Nam sinh nhặt rác vào Đại học Luật Harvard

MỹTừng bị tất cả đại học từ chối, phải đi thu gom rác kiếm sống, Rehan Staton, 24 tuổi, được nhận vào chương trình luật danh tiếng của Đại học Harvard.

Từ nhỏ, Rehan có cuộc sống hạnh phúc cùng bố mẹ và anh trai tại thành phố Bowie, bang Maryland. Ngoài việc theo học tại một trường tư danh tiếng, Rehan được gia đình đầu tư thuê gia sư học tại nhà.

Năm Rehan 8 tuổi, mọi thứ thay đổi khi mẹ em rời khỏi Mỹ và bố em mất việc, phải làm thêm đến 3h sáng để chi trả cuộc sống. Gia đình Rehan khó khăn đến mức thức ăn khan hiếm và việc bật lò sưởi vào mùa đông là điều xa xỉ. “Em phải mặc áo rất dày để ngủ khi trời trở lạnh. Em luôn đói và giận dữ. Cuộc sống khó khăn khiến em học kém dần”, Rehan nói.

Từ một học sinh giỏi, em dần trở thành một trong những người điểm kém nhất lớp. Em không thể tập trung khi học và thường buồn ngủ vì ở lớp ấm hơn ở nhà rất nhiều. Khi vào lớp 7, một giáo viên nói với Rehan rằng cần được hỗ trợ đặc biệt, khiến em “vô cùng ghét trường học”.

Sau việc này, bố đã đến cộng đồng địa phương để tìm gia sư cho Rehan. Một kỹ sư hàng không vũ trụ ở gần đó đã tình nguyện giúp đỡ Rehan học mà không lấy tiền công. “Em trở lại thành học sinh giỏi vào cuối năm học. Chú gia sư như một người họ hàng, người cha đỡ đầu đã cho em đồ ăn và nơi ở. Sau khi chú không thể giúp được nữa, điểm số của em lại dần kém đi”, Rehan kể lại.

Rehan Staton (trái) tốt nghiệp Đại học Maryland. Ảnh: Rehan

Rehan Staton (trái) tốt nghiệp Đại học Maryland. Ảnh: Rehan

Vào cấp ba, nam sinh tập luyện chăm chỉ để trở thành vận động viên đấm bốc chuyên nghiệp. Em đã thắng nhiều giải võ thuật quy mô trường. Xung quanh Rehan, mọi người không hỏi về việc học nữa, thay vào đó họ quan tâm đến việc em tập luyện như nào để tham gia giải đấu sắp tới.

Bi kịch xảy ra vào năm cuối trung học khi Rehan gặp chấn thương dây chằng rất nặng ở cả hai khớp vai trước giải đấu khiến em không thể nhấc tay lên quá vai. Khi gặp chấn thương, Rehan vẫn có thể tiếp tục thi đấu về sau. Tuy nhiên, do không có bảo hiểm y tế, việc vật lý trị liệu là một điều không thể với Rehan và em không thể hồi phục chấn thương hoàn toàn.

Với việc không thể tiếp tục sự nghiệp chuyên nghiệp, Rehan phải chuyển sang học đại học và bị từ chối bởi tất cả trường. Em dần hồi phục chấn thương và bắt đầu công việc nhặt rác cho công ty địa phương ở trong một cộng đồng với rất nhiều người từng vi phạm pháp luật và bị tống giam.

Mọi người hỏi Rehan, tại sao em làm công việc này. “Em quá thông minh”, “Em quá trẻ để ở đây”, “Hãy đi học đại học và hãy chỉ quay lại đây nếu mọi chuyện không ổn”, nhiều người nói với Rehan. Đấy là lần đầu tiên một người không phải từ gia đình, ngoại trừ gia sư năm lớp 7, cổ vũ Rehan theo đuổi sự nghiệp học hành.

Những đồng nghiệp và quản lý ở công ty vệ sinh đã kết nối Rehan với một giáo sư ở Đại học Bowie State, trường đã từ chối em vài tháng trước đó. Giáo sư đã ấn tượng khi trò chuyện với Rehan và đã thuyết phục nhà trường nhận em vào học.

Việc Rehan học đại học khiến anh trai của em, Reggie, tự nguyện bỏ học. Cả hai anh em đều hiểu rằng, một trong hai người phải đi làm toàn thời gian để giúp bố kiếm tiền, nếu không họ sẽ mất nhà. “Anh Reggie biết rằng em sẽ mắc kẹt ở đây nếu không nắm lấy cơ hội này và đi học, đặc biệt với điểm số thấp của em hồi cấp 3”, Rehan nói.

Rehan (trái) vẫn tiếp tục công việc thu gom rác khi ở Đại học Maryland. Ảnh: Rehan

Rehan (trái) vẫn tiếp tục công việc thu gom rác khi ở Đại học Maryland. Ảnh: Rehan

Sau khi đạt điểm tuyệt đối, Rehan chuyển đến Đại học Maryland, nơi em đã đạt được vô số thành tựu trong trường: từ chủ tịch hội lịch sử cho đến người phát biểu trong lễ tốt nghiệp (thường là học sinh có thành tích tốt nhất khóa). Và kể cả khi đi học, em vẫn tiếp tục công việc nhặt rác vào sáng sớm và giữa các tiết học.

Sau khi tốt nghiệp, sức khỏe của Rehan tiếp tục suy giảm nhưng em đã tìm được công việc ở trong một công ty tư vấn chính trị ở Washington, Mỹ. Em đã chuẩn bị thi LSAT, kỳ thi chuẩn hóa cho các trường luật.

Tháng 3 năm nay, ở tuổi 24, Rehan được nhận vào tất cả chương trình luật danh tiếng của các đại học gồm USC, Columbia, Pennsylvania và Harvard.
“Em không thể tin được và cảm thấy sự hy sinh của bố và anh trai không hề lãng phí”, Rehan chia sẻ.

Mùa thu năm nay, Rehan sẽ nhập học Đại học Luật Harvard. Chia sẻ với những người đang gặp khó khăn, Rehan nói: “Hãy yêu bản thân đủ nhiều để hiểu mình muốn gì trong cuộc sống. Bạn sẽ luôn tìm ra cơ hội trong khó khăn và bạn cần theo đuổi cơ hội ấy”.

Phan Nghĩa (Theo Good Morning America)

Nguồn bài viết

Bài trước‘Giải ngân 30 tỷ USD đầu tư công, cần lãnh đạo quyết liệt’
Bài tiếp theoTài sản tăng vũ bão, Elon Musk vượt mặt Warren Buffett