Không nêu rõ sách giáo khoa và tham khảo là ‘sai quy định’

Ngày 8/9, Vụ trưởng Giáo dục tiểu học Thái Văn Tài chia sẻ quan điểm xoay quanh những phản ánh về sự nhập nhèm sách giáo khoa và tài liệu tham khảo.

Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Giáo dục tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho hay thông qua báo chí và phản ánh của một số phụ huynh, Bộ Giáo dục và Đào tạo biết có trường học chưa làm đúng quy định về sách giáo khoa và tài liệu tham khảo trước thềm năm học 2020-2021.

Theo Điều lệ trường học, sách giáo khoa là tài liệu bắt buộc, nhà trường phải hướng dẫn phụ huynh mua sắm cho con. Với tài liệu tham khảo, nhà trường có trách nhiệm lựa chọn tài liệu phù hợp, trang bị trong thư viện để giáo viên tăng cường sử dụng, nâng cao chất lượng dạy học. Các trường cần thông tin đầy đủ cho phụ huynh để mua sắm đúng nguyện vọng. Mọi tổ chức, cá nhân không được ép buộc học sinh, phụ huynh mua tài liệu tham khảo.

Ngoài ra, Thông tư 21 năm 2014 quy định về việc quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong cơ sở giáo dục cũng nêu rất rõ tổ chuyên môn, giáo viên, nhà trường không được lợi dụng ảnh hưởng của mình để ép buộc phụ huynh, học sinh mua tài liệu tham khảo. Các trường phải thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác để phụ huynh mua theo nguyện vọng thực tế.

“Như vậy, hành lang pháp lý về tài liệu tham khảo và sách giáo khoa rất rõ ràng. Trường nào làm phụ huynh hiểu nhầm tài liệu tham khảo là bắt buộc thì trường đó sai”, ông Tài nói.

Vụ trưởng Giáo dục tiểu học Thái Văn Tài trả lời về sách giáo khoa và tài liệu tham khảo hôm 8/9. Ảnh: Dương Tâm.

Vụ trưởng Giáo dục tiểu học Thái Văn Tài trả lời về sách giáo khoa và tài liệu tham khảo hôm 8/9. Ảnh: Dương Tâm.

Ông Tài cũng cho rằng việc phụ huynh hiểu sai về tài liệu tham khảo bắt nguồn từ hai phía. Thứ nhất, nhà trường không phối hợp tốt với phụ huynh, cung cấp thông tin không rõ ràng. Nhưng ngược lại, phụ huynh cũng chưa chủ động hỏi lại mà ngầm hiểu đó là bắt buộc.

Phụ huynh cần đọc thông tin do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, giám sát, phản biện xã hội, mua sắm đúng sách cho con em. Nếu khẳng định được việc trường yêu cầu mua tài liệu tham khảo hoặc đồ dùng học tập trái với quy định, phụ huynh có quyền phản ánh đến cơ quan quản lý nhà nước để xử lý.

Về phía nhà trường, ông Tài cho rằng cần cung cấp thông tin minh bạch, nêu rõ sách giáo khoa là bắt buộc, tài liệu tham khảo dựa vào căn cứ nào, sử dụng với mục đích gì, đối tượng nào nên mua để phụ huynh mua theo nguyện vọng. Như trường hợp trường Tiểu học An Phong, quận 8, TP HCM giới thiệu danh mục sách giá 807.000 đồng trong đó có cả sách tham khảo, vở, bảng viết, nếu không nêu cụ thể đâu là sách giáo khoa, tài liệu tham khảo là chưa đúng quy định.

Cũng sau lùm xùm về danh mục sách giá 807.000 đồng ở TP HCM, ngày 8/9, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức thanh tra các trường trong việc mua sắm sách giáo khoa và tài liệu tham khảo nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm và báo cáo về Bộ trước ngày 20/9.

Năm học 2020-2021, chương trình giáo dục phổ thông mới (ban hành năm 2018) được áp dụng cho học sinh lớp 1, cùng với sự thay đổi sách giáo khoa. Theo thông tư 01/2020, thẩm quyền chọn sách giáo khoa thuộc về Hội đồng lựa chọn sách do các trường thành lập. Trường có thể chọn sách theo bộ hoặc theo môn học trong số 5 bộ sách giáo khoa đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.

Dương Tâm