EVNHCMC đặt mục tiêu thành doanh nghiệp số vào năm 2022

Theo ông Phạm Quốc Bảo – Chủ tịch HĐTV EVNHCMC, chuyển đổi số và mở rộng các ứng dụng số có vai trò quan trọng trong mục tiêu xây dựng lưới điện thông minh. Để chuẩn bị cho chuyển đổi số, doanh nghiệp đã quy hoạch hạ tầng công nghệ thông phục vụ cho truyền dẫn tín hiệu, điều khiển hệ thống điện với phương án dự phòng 1-1 về mặt đường truyền đảm bảo an toàn thông tin. Đồng thời, công ty nâng cấp hệ thống phần mềm dùng chung với Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Ứng dụng công nghệ vận hành hệ thống, khắc phục sự cố

Ông Nguyễn Văn Thanh – Tổng giám đốc EVNHCMC cho biết Tổng công ty đang mở rộng các ứng dụng số vào tất cả các mặt hoạt động với nhiều kết quả khả quan ban đầu. Theo đó, đến cuối năm 2019 đã lắp đặt và đưa vào vận hành hơn 1.700 thiết bị đóng cắt thông minh kết hợp với hạ tầng viễn thông dùng riêng (3G, cáp quang) chuyên biệt. Từ đó, Tổng công ty hoàn tất triển khai hệ thống giám sát, điều khiển từ xa (Mini-SCADA) cho 100% các phát tuyến lưới điện trung thế (770/770 tuyến dây).

Trung tâm điều khiển hệ thống điện từ xa của EVN HCMC. Ảnh: EVN HCMC.

Trung tâm điều khiển hệ thống điện từ xa của EVN HCMC. Ảnh: EVNHCMC.

Các đơn vị thành viên của EVNHCMC tự nghiên cứu và xây dựng hệ thống lưới điện vận hành tự động hóa hoàn toàn cho khoảng 180 tuyến dây công cộng. Nhờ vào các hệ thống này, hơn 90% số vụ sự cố trung thế đã được khôi phục cấp điện với thời gian ngắn hơn 5 phút thay vì phải đợi hai tiếng như trước đây.

Trong công tác đo đếm công tơ điện tử từ xa, tính đến nay, EVN HCMC đã triển khai lắp đặt 100% công tơ điện tử có chức năng đo đếm dữ liệu từ xa cho 1.799 điểm đo tại các trạm biến áp 220 kV, 110 kV. Hệ thống này đang phục vụ đắc lực cho kinh doanh dịch vụ và quản lý kỹ thuật điện như tự động ghi chỉ số tiêu thụ và tự động tính toán hóa đơn tiền điện, giám sát, quản lý vận hành lưới điện từ xa, đặc biệt là giúp phát hiện nhanh các hiện tượng bất thường trên lưới điện.

Đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt

Trong lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ khách hàng, EVNHCMC đã cung cấp 100% dịch vụ trực tuyến cấp độ 4 đối với 19/19 loại hình dịch vụ thông qua tương tác đa kênh như tổng đài chăm sóc khách hàng 1900545454, website, email, tổng đài nhắn tin SMS, ứng dụng trên thiết bị di động…

Việc thu tiền điện được 23 ngân hàng và 9 đối tác thu hộ thực hiện tại các điểm thu ngân hàng, các siêu thị tiện ích hoặc các hình thức điện tử SMS, mobile, Internet Banking… Đến nay, tỷ lệ khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt đạt gần 99%.

Nhân viên EVNHCMC hướng dẫn khách hàng sử dụng app chăm sóc khách hàng của EVNHCMC.

Nhân viên EVNHCMC hướng dẫn khách hàng sử dụng app chăm sóc khách hàng. Ảnh: EVNHCMC.

Tổng công ty cũng chú trọng đầu tư cho các công nghệ hiện đại khác và là đơn vị ứng dụng đầu tiên công nghệ sửa chữa điện nóng (live-line working – sửa điện trên đường dây đang mang điện) trong cả nước. Hiện công ty có 16 tổ thi công live-line trung thế và đang hoàn tất triển khai tổ 01 live-line 110 kV, nghiên cứu sản xuất thành công các thiết bị vệ sinh cách điện bằng nước áp lực cao.

Sắp tới, để đẩy mạnh chuyển đổi số, EVNHCMC sẽ khánh thành và đưa vào hoạt động trung tâm dữ liệu hiện đại để phục vụ tất cả các mặt công tác quản lý điều hành, nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng sử dụng điện.

Chủ tịch HĐTV EVNHCMC Phạm Quốc Bảo nhấn mạnh, mục tiêu lớn nhất của Tổng công ty khi đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ là không chỉ nâng cao hiệu quả quản lý vận hành hệ thống điện và quản trị doanh nghiệp mà phải thực sự đem lại lợi ích cho khách hàng và người dân.

Thanh Thảo

Nguồn bài viết

Bài trướcVieOn khởi kiện MoMo | Công nghệ
Bài tiếp theoNóng trên mạng xã hội: Chính quyền góp cát cho dân chống bão số 5 | Đời sống