Bất chấp khoản lỗ gần 1.000 tỷ quý I, Vietjet vẫn dự kiến hòa vốn vào cuối năm và sẽ tăng 12 tàu bay nếu có thể bay quốc tế.
Tài liệu chuẩn bị cho phiên họp cổ đông thường niên của Vietjet Air vào 27/6 cho biết, hãng đặt kế hoạch hòa vốn năm 2020, trong đó, doanh thu hợp nhất năm 2020 đạt 36.000 tỷ đồng, giảm 28,8% so với năm ngoái, thu từ vận tải hàng không cũng giảm 41% so với cùng kỳ.
HĐQT Vietjet thừa nhận những con số này không cao hơn kết quả của năm 2019 nhưng tin rằng “đây là những chỉ tiêu tốt nhất với Vietjet trong bối cảnh hiện nay” khi bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Bên cạnh đó, công ty đặt mục tiêu lãi trước thuế 100 tỷ đồng nếu hợp nhất cả lợi nhuận từ 6 công ty con, trong đó có VietjetAir Cargo – đơn vị trong mảng vận chuyển hàng hóa, lĩnh vực hãng sẽ đặt mục tiêu đẩy mạnh khi vận chuyển hành khách gặp khó vì dịch.
Đầu tháng này, lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết vẫn dự kiến lỗ khoảng 15.000 – 16.000 tỷ đồng trong cả năm 2020. Jetstar Pacific cũng có thể lỗ 1.500-2.000 tỷ đồng năm nay. Bamboo Airways chưa công bố kế hoạch kinh doanh cả năm nhưng đã ghi nhận lỗ khoảng 1.500 tỷ đồng trong quý I.
Để thực hiện kế hoạch hòa vốn, Vietjet cho biết đã tập trung các giải pháp tối ưu hóa chi phí, phát triển mảng vận chuyển hàng hóa, thương mại tài chính tàu bay, mở rộng dịch vụ tự phục vụ mặt đất tại sân bay Nội Bài nhằm tập trung nguồn lực hỗ trợ mảng kinh doanh cốt lõi – vận tải hàng không.
Đến cuối năm, Vietjet dự kiến khai thác đội tàu bay 90 chiếc (tăng 12 máy bay so với hiện nay) với hơn 118.000 chuyến bay và vận chuyển hơn 20 triệu hành khách. Kế hoạch tăng trưởng đội tàu bay được xây dựng dựa trên giả định mạng bay quốc tế trở lại, định hướng phát triển và quy mô của công ty…
Năm nay, hãng bay giá rẻ này đặt mục tiêu mở rộng và phát triển vững chắc mạng bay cả nội địa và quốc tế nhằm củng cố vị trí hãng vận tải nội đại hàng đầu, cũng như tăng khai thác các đường bay hiệu quả. Tính đến cuối năm 2019, Vietjet chiếm khoảng 42,2% thị phần hàng không tại Việt Nam. Bên cạnh đó, hãng cũng cho biết đầu tư phát triển thương mại điện tử, đa dạng hóa các phương án tài trợ vốn…
Năm ngoái, doanh thu và lợi nhuận hợp nhất trước thuế của Vietjet lần lượt đạt hơn 50.600 tỷ đồng và 4.569 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu phụ trợ (gồm các khoản ký gửi hành lý, phụ phí, doanh thu vận chuyển hàng hóa, bán hàng trên máy bay) và doanh thu quảng cáo góp phần quan trọng vào tăng trưởng của Vietjet.
Doanh thu phụ trợ của hãng này đạt 11.340 tỷ đồng, tăng 36% so với năm 2018 và chiếm tỷ trọng 30,4% trong tổng doanh thu vận chuyển. Điều này giúp Vietjet lọt top các hãng hàng không có tỷ lệ doanh thu phụ trợ trên doanh thu cao nhất thế giới.
Tính đến cuối năm 2019, Vietjet có tổng tài sản hơn 48.800 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu đạt 17.249 tỷ đồng. Hãng hàng không này có 5.092 nhân viên, tăng 29,3% so với năm trước đó.
Anh Tú