Lời nhận xét ‘dễ thương’ trong sổ liên lạc

TP HCMKhông dùng các câu nhận xét khô khan, thầy Nguyễn Viết Đăng Du viết trong sổ liên lạc của học trò: cô gái vàng trong làng lãnh đạo, người đàn ông hoàn hảo…

Tuần đầu tiên được nghỉ ngơi sau khi tổng kết năm học, thạc sĩ Nguyễn Việt Đăng Du (Tổ trưởng Lịch sử, trường THPT Lê Quý Đôn) thấy vui vì một lứa học trò đã “cập bến” và cũng có chút buồn vì nhớ chúng.

Trước lễ tổng kết, thầy Du dành một buổi chiều viết lời nhận xét trong sổ liên lạc cho 27 học sinh lớp 11A5. Với mỗi em, thầy chỉ viết 1-2 câu, nhưng trước đó là một khoảng thời gian hồi tưởng về tính cách, khuôn mặt và những kỷ niệm với học trò đó.

Lời nhận xét của thầy Nguyễn Viết Đăng Du trong sổ liên lạc của một nữ sinh lớp 11 A5. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Lời nhận xét của thầy Nguyễn Viết Đăng Du trong sổ liên lạc của một nữ sinh lớp 11 A5. Ảnh: Facebook nhân vật.

Trong cuốn sổ của cô lớp trưởng có 9,2 điểm tổng kết năm, thầy viết: “Cô gái vàng trong làng lãnh đạo. Học giỏi, năng động, cá tính. Tinh thần trách nhiệm cao”. Đây là nữ sinh “miệng hét ra lửa”, hay quát các bạn nam nhưng ai cũng phải nghe.

Một nam sinh được thầy Du nhận xét là “người đàn ông chân chính của lớp 11A5, giỏi và trầm tính”. Cậu học trò vốn là học sinh giỏi, luôn gánh vác công việc chung của lớp và rất ga lăng. Khi cả lớp tập kịch, dù không diễn hay nhưng em vẫn nhận lời đóng vai ông già. Lúc đi dã ngoại với lớp, thay vì chơi điện thoại thì em ngồi nướng đồ ăn cho các bạn nữ.

Một nam sinh khác được thầy chủ nhiệm phê: “Người đàn ông khá hoàn hảo ngoại trừ việc còn xa cách với lớp”. Đây là cậu học trò giỏi, nhà khá giá nhưng hơi xa cách với bạn bè, ít khi tham gia các hoạt động chung.

Còn nam sinh thường vào lớp muộn dù đến trường rất sớm, thầy nhận xét: “Lưu ý môn Hóa, cần hạn chế tính nghệ sĩ, thực hiện đúng nội quy của nhà trường”.

Riêng cậu học trò có gia cảnh éo le được thầy động viên: “Rất cố gắng trong học tập và cần cố gắng nhiều hơn trong tương lai để vượt qua hoàn cảnh khó khăn”. Trong năm học, cả lớp đã quyên góp học phí giúp bạn. Học kỳ I em đạt học sinh tiên tiến, học kỳ II và cả năm đạt học sinh giỏi.

“Viết nhận xét sổ liên lạc, khen thì dễ nhưng chê thì khó. Chê làm sao để các em thấy vừa vui, vừa nhận ra điểm hạn chế mà không tự ái, không bị tổn thương. Các em bị tổn thương thì phụ huynh cũng không vui”, thầy Du nói.

Rất may, trong buổi tổng kết lớp cuối tuần trước, phần lớn phụ huynh hài lòng khi nhận sổ. Họ cảm ơn thầy chủ nhiệm đã tinh tế nhận ra cá tính của con mình, điều mà đôi khi vì bận rộn với công việc họ lãng quên. “Càng lớn các em càng có xu hướng không muốn hoặc ngại chia sẻ chuyện học hành, trường lớp với cha mẹ”, thầy lý giải.

Là giáo viên dạy Sử, thầy Du chỉ gặp học trò do mình chủ nhiệm hai tiết mỗi tuần và các giờ sinh hoạt lớp. Mỗi nhận xét trên, theo ông là cả quá trình tiếp xúc, gần gũi, lắng nghe chia sẻ của các em.

“Tôi muốn các em hiểu rằng mình luôn theo sát các em, luôn hiểu và lắng nghe, dù không nói ra. Mong các em nhìn vào những nhận xét để khắc phục những hạn chế, hoàn thiện bản thân”, thầy chia sẻ.

Thầy Nguyễn Viết Đăng Du và học sinh lớp 11A5 chụp ảnh kỷ niệm trong ngày tổng kết năm học. Ảnh: Ky Duyen.

Thầy Nguyễn Viết Đăng Du và học sinh lớp 11A5 chụp ảnh kỷ niệm trong ngày tổng kết năm học. Ảnh: Facebook nhân vật.

Tròn 25 năm làm nghề giáo, thầy Du được đồng nghiệp và học sinh nhận xét là người có chuyên môn, rất sáng tạo giảng dạy và kiểm tra Lịch sử – môn học được cho là khô khan, ít hấp dẫn học sinh.

Trong thời gian học sinh nghỉ chống Covid-19, thầy ra một đề kiểm tra 15 phút, yêu cầu các em thể hiện sự hiểu biết về một nhân vật lịch sử Việt Nam bằng hình thức tự chọn: thiết kế sơ đồ tư duy, vẽ tranh, làm video…

Tổ Sử lập một Fanpage Vietnamese Heroes để học sinh các khối “nộp” bài tập, đồng thời là “triển lãm” giới thiệu sản phẩm cho bạn bè cả trường cùng xem. Học sinh cả trường rất hứng thú với bài kiểm tra này, nhiều sản phẩm được đánh giá là vượt xa sự mong đợi của thầy cô.

Mạnh Tùng