi suất cho vay, tạo điều kiện phát hành trái phiếu hoặc tháo gỡ thủ tục xây dựng.

Thị trường căn hộ Hà Nội nhìn từ trên cao. Ảnh: Giang Huy.

Thị trường căn hộ Hà Nội nhìn từ trên cao. Ảnh: Giang Huy.

Ông Nguyễn Văn Đính – Phó chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam – cho biết, TP HCM không có dự án nhà ở xã hội với mức giá phù hợp, nhiều dự án ban đầu giá bình dân chỉ hơn 20 triệu đồng mỗi m2 nhưng hiện giá chào bán đã trên 30 triệu đồng mỗi m2 dù chất lượng không thay đổi.

Lý giải điều này, ông cho rằng thời gian thực hiện các dự án kéo dài đã làm tăng chi phí đầu tư của doanh nghiệp. Ngoài ra, nguồn cung hạn chế cũng khiến giá đất gia tăng. Vì vậy các bên cần hợp tác với nhau để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giúp giá nhà giảm xuống để người thu nhập thấp có cơ hội mua nhà.

Trước đó, báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết, nhu của người dân với nhà ở bình dân, giá thấp – dưới 25 triệu đồng mỗi m2 – chiếm từ 70% tới 80% tổng nhu cầu nhà ở trên toàn thị trường, nhưng nguồn cung đang thiếu.

Diện tích nhà ở bình dân trên cả nước chỉ đạt khoảng 4 triệu m2, tương đương 34,3% so với mục tiêu xây dựng 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội đã đề ra trong Chiến lược Phát triển nhà ở Quốc gia đến năm 2020.

Báo cáo CBRE cũng cho thấy, thị trường TP HCM chỉ ghi nhận 3.606 căn hộ từ 11 dự án được chào bán trong quý I, nhưng không có dự án bình dân nào. Việc vắng bóng căn hộ bình dân tại thị trường TP HCM đã xuất hiện từ quý II/2019.

Còn tại thị trường Hà Nội, sau khi có một lượng ít căn hộ giá bình dân ra hàng năm 2019, phân khúc này cũng gần như vắng bóng trong tổng số 1.600 căn hộ được tung ra trong quý I.

Không chỉ vậy, hành lang pháp lý của thị trường bất động sản chưa theo kịp tốc độ phát triển những năm gần đây, theo TS. Sử Ngọc Khương cũng là nguyên nhân khiến các nhà đầu tư khó làm nhà giá rẻ.

Cụ thể, quy trình từ khi chấp thuận chủ trương, phê duyệt dự án và quy hoạch 1/500 đến lúc hoàn thành một dự án mất trung bình từ 3-5 năm, khoảng thời gian này tác động không nhỏ ảnh hưởng chi phí.

“Vấn đề là không được cấp phép xây dựng làm sao đi vay ngân hàng và thực hiện dự án để bán cho người dân? Nguồn vốn để phát triển bất động sản nhà ở là từ người mua trả tiền trước, từ việc đi vay ngân hàng nhưng giờ ách tắc ngay chỗ cấp phép xây dựng, rất nhiêu khê”, ông Khương nhận xét.

Theo ông Khương, nếu việc giải quyết thủ tục, vướng mắc của doanh nghiệp kéo dài thì sản phẩm bất động sản dự kiến bán 25 – 30 triệu đồng mỗi m2 sẽ phải nâng lên 35 triệu đồng mỗi m2 mới có lãi.

Tại hội thảo, ông Ninh cho biết, Bộ Xây dựng đang trình Chính phủ xem xét, sửa đổi nghị định này theo hướng cắt giảm các thủ tục hành chính để tạo thu hút doanh nghiệp đầu tư.

Bên cạnh đó, gói tín dụng 2.000 tỷ đồng – khoản nhà nước cấp bù lãi suất cho vay – sẽ giúp các ngân hàng thương mại huy động thêm khoảng 60.000 tỷ đồng để hỗ trợ các dự án nhà ở xã hội gặp vướng mắc về vốn trong quá trình triển khai.

Hoàng Thắng

Nguồn bài viết

Bài trướcChạy đua phát triển mạng 6G | Công nghệ
Bài tiếp theoChuẩn đào tạo bác sĩ của Việt Nam… không giống ai | Giáo dục