Tranh cãi việc rà soát trình độ giáo viên tiếng Anh

Hà NộiĐa số phụ huynh, lãnh đạo trường ủng hộ rà soát trình độ giáo viên tiếng Anh, nâng cao chất lượng, nhưng một số thầy cô cho rằng “hơi gấp gáp”.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thông báo sẽ tổ chức rà soát, đánh giá giáo viên tiếng Anh trên địa bàn theo chuẩn quốc tế từ ngày 5 đến 25/6. Việc này nhằm phân lớp, tiếp tục đào tạo nâng chuẩn quốc tế cho những giáo viên tiếng Anh đã đạt chuẩn theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc Việt Nam. 100% giáo viên đã đạt chuẩn tiếng Anh theo khung này sẽ tham dự.

Sau khi gửi đến các trường, thông báo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nhận được sự đồng tình từ phụ huynh. Là mẹ của học sinh lớp 7, chị Phạm Thị Như, 35 tuổi, ở quận Đống Đa, cho rằng việc rà soát trình độ giáo viên tiếng Anh “là đương nhiên” vì con gái chị đã đạt 7.0 IELTS, “không có lý gì cô giáo không được mức đấy”.

Con gái chị Như đang theo học tại một trường THCS công lập chất lượng cao, đa số học sinh được gia đình định hướng du học nên đầu tư tiếng Anh từ nhỏ. “Ngay từ tiểu học, tôi đã cho con học tiếng Anh tại các trung tâm có người bản xứ để rèn khả năng nghe nói, học phí 5-7 triệu đồng một tháng. Đầu năm nay, cháu thi được 7.0 IELTS”, chị Như nói.

Bà mẹ chia sẻ, trường con chị học có chất lượng tương đối tốt, giáo viên nắm ngữ pháp rất chắc, nhưng một số lần con kể “cô giáo phát âm khác với thầy Peter”, giáo viên bản ngữ tại trung tâm. “Nhờ học bên ngoài, con tôi mới biết cô giáo phát âm chưa chuẩn, còn những học sinh không biết sẽ học theo cách đọc sai của cô. Tôi nghĩ điều này thiệt thòi cho các em nên nâng chuẩn giáo viên là cần thiết, nên được làm định kỳ 6-12 tháng một lần”, chị Như bày tỏ.

Anh Trần Hữu Sơn, bố của một học sinh lớp 10 tại Hoàng Mai, cũng đồng tình việc tăng cường rà soát, nâng chuẩn giáo viên tiếng Anh vì “thầy giỏi mới dạy được trò giỏi”. Do gia đình không dư dả, anh Sơn không cho con học thêm tiếng Anh tại trung tâm. Môi trường học ngoại ngữ chủ yếu của con là trên lớp và thông qua Internet. “Tôi mong trình độ của giáo viên ngày càng được nâng cao để phụ huynh yên tâm, học trò tiến bộ nhanh chóng”, anh Sơn cho hay.

Cô Quang Thị Hoàn, giáo viên tiếng Anh trường THCS Đống Đa, quận Đống Đa, Hà Nội, dạy trên truyền hình ngày 12/6. Ảnh: Hanoitv

Cô Quang Thị Hoàn, giáo viên tiếng Anh trường THCS Đống Đa, quận Đống Đa, Hà Nội, dạy trên truyền hình ngày 12/6. Ảnh: Hanoitv

Trong khi đa số phụ huynh ủng hộ, nhiều giáo viên còn băn khoăn, cho rằng thời gian từ khi được thông báo đến ngày thi quá gấp rút. Cô Nguyễn Thị Thanh Mỹ, giáo viên tiếng Anh trường THPT Phúc Lợi, quận Long Biên, mong muốn Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thông báo đến giáo viên sớm hơn. Thời điểm này ngoài việc tập trung ôn tập và củng cố kiến thức cho học sinh sau ba tháng nghỉ Covid-19, giáo viên còn phải kiểm tra, đánh giá, nhận xét hồ sơ… để tổng kết năm học.

“Tôi đồng ý với chủ trương rà soát, nâng chuẩn trình độ giáo viên tiếng Anh, nhất là trong hoàn cảnh Việt Nam đang hội nhập toàn cầu. Tuy nhiên, việc tổ chức có phần gấp gáp”, cô Mỹ nói, lập luận IELTS không phải kỳ thi “không ôn mà cũng đỗ”. Giáo viên tiếng Anh nếu không chuẩn bị, rèn giũa thêm thì mức điểm 7.0 như yêu cầu đối với giáo viên bậc THPT không dễ đạt được.

Cô Mỹ nói thêm, hiện các giáo viên vẫn đi làm bình thường, nhiều người dạy cả ngày nên chủ yếu dành thời gian buổi tối để ôn luyện. “Một số đồng nghiệp cùng lúc phải hoàn thành nhiều công việc, tinh thần không thoải mái. Tôi cho rằng việc này cũng gây áp lực, cẳng thẳng cho giáo viên dẫn đến kết quả thi không như ý”, cô giáo đánh giá.

Ngoài ra, nhiều giáo viên khác mong muốn Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có thể linh động, lùi thời gian thi đến cuối tháng 8 hoặc đầu năm học 2020-2021 để có thêm thời gian ôn tập, đạt kết quả tốt nhất.

Từ góc độ quản lý, thầy Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng trưởng THPT Phan Huy Chú – Đống Đa, quận Đống Đa, hoan nghênh việc rà soát và cho rằng bản chất của kỳ thi là kiểm tra năng lực hiện có của giáo viên chứ không phải cho thời gian ôn nên việc tổ chức không gấp. “Giáo viên tiếng Anh sử dụng ngôn ngữ này hàng ngày trong giảng dạy, có gì thi đó để phản ánh năng lực nên tôi nghĩ không cần lo gấp hay không”, thầy Nhâm nói.

Hiệu trưởng này bày tỏ IELTS thiên về giao tiếp, điều này là bình thường chứ không thể nói là khó vì bản chất ngôn ngữ là giao tiếp. “Giáo viên không mạnh giao tiếp thì rất khó. Nhiều học sinh thi IELTS 7.0, 7.5 thì giáo viên cũng cần làm được như vậy”, thầy Nhâm đánh giá.

Khi giáo viên tiếng Anh tham gia rà soát, hiệu trưởng Nhâm khẳng định việc ôn tập cho học sinh cuối cấp không bị ảnh hưởng và xáo trộn vì “thầy cô chỉ dành ra 1-2 buổi để thi”. Thời gian tới, khi tuyển dụng giáo viên ngoại ngữ, các nhà trường có thể bổ sung yêu cầu về trình độ giao tiếp để nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường.

Theo kế hoạch dạy và học ngoại ngữ trong các trường phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên trên địa bàn Hà Nội đến năm 2025 được UBND TP Hà Nội ban hành ngày 23/1/2019, Hà Nội phấn đấu đến năm 2020, 100% giáo viên ngoại ngữ phổ thông đạt chuẩn về năng lực ngoại ngữ và phương pháp dạy học mới theo quy định khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc Việt Nam hoặc tương đương.

Ngoài ra, Hà Nội còn đặt mục tiêu năm 2020 sẽ có 30% giáo viên tiếng Anh THCS và THPT được bồi dưỡng phương pháp giảng dạy và nâng chuẩn nghe nói tại các nước sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ thứ nhất; 30% giáo viên dạy Toán và Khoa học bằng tiếng Anh được đào tạo đạt trình độ B2 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc Việt Nam hoặc tương đương.

Đến năm 2025, 50% giáo viên phổ thông các cấp học phải đạt kỹ năng nghe, nói tiếng Anh từ 6.5 trở lên theo chuẩn quốc tế IELTS, 50% giáo viên các môn Toán và Khoa học có thể sử dụng tiếng Anh để giảng dạy.

Thanh Hằng

Nguồn bài viết

Bài trướcCơ hội đầu tư địa ốc Tây Nguyên sau dịch bệnh
Bài tiếp theoLo ngại làn sóng nhiễm Covid-19 mới, vàng vọt tăng cuối tuần