Bất động sản vùng ven, cơ hội dành cho ai?
Ngày 05/12/2019, hội thảo “Cơ hội đầu tư bất động sản vùng lân cận Tp. Hồ Chí Minh năm 2020” được tổ chức nhằm thảo luận về các yếu tố quan trọng tác động đến xu hướng chuyển dịch ra vùng lân cận Tp. Hồ Chí Minh của thị trường bất động sản phía Nam, cũng như sức hấp dẫn của thị trường này.
Các chuyên gia tham luận tiềm năng bất động sản lân cận Tp. Hồ Chí Minh
|
Hội thảo diễn ra trong bối cảnh thị trường bất động sản cả nước, đặc biệt là Tp. Hồ Chí Minh sụt giảm rõ nét cả về nguồn cung lẫn số lượng giao dịch. Theo số liệu Sở Xây dựng Tp. Hồ Chí Minh trong 9 tháng đầu năm 2019, chỉ có 1 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, 12 dự án được chấp thuận đầu tư và không công nhận chủ đầu tư mới dự án nào. Tương ứng với con số trên chỉ có 11,830 căn hộ chung cư được chấp thuận đầu tư và 10,085 căn hộ hoàn thành. Con số này chỉ bằng 1/3 so với năm trước.
Lý do khiến các dự án trì trệ đến từ vấn đề pháp lý, khi vẫn chưa có các quy định rõ ràng khiến các chủ đầu tư còn gặp nhiều khó khăn. Theo Ts. Võ Trí Thành – Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế Trung Ương, dù có tiềm năng lớn, song thị trường bất động sản 2019 đã có những “nốt trầm” hơn so với cùng kỳ năm 2018. Điều này không chỉ diễn ra ở Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh mà ở nhiều tỉnh tình hình thị trường cũng không thật khả quan. Giá căn hộ chung cư không biến động lớn, trong khi condotel, officetel không còn sôi động.
Nguồn cung tuy cạn kiệt, nhưng nhu cầu vẫn còn rất lớn thông qua việc tỷ lệ hấp thụ tại Hà Nội lên đến 80%; hay tình hình bán ở Tp. Hồ Chí Minh vẫn duy trì tốt. Qua đó khiến giá bán sơ cấp tăng ở cả hai thành phố. Đặc biệt với phân khúc cao cấp, giá bán tăng đến 40% trong 3 năm qua.
Đối mặt với tình trạng đó, bất động sản vùng ven trở nên sôi động hơn, là điểm đến thay thế cho các nhà đầu tư vốn mỏng. “Nhiều người có số vốn vài trăm triệu đã chọn mua đất tại các thị trường vùng ven. Sau đó 3 – 5 năm thì họ bán lại và có thể thu khoản tiền lên đến vài tỷ. Có thể tính đến chuyện dịch chuyển dần về Tp. Hồ Chí Minh”, ông Sử Ngọc Khương – Chuyên gia đầu tư bất động sản chia sẻ.
Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp bất động sản cũng có xu hướng dịch chuyển ra các vùng lân cận để tìm cơ hội. Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu, Cần Thơ hay xa hơn là các thành phố biển như Nha Trang, Cam Ranh, Phan Thiết đã trở thành những điểm đến thay thế được nhiều nhà đầu tư lựa chọn. Với hàng loạt dự án bất động sản nhà ở, nghỉ dưỡng được các chủ đầu tư công bố từ đầu năm đến nay, hiện tượng dịch chuyễn đầu tư của các doanh nghiệp bất động sản Tp. Hồ Chí Minh ra vùng ven đang ngày càng rõ nét; đây cũng được xem là chiến lược mới của các chủ đầu tư trong bối cảnh hiện tại.
Cũng theo CRBE, đến năm 2020 các khu đô thị ở các quận rìa trung tâm sẽ là nguồn cung chính. Đồng thời, khả năng tiêu thụ của thị trường sẽ tiếp tục tăng trong khi giá chào bán có xu hướng ổn định hơn. Sản phẩm cũng sẽ đa dạng tập trung vài sự tiện lợi cho cư dân, tối đa hóa diện tích sử dụng. Ngoài ra các vấn đề hạ tầng cũng rất được chú trọng, đặc biệt, hạ tầng kết nối liên tỉnh sẽ là đòn bẩy tăng giá chính trong tương lai.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Khương cho hay sân bay sẽ là chìa khóa phát triển nền kinh tế khi tăng cường việc kết nối các đô thị, các nền kinh tế thế giới. Việc xây dựng sân bay ở Đồng Nai, cũng như phát huy thế mạnh ở sân bay Long Thành sẽ giúp thu hút nhiều doanh nghiệp đổ về và đặt trụ sở tại đây, tạo thêm công ăn việc làm, thúc đẩy nền kinh tế và tăng nhu cầu về bất động sản.
Như Xuân