Ứng dụng đánh giá chỉ số văn minh ở thành phố Tô Châu

Trung QuốcChính quyền thành phố Tô Châu đang triển khai thử nghiệm hệ thống tính điểm công dân dựa trên mức độ “văn minh” của mỗi người.

Chính quyền Tô Châu sử dụng một ứng dụng tên Suzhou Civility Code để đánh giá và xếp hạng mức độ văn minh của công dân thành phố, thể hiện qua việc tuân thủ luật pháp, tham gia hoạt động xã hội, phân loại rác và có hành vi đúng mực.

Ứng dụng xếp hạng công dân là một phần trong đạo luật Quy tắc ứng xử Tô Châu ra mắt tháng 5. Ảnh: Wired.

Ứng dụng xếp hạng công dân là một phần trong đạo luật “Quy tắc ứng xử Tô Châu” ra mắt tháng 5. Ảnh: Wired.

Theo Southern Metropolis Daily, chính quyền bắt đầu thử nghiệm vào tuần trước. Ứng dụng sẽ theo dõi quá trình tham gia giao thông của người dùng. Mỗi người dùng có 1.000 điểm xuất phát. Với mỗi lượt vi phạm, như vượt đèn đỏ, người đó sẽ bị trừ 50 điểm.

Hệ thống chấm điểm dựa theo cách tính thưởng – phạt. Nghĩa là những hành động tốt, như tham gia tình nguyện, hiến máu, hiến tạng hoặc lao động gương mẫu, sẽ được cộng điểm. Ngược lại, hệ thống sẽ trừ điểm nếu một người không có khả năng trả nợ, chậm thanh toán hóa đơn điện nước, vi phạm luật giao thông, lan truyền tin tức giả mạo, truyền bá tôn giáo bất hợp pháp hay bôi nhọ người khác trên mạng xã hội, lừa đảo hoặc bị kết án.

Chương trình này không khác biệt nhiều so với các hệ thống chấm điểm công dân vốn đã được triển khai ở một số thành phố lớn của Trung Quốc, trong đó có Nam Kinh. Bắt đầu từ năm ngoái, cảnh sát Nam Kinh đã bắt đầu thực hiện hạ mức tín nhiệm xã hội với những công dân vi phạm giao thông thường xuyên. Nhưng thay bị trừ hết điểm số, những người vi phạm pháp luật nghiêm trọng sẽ bị dán nhãn “không đáng tin cậy”.

Các quan chức Tô Châu nhấn mạnh rằng việc tham gia ứng dụng Suzhou Civility Code là hoàn toàn tự nguyện. Tuy nhiên, kế hoạch này đã vấp phải sự hoài nghi và hứng chịu nhiều chỉ trích trên mạng xã hội Trung Quốc.

“Viễn cảnh đáng sợ mà tôi thấy khi xem Black Mirror thực sự đã xảy ra trong đời thực. Điều đó thật kinh khủng”, một người dùng Weibo đề cập đến series phim viễn tưởng của Anh diễn ra trong một tương lai nơi những tiến bộ công nghệ ảnh hưởng tiêu cực đến con người.

Một tập phim có tựa đề Nosedive đã tạo được ấn tượng đặc biệt với nhiều người Trung Quốc vì nó mô tả một thế giới mà mọi người đánh giá lẫn nhau sau mỗi lần tương tác, ảnh hưởng đến uy tín trong xã hội của nhau. “Có một tập trong Black Mirror khi người khác cho bạn điểm càng cao, bạn càng được đối xử tốt”, một người dùng Weibo bình luận về bài đăng liên quan tới đạo luật “Quy tắc ứng xử Tô Châu”. Bình luận đã nhận được hơn 400 lượt like.

Giao diện ứng dụng Suzhou Civility Code. Ảnh: Suzhou Police.

Giao diện ứng dụng Suzhou Civility Code. Ảnh: Suzhou Police.

Bất chấp làn sóng chỉ trích, một số người vẫn ủng hộ việc sử dụng ứng dụng như một cách để kiềm chế các hành vi ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội. Một người dùng Weibo cho biết: “Nếu dự án này nhắm vào những người hút thuốc trên đường phố, những người không tôn trọng phụ nữ hoặc những người đi tàu điện ngầm vô văn hóa, thì tôi thực sự thích”.

Các quan chức chính quyền Tô Châu cho biết giai đoạn thử nghiệm của dự án Suzhou Civility Code đã kết thúc và những người phụ trách dự án sẽ cải tiến công nghệ trước khi tiến hành một thử nghiệm khác, The Paper đưa tin. Giai đoạn thử nghiệm đã có hơn 5.800 người tham gia.

Các quan chức thành phố cũng khẳng định kết quả từ ứng dụng này sẽ không ảnh hưởng đến việc ghi danh vào trường, việc làm hay đăng ký hộ khẩu. Người vi phạm giao thông sẽ chỉ bị xử phạt theo luật pháp hiện hành. Mặt khác, những người có điểm số cao có thể được hưởng các đặc quyền như giảm giá khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng, được tặng vé xem phim, cốc và khăn tắm miễn phí.

Ý tưởng về hệ thống chấm điểm công dân ở Trung Quốc lần đầu xuất hiện trong một tài liệu chính sách xuất bản vào năm 2014. Mục tiêu của hệ thống là trở thành một cơ chế “Cây gậy và củ cà rốt”, giúp đưa ra các hình phạt và phần thưởng tùy theo hành vi của từng công dân.

Trước khi đại dịch Covid-19 bùng nổ ở Trung Quốc, hệ thống này đã được dự kiến triển khai trên phạm vi toàn quốc trong năm nay. Tuy nhiên, virus Corona đã làm nảy sinh thêm một vấn đề với chính phủ Trung Quốc: làm sao để kiểm soát sự di chuyển của người dân. Và giải pháp là các mã y tế dạng QR. Chính quyền địa phương các tỉnh của Trung Quốc đều sử dụng công nghê mã QR có màu để chỉ ra khả năng tiếp xúc của một người với virus Corona. Bất kỳ ai bị thuật toán gán mã màu vàng hoặc mã đỏ đều phải ở nhà. Trong khi những người có mã xanh có thể đi lại tự do.

Trong khi một số người bày tỏ lo ngại về việc thu thập quá nhiều dữ liệu cá nhân, những người khác cho biết họ không thấy phiền về việc sử dụng mã y tế để truy vết dịch bệnh. Và Tô Châu không phải là thành phố duy nhất của Trung Quốc đang cố gắng mở rộng việc sử dụng các mã y tế để ngăn chặn đại dịch. Gần đây, công dân thành phố Thượng Hải đã bắt đầu sử dụng mã y tế thay thế số định danh cá nhân.

Đăng Thiên (theo SCMP)

Nguồn bài viết

Bài trướcQuảng Ninh tiếp tục tung gói kích cầu du lịch 100 tỷ đồng
Bài tiếp theoHọc phí đại học tăng đến đâu? | Giáo dục