Vì sao phụ huynh muốn con vào trường chuyên?

Vượt 600 km từ Gia Lai vào TP HCM, chị Thanh, 40 tuổi, đưa con trai thi chuyên tiếng Anh trường Phổ thông Năng khiếu, sau đó về quê để kịp kỳ thi chuyên của tỉnh.

Kết thúc hai ngày thi liên tục vào lớp 10 trường Phổ thông Năng khiếu (Đại học Quốc gia TP HCM), mẹ con chị Thanh (ngụ TP Pleiku, Gia Lai) lên chuyến bay sớm về quê ngay hôm sau. “Kỳ thi của trường THPT chuyên ở tỉnh diễn ra ba ngày cuối tuần này, về sớm để chuẩn bị”, chị cho biết.

Con trai 15 tuổi của chị quyết tâm vào trường Phổ thông Năng khiếu từ đầu năm lớp 8, khi được nói chuyện với nhiều thầy cô và đàn anh từng học ở đây. Vốn có khiếu tiếng Anh, cha mẹ đầu tư học ngoại ngữ từ bé, nên cậu vừa đạt IELTS 6.5. Nghe con nói nguyện vọng, vợ chồng chị Thanh đồng ý ngay.

Chị kể, từ đầu năm lớp 9 cho con học thêm ở trung tâm Anh ngữ để củng cố, hệ thống kiến thức. Gia đình không tạo áp lực, không buộc ôn luyện nhiều để vào bằng được trường chuyên, quan trọng là con chị phải thích.

Một người mẹ ngóng con sau giờ thi Toán vào trường Phổ thông Năng khiếu trưa 11/7. Ảnh: Mạnh Tùng.

Người mẹ này ngóng con sau giờ thi Toán vào trường Phổ thông Năng khiếu tại điểm thi trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP HCM) trưa 11/7. Ảnh: Mạnh Tùng.

“Tôi đưa con vào Sài Gòn thi trường chuyên vì môi trường học tập ở đây tốt hơn ở quê. Nếu đậu, cháu sẽ có nhiều cơ hội học tập chuyên sâu, được cọ xát với nhiều bạn giỏi để phấn đấu. Nếu không, tôi coi đây là cơ hội trải nghiệm quý giá, giúp con hiểu rằng còn nhiều bạn giỏi hơn mình trên khắp nước”, chị Thanh chia sẻ.

Ngoài ra, gia đình chị cũng định hướng cho con du học sau khi tốt nghiệp THPT, nên nếu được vào trường chuyên thì “cửa” sẽ rộng hơn. “Ít nhất là cháu có thể tự định hướng đúng đắn về cách học để có được học bổng, chọn trường”, chị nói.

Về quan điểm giữ hay bỏ trường chuyên, chị Thanh cho rằng cần nhìn vào những giá trị mà hệ thống này mang lại. Môi trường giáo dục không nên cào bằng mà cần những trường được đầu tư lớn, xứng tầm, như đầu tàu kéo các toa phía sau. Ở mỗi tỉnh, trường chuyên chính là điểm sáng giúp các trường khác noi theo để tiến bộ. “Thế nên cần giữ trường chuyên, tôi không cho rằng học sinh các trường này là ưu việt, xuất sắc nhất, nhưng đây là nơi hội tụ nhiều học sinh giỏi, chắc chắn sẽ có môi trường học tốt”, chị Thanh nói.

Hơn 200 phụ huynh đứng chờ con trong giờ thi môn Toán không chuyên ngày 11/7 tại điểm thi trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP HCM). Ảnh: Mạnh Tùng.

Hơn 200 phụ huynh chờ con thi môn Toán không chuyên ngày 11/7 tại điểm thi trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP HCM). Ảnh: Mạnh Tùng.

Chị Thanh là một trong số vài trăm phụ huynh đứng chật kín các điểm thi trường Đại học Khoa học Tự nhiên, trường Phổ thông Năng khiếu (Đại học Quốc gia TP HCM) trong đợt thi chuyên kéo dài 5 ngày qua. Giống như chị, nhiều người tay xách nách mang hành lý từ Long An, Tiền Giang, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu… về Sài Gòn cho con thi trường chuyên.

Chị Huỳnh Thị Ngọc Nhiên (35 tuổi, ngụ quận 6) có con gái thi vào lớp 10 chuyên Sinh ba trường Phổ thông Năng khiếu, chuyên Lê Hồng Phong và chuyên Trần Đại Nghĩa. 9 năm liền học sinh giỏi, nằm trong top của trường THCS, con gái chị được gia đình định hướng vào ngành Y dược bởi cô bé thích nghiên cứu.

“Lên cấp ba học sinh cần học chuyên sâu thay vì dàn trải, nên phải có trường chuyên để các em có xu hướng theo học một lĩnh vực nào đó. Tôi sẽ rất tự hào nếu con đậu trường chuyên, hoặc có thành tích trong kỳ thi học sinh giỏi, song đó không phải là điều quan trọng nhất”, chị nói.

Cùng quan điểm, chị Trần Thị Sen (40 tuổi, quận Thủ Đức) cho rằng phụ huynh muốn con vào trường chuyên vì chất lượng giảng dạy và môi trường giáo dục tại đây cao hơn mặt bằng chung. Khi hệ thống các trường THPT công lập vẫn dạy dàn trải, nặng lý thuyết, thì trường chuyên sẽ giúp học sinh giỏi kiến thức lẫn kỹ năng chuyên sâu một lĩnh vực.

“Những người ủng hộ trường chuyên hay phản đối đều có lý lẽ riêng. Ở đâu đó trường chuyên có hiện tượng học lệch, bệnh thành tích nhưng không phủ nhận nơi đây có nhiều thầy cô giỏi, học trò xuất sắc, ngoan hiền”, chị Sen nói.

Một phụ huynh (áo đỏ) nghe con và bạn bè trao đổi sau giờ thi môn Văn trường Phổ thộng Năng khiếu, ngày 12/7. Ảnh: Mạnh Tùng.

Phụ huynh (áo đỏ) nghe con và bạn bè trao đổi sau giờ thi môn Văn trường Phổ thông Năng khiếu, ngày 12/7. Ảnh: Mạnh Tùng.

Ở góc nhìn tổng quát hơn, anh Nguyễn Nhật Hùng (43 tuổi, ngụ quận 10) quan niệm trong giáo dục, sự cạnh tranh và việc giành thành tích cao có những giá trị tích cực. Không có các yếu tố này sẽ không có cái mới, không thúc đẩy sự phát triển. Thay vì nhìn vào những hạn chế ở trường chuyên và kêu gọi xoá bỏ, hãy cải tổ và sắp xếp lại hệ thống này. Trường chuyên không cần quá nhiều nhưng phải chất lượng, phải đi đầu trong hệ thống trường học.

Khi con trai còn học tiểu học, anh đã định hướng cho bé được chuyên sâu theo đúng sở trường, sở thích. Tuy nhiên, anh không bắt con phải học nhiều để đạt thành quả nào đó mà muốn con được tự do và thoải mái nhất. Năm lớp 8, cậu bộc lộ năng khiếu ngoại ngữ, anh mới cho đi học ở trung tâm luyện thi.

“Đừng vội nói phụ huynh ham thành tích mới cho con vào trường chuyên. Hãy nhìn những điều tốt đẹp hơn. Trong một môi trường mà các cháu tìm được những người bạn giỏi, cùng chí hướng, còn noi theo nhau vươn thì nơi đó xứng đáng để phấn đấu vào”, anh Hùng nói.

Vì sao học sinh thích trường chuyên?

Thí sinh Hà Nội nêu lý do thích vào trường chuyên. Video: Thanh Hằng – Dương Tâm.

Hồi cuối tháng 6, TS Nguyễn Đức Thành (nguyên Viện trưởng Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách – Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) gây xôn xao dư luận khi đưa ra quan điểm nên đóng cửa trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam (trường Ams) và các trường chuyên khác hoặc bán cho tư nhân.

Lý do là trường Ams “lấy của người nghèo chia cho người giàu”, nhiều phụ huynh “sẵn sàng đút lót chạy bảng điểm đẹp, chạy đủ thứ giải thưởng để cho con vào trường”. Trường chuyên trước đây thường đào tạo ra một ít “gà nòi” để “đem đi triển lãm thông qua các kỳ thi quốc tế”. Những người học trường chuyên được kỳ vọng sẽ phục vụ tốt cho đất nước nhưng đang không đúng với hiện tại.

Nhiều nhà giáo, chuyên gia giáo dục và cựu học sinh đã đưa ra các quan điểm trái chiều về vấn đề này.

Mạnh Tùng