ĐỂ ĐÔI BÊN CÙNG THẮNG

Sự chuyển đổi hình thức cư trú luôn là kết quả của quá trình tương tác – quan hệ giữa các nhóm cư dân với điều kiện tự nhiên và xã hội có sự biến đổi theo thời gian, thời điểm và thời cuộc nhất định. “Rome was not built in one day – Thành La Mã không thể xây trong một ngày” là cụm từ quen thuộc để biểu đạt giá trị thời gian của mọi vấn đề không tự đến tự đi, mà luôn phải diễn biến và điều chỉnh qua một thời gian rất dài.

Vì vậy khi chung cư trở thành một trong những lựa chọn cư trú hàng đầu của cư dân đô thị thế kỷ 21 thì những mặt tích cực cũng như tiêu cực của thói quen cư trú bám đất cũng chuyển hóa theo. Phong thủy chung cư luôn là đề tài chưa bao giờ cũ và tạo ra không ít tranh luận trái chiều, chủ yếu là sự va chạm giữa quan niệm sống sao cho khoa học, văn minh, hợp thời đại, với những kiêng kị mang đậm nét văn hóa bản địa, tín ngưỡng dân gian hay thậm chí truyền tụng mê tín.

Hầu hết công ty phát triển dự án chung cư hiện nay đều mở khóa tập huấn về phong thủy cho nhân viên môi giới cũng như chăm sóc khách hàng và nhà thiết kế. Nhu cầu chọn lựa, xử lý căn hộ theo phong thủy là thực tế hiển nhiên, dù không phải ai cũng hiểu biết thấu đáo, nhưng tâm lý “có thờ có thiêng” khiến chuyện phong thủy chung cư hiện nay cũng sôi động không khác gì phong thủy các công trình khác. Theo biến đổi thời đại, các tiêu chuẩn phong thủy cũng biến dịch tương ứng, từ nhà dưới đất lên căn hộ tầng cao, từ quan hệ thiên – địa – nhân theo cấu trúc không gian tự nhiên chuyển sang môi trường nhân tạo. Việc sắp xếp phong thủy cho không gian chung cư tuy có vài điểm khác nhưng về cơ bản vẫn thống nhất với phong thủy nhà truyền thống quen thuộc. Vấn đề nằm ở sự chuyến hóa các quan niệm tín ngưỡng và văn hóa truyền thống sang căn hộ hiện đại.

Hướng căn hộ là hướng nào?

Do chung cư lại là loại hình nhà ở không có trong kiến trúc truyền thống Việt, nên các quan niệm phong thủy chung cư hiện đại có thể tham khảo tại các nước có cùng gốc văn hóa Đông phương (Singapore, Hongkong…) áp dụng vào thời nay. Đại đa số người mua nhà chỉ “search” nhanh trên mạng là biết ngay mình tuổi thuộc nhóm Đông tứ mệnh hay Tây tứ mệnh, từ đó biết 4 hướng tốt và 4 hướng xấu để chọn (theo quan niệm phong thủy bát trạch khá phổ biến). Tuy vậy, vấn đề “hướng căn hộ chung cư là hướng cửa nào” lại gây nhiều tranh cãi.

Ở đây cần hiểu, mọi quy ước dù do con người suy luận ra cũng đều từ quy luật tự nhiên và ứng xử xã hội. Nhà nào và người nào cũng chịu sự chi phối của các loại hướng. Có hướng khó hình dung, như hướng phương vị hay hướng mệnh trạch thì phải dùng la bàn đặt vào trung cung rồi phân vùng tốt xấu, rồi phối mệnh các kiểu… Nhưng có các loại “hướng” mang tính phổ quát mà ai cũng hiểu và biết ứng xử, như hướng khí hậu (đông hay tây, nắng gió tốt hay xấu…) là bao đời nay vậy, gặp hướng xấu phải che chắn, gặp hướng tốt thì đón mở, đừng lẫn lộn cái tốt và xấu của khí hậu với cái cát hung của mệnh trạch. Hướng giao tiếp thì liên quan việc khách đến nhà ra vào bằng cửa chính, ngồi nói chuyện đối diện nhau, bàn làm việc quay lưng ra cửa đi thì dễ giật mình… cũng chẳng thể nào quy ước khác được vì phải thuận với nguyên tắc đi lại, an ninh và giao tế cơ bản. Vì vậy, không chỉ ở căn hộ chung cư mà ngay cả nhà riêng dưới đất thì các gia chủ cũng ngại cửa chính mở ra gặp con đường, hành lang đâm thẳng nhà mình, nhà mình ngó thẳng qua cửa chính nhà đối diện… gọi chung là trực xung đối môn. Mọi tốt xấu đến nhà đều thông qua chính môn, hướng căn hộ khi xét về mệnh trạch và giao tiếp dĩ nhiên là hướng cửa chính đi ra vào căn hộ.

Một số dự án căn hộ đề cao hướng nhìn ra từ cửa sổ hay ban công vì quan niệm từ đó trông ra ngoài thấy tầm nhìn đẹp, nắng gió ra vào tốt cho sức khỏe. Thậm chí cho rằng cửa chính mở ra hành lang chung không có thiên khí hay địa khí gì, còn cửa ban công đón được nắng gió nên… tính như cửa chính để xem theo tuổi của khách hàng. Ở đây cần làm rõ: trong không gian cư trú thì cửa nào cũng có vai trò riêng, nhưng khi xét hướng theo mệnh trạch gắn liền với hướng giao tiếp thì nhà ở đâu cũng vậy, căn hộ cũng không ngoại lệ: hướng nhà quy ước là hướng của bộ cửa chính để ra vào, tiếp khách, đón tốt tránh xấu… đúng quy luật ứng xử văn hóa. Còn không ai cấm gia chủ quan tâm đến góc nhìn từ ban công, phong cảnh đẹp hay những cửa phụ khác sẽ đóng mở về các hướng khí hậu và phương vị khác, phục vụ cho các vấn đề liên quan khác.

Chọn tầng theo số, bàn thờ đặt đâu?

Quá trình giao lưu, giao thương với người Trung Hoa đã khiến người Việt cũng có tập quán gắn liền ý nghĩa các con số với cách phát âm Hán Việt. Điều này còn gọi là hiện tượng văn hóa “liên tưởng đồng âm” trong đó mọi ý nghĩa của đời sống hay gán ghép với những từ được xem là may mắn hay xui xẻo trong đời sống, như mâm ngũ quả là “cầu dừa đủ xài sung”, cho đến ngại cúng trái chuối vì sợ bị chúi, thích chưng cây có tên gắn với lộc (lộc vừng) hay kim (kim ngân, kim quít). Từ đó số 6 (lục) nghe như lộc, số 8 (bát) khá được ưa thích vì phát âm gần với chữ phát (tài, lộc), trong khi số 4 (tứ) lại phát âm nghe gần giống chữ tử (chết). Khá nhiều chọn lựa số tầng, số phòng, đếm số bậc thang… đều tuân theo các truyền tụng như vậy, lâu ngày trở thành ứng xử quen thuộc.

Thời hiện đại đông tây giao lưu hội ngộ, nếu đông phương kiêng số 4 thì tây phương cũng chẳng kém gì khi họ lại rất kị số 13, xuất phát từ sự tích Tiệc ly trong sách Phúc Âm, tức là bữa ăn sau cùng của chúa Jesus với các môn đồ trước khi ngài chết. Các khái niệm từ thời cổ đại cũng chỉ phân thành 12 số, như 12 tháng trong năm, 12 cung hoàng đạo, 12 vị thần Hy Lạp… Điều này dẫn tới công ty bất động sản và chủ đầu tư chung cư hiện nay đa số bỏ đánh số các lầu, phòng có số 4 hay số 13 để khách hàng dù có theo văn hóa phương nào cũng không phải lăn tăn lo ngại. Ai cũng biết yếu tố tâm lý chiếm tỷ trọng lớn trong mọi hành xử nên việc kiêng kỵ này đơn thuần là đáp ứng nhu cầu tâm lý đám đông, còn nếu xét thuần túy khoa học thì mọi con số đều có đặc tính riêng, cũng như xã hội có người tốt người xấu vậy thôi.

Mọi gia đình Việt dù ở điều kiện nào cũng vẫn cố gắng bố trí các góc tâm linh thuộc hành Hỏa, là nơi để đặt bàn thờ gia tiên, bàn thờ ông địa thần tài và các tôn giáo khác… tùy theo tôn giáo tín ngưỡng của mỗi nhà. Nguyên tắc khi bố trí bàn thờ trong căn hộ chung cư cũng không khác mấy so với nhà ở truyền thống và nhà biệt lập, đó là tránh đặt bàn thờ ở bên dưới phòng vệ sinh và giường ngủ của căn hộ bên trên. Đây là vấn đề liên quan đến sự tôn nghiêm, từ ngôi nhà vườn xưa đến nhà phố sau này cũng không ai muốn bên trên chỗ đặt bàn thờ nhà mình lại là các hoạt động thiếu trang trọng và nơi dùng nhiều nước (ngại vấn đề Thủy khắc Hỏa) cho dù có cách biệt bởi sàn bê tông. Thường thì các căn hộ hiện nay đều có cấu trúc giống nhau, khu vệ sinh thiết kể theo trục kỹ thuật thẳng hàng nhau nên cũng không khó lắm khi nhìn mặt bằng căn hộ của mình để đoán ra vùng sử dụng ở bên trên. Nếu đặt bàn thờ tại các vị trí thuộc về phòng khách, hành lang đi lại hay vách ngăn phòng nhìn ra khu vực chung… thì hầu như chắc chắn không e ngại vấn đề các khu vực xấu của căn hộ bên trên sẽ “đè lên” bàn thờ nhà mình.

Giới chuyên môn, nhất là nhà thiết kế trẻ, hiện nay khá e ngại và khó chịu khi “đụng chuyện” phong thủy với khách hàng căn hộ chung cư cũng bởi các vấn đề cơ bản nêu trên. Quá nhiều luồng thông tin, quan niệm tốt xấu, tín ngưỡng vùng miền và cả những kiêng kỵ của riêng gia chủ khiến nhiều dự án đình trệ hoặc chỉnh sửa thiết kế nhiều lần bởi “lắm thầy nhiều ma”. Nhưng nếu nhìn nhận chuyện phong thủy chung cư như một quá trình nối dài và chuyển hóa các tín ngưỡng dân gian và văn hóa của nhóm cư dân sang giải pháp hiện đại hôm nay thì sẽ thấy là điểu hiển nhiên, có thể “gạn đục khơi trong” để tạo nên cách làm việc sao cho “đôi bên cùng thắng”.

Ví dụ như vấn đề bài trí bàn thờ trong căn hộ chung cư. Với gia chủ trẻ thì không có vấn đề, nhưng gia chủ trung niên và nhiều thế hệ cư trú thì phải giải quyết cách xử lý Hình Thế khu vực bàn thờ thông qua trang trí, để chỗ đặt bàn thờ trong chung cư có sự phân biệt và không quá sơ sài, không đem đến cảm giác “gần trời xa đất” mà lại không thể thâm u cầu kỳ trang trí cổ điển như nhà vườn hay nhà phố được. Thực tế nhiều căn hộ đã chọn cách xử lý trần theo kiểu chiếu sáng khác biệt cho khu bàn thờ, xử lý dạng tủ thờ gọn nhẹ, kiểu dáng giản dị, hoặc có thể dùng phần trên của tủ thờ làm như một “bộ mái” có kết hợp tấm kính hoặc gỗ để ngăn khói ám trần… như một điểm nhấn trang trọng, tất cả tùy theo phong cách nội thất chung của căn hộ và tín ngưỡng của gia chủ.

 



Nguồn bài viết

Bài trướcTổng thống Trump đã nói gì để bị điều tra luận tội? | Thế giới
Bài tiếp theoThanh khoản yếu, khối ngoại bán ròng khiến VN-Index “chìm” trong sắc đỏ