Cáp quang biển AAG gặp thêm sự cố

Trong khi khắc phục sự cố cũ, đơn vị sửa chữa phát hiện thêm sự cố mới trên tuyến cáp AAG, khiến thời gian sửa kéo dài thêm 4 ngày.

Đại diện một nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) cho biết, thời gian sửa tuyến cáp AAG sẽ bị lùi đến ngày 6/6, thay vì ngày 2/6 như dự kiến. Nguyên nhân là do phát hiện điểm đứt mới. Như vậy, lưu lượng Internet đi qua tuyến cáp AAG sẽ bị ảnh hưởng ít nhất đến cuối tuần này.

Sự cố vừa phát hiện đánh dấu lần thứ 3 tuyến cáp AAG gặp vấn đề trong năm 2020. Trước đó, tuyến cáp này cũng bị đứt vào các ngày 2/4, 14/5. Ở lần giữa tháng 5, nguyên nhân được xác định do lỗi cáp trên nhánh S1H, đoạn kết nối từ Việt Nam đi Hong Kong, với vị trí cách trạm cập bờ Vũng Tàu 107,7 km.

Ngoài AAG, một tuyến cáp khác là APG cũng gặp liên tiếp hai sự cố trong chưa đầy một tháng. Sự cố đầu tiên xảy ra ngày 30/4, tại phân đoạn S9 của APG, khiến toàn bộ lưu lượng truy cập từ Việt Nam đi Singapore bị ảnh hưởng. Sự cố lần hai xảy ra trên phân đoạn S1.7, cách đất liền 291 km. Theo một ISP tại Việt Nam, hiện chưa có thông tin về thời gian khắc phục cho tuyến cáp này.

Việc hai tuyến cáp chủ lực bị gián đoạn khiến việc truy cập Internet tại Việt Nam gặp khó khăn. Theo phản ánh của nhiều người dùng, việc truy cập vào các dịch vụ nước ngoài như Facebook, Google Drive, Netflix… bị chậm, thậm chí có thời điểm không thể truy cập. Nhiều người phải chuyển sang sử dụng dịch vụ Internet di động để duy trì kết nối.

AAG (Asia America Gateway) là tuyến cáp ngầm dưới biển dài hơn 20.000 km, nối từ Đông Nam Á, đi qua Malaysia, Singapore, Thái Lan, Việt Nam (điểm cập bờ tại Vũng Tàu), Brunei, Hong Kong, Philippines và Mỹ. Thống kê từ năm 2017 đến nay, mỗi năm AAG gặp sự cố từ ba đến năm lần. Trong năm 2019, tuyến cáp này cũng đã có bốn lần đứt vào các tháng 8, 9, 11, 12. 

APG (Asia Pacific Gateway) được đánh giá là ổn định hơn. Tuyến cáp được vận hành từ cuối năm 2016 và có sự tham gia của các nhà mạng Việt Nam VNPT, Viettel, FPT Telecom, CMC Telecom. 

Lưu Quý

Nguồn bài viết

Bài trướcHDBank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng thêm 33%, lợi nhuận cao kỷ lục mới 5.661 tỷ đồng
Bài tiếp theoSNA gia nhập mạng lưới trường quốc tế IB