Vinasun đối diện ‘năm khó khăn nhất lịch sử’

Hội đồng quản trị Vinasun nhận định 2020 là năm khó khăn nhất từ ngày thành lập công ty và lần đầu phải đặt kế hoạch lỗ 115 tỷ đồng.

Sáng 30/6, tại phiên họp thường niên, Đại hội đồng cổ đông của Vinasun đã thông qua kế hoạch doanh thu năm 2020 giảm mạnh 41%, còn 1.180 tỷ đồng và kế hoạch lỗ sau thuế 115 tỷ đồng. Đây là năm đầu tiên kể từ khi niêm yết, Vinasun đặt kế hoạch kinh doanh lỗ.

Hội đồng quản trị công ty lý giải, Covid-19 ảnh hưởng rất nghiêm trọng trong khi hãng vẫn chịu cạnh tranh gay gắt của các hãng gọi xe công nghệ nước ngoài.

Quý I, Vinasun đạt doanh thu 366 tỷ đồng, giảm 31% so cùng kỳ 2019. Lợi nhuận gộp giảm 58%, còn 50 tỷ đồng. Theo ban lãnh đạo, Vinasun chỉ có tháng 1 hoạt động khá nhưng đến tháng 2, tình hình xấu đi do Covid-19 bùng phát khiến các ngành vận tải hành khách, du lịch, ẩm thực, giải trí… dần bị thu hẹp và dừng hoạt động.

Ông Trần Anh Minh, Phó Tổng giám đốc Viansun trả lời cổ đông về lý do đặt kế hoạch lỗ 115 tỷ đồng sáng ngày 30/6. Ảnh: Viễn Thông

Ông Trần Anh Minh, Phó Tổng giám đốc Viansun trả lời cổ đông về lý do đặt kế hoạch lỗ 115 tỷ đồng sáng ngày 30/6. Ảnh: Viễn Thông

“Nhưng thiệt hại nhất chính là quý II, do ảnh hưởng rõ nét của dịch bệnh. Doanh thu cả quý này chưa bằng tháng 1/2020 và lỗ của quý là 116 tỷ đồng”, ông Trần Anh Minh, Phó tổng giám đốc Phụ trách đầu tư và phát triển Vinasun cho biết.

Hãng “đóng băng” hoạt động trong gần cả tháng 4/2020 do lệnh cách ly xã hội. Riêng tháng này, công ty lỗ 50 tỷ đồng do vẫn phải tốn các chi phí cố định và khấu hao.

Mặc dù hoạt động kinh tế đã trở lại bình thường nhưng Vinasun dự kiến quá trình “tan băng” cho ngành taxi sẽ diễn ra khá chậm do các địa bàn truyền thống như sân bay, khách sạn còn thưa vắng. “Khi dừng hoạt động thì hầu hết tài xế về quê tránh dịch, nay mới dần quay lại và cũng còn chút tâm lý e ngại. Trong khi, ngành du lịch vẫn rất ảm đạm”, ông Minh nói.

Lãnh đạo Vinasun cho rằng, công ty sẽ còn tiếp tục lỗ 6-8 tỷ đồng trong quý III và phục hồi vào quý IV, với lợi nhuận kỳ vọng khoảng 25-30 tỷ đồng. Do vậy, phản hồi thắc mắc của cổ đông tại đại hội về kế hoạch lỗ 115 tỷ đồng cho cả năm, ông Minh nhận định đây là “một kịch bản tương đối lạc quan”.

Chủ tịch đoàn tại phiên họp cổ đông thường niên của Vinasun sáng 30/6. Ảnh: Viễn Thông

Chủ tịch đoàn tại phiên họp cổ đông thường niên của Vinasun sáng 30/6. Ảnh: Viễn Thông

Đến cuối năm 2019, Vinasun có 4.921 xe kinh doanh taxi, giảm 15,29% so với đầu năm. Tổng thu kinh doanh đạt 2.083,5 tỷ đồng, đạt 93,41% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế đạt 108,7 tỷ đồng, tăng 22% so với 2018.

Năm 2020, Vinasun đặt mục tiêu giữ vững thị phần, thu hút lao động và duy trì hoạt động kinh doanh. Công ty đang tiếp tục nâng cấp ứng dụng đặt xe, triển khai thêm phương thức thanh toán không tiền mặt. Trong đó, tiện ích mới nhất gần đây là thanh toán bằng tài khoản nạp tiền trả trước (VNS Prepaid).

Về đội xe, công ty dự kiến đầu tư thêm 100 chiếc, bán thanh lý và bán trả chậm cho tài xế 1.100 chiếc, phát triển xe thương quyền thêm 300 chiếc. Hãng đặt mục tiêu tổng đài đặt xe nhận 35.000 cuộc gọi mỗi ngày, số lưọng đặt qua ứng dụng bình quân 25.000 lượt mỗi ngày.

Viễn Thông

Nguồn bài viết

Bài trướcNha Trang đón làn sóng đầu tư nhờ xây cầu vượt biển?
Bài tiếp theoTùy tiện mở thẻ ngân hàng, nhiều người mang nợ mà không hay