HomeStartupVì sao kháng nghị không cho cựu Chủ tịch UBND TP.Phan Thiết...

Vì sao kháng nghị không cho cựu Chủ tịch UBND TP.Phan Thiết hưởng án treo ? | Thời sự

Lỗi cố ý của bị cáo !

Trong bản kháng nghị, Viện KSND Cấp cao tại TP.HCM nêu rõ, đối với bị cáo Đỗ Ngọc Điệp (cựu Chủ tịch UBND TP.Phan Thiết), trong khoảng thời gian phụ trách lĩnh vực đất đai (khi chưa ủy quyền cho Phó chủ tịch UBND TP.Phan Thiết Trần Hoàng Khôi), bị cáo Điệp đã ký nhiều văn bản yêu cầu Phòng TN-MT TP.Phan Thiết, căn cứ vào các quy định để xem xét cho chuyển mục đích sử dụng đất. Nhưng bị cáo lại ký các quyết định không đúng với quy định tại luật Đất đai năm 2013, không dựa vào kế hoạch sử dụng đất hằng năm đã được phê duyệt, mà lại dựa vào quy hoạch sử dụng đất cấp xã vốn đã không còn hiệu lực pháp luật.



Cựu chủ tịch Phan Thiết Đỗ Ngọc Điệp lãnh án 2 năm tù treo


Vì sao kháng nghị không cho cựu Chủ tịch UBND TP.Phan Thiết hưởng án treo ? - ảnh 1

Ngay sau khi tòa tuyên bán án 24 tháng tù treo, nhiều người thân của bị cáo Điệp vui mừng bắt tay bị cáo

Đối với bị cáo Trần Hoàng Khôi (cựu Phó chủ tịch UBND TP.Phan Thiết), bị cáo được giao phụ trách lĩnh vực đất đai từ tháng 9.2016. Thời gian này, bị cáo đã ký ban hành nhiều văn bản, yêu cầu Phòng TN-MT phải áp dụng các quy định của luật Đất đai 2013, cũng như các văn bản hướng dẫn chuyên môn của Sở TN-MT tỉnh Bình Thuận. Trong đó, bị cáo Khôi đã ban hành văn bản chỉ đạo rõ trong trường hợp có sự khác nhau giữa Quy hoạch sử dụng đất và Quy hoạch chi tiết xây dựng thì phải trả hồ sơ cho dân, không cho chuyển mục đích sử dụng đất.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, bị cáo Khôi lại buông lỏng quản lý trong việc cho chuyển mục đích sang đất ở. Từ năm 2016, đến 2018, bị cáo đã ban hành các quyết định từ việc tham mưu của Phòng TN-MT, cho chuyển mục đích sử dụng đất nhưng không rà soát, sàng lọc những hồ sơ trùng tên ở 3 xã Tiến Lợi, Thiện Nghiệp và Phong Nẫm.


Vì sao kháng nghị không cho cựu Chủ tịch UBND TP.Phan Thiết hưởng án treo ? - ảnh 2

Bị cáo Trần Hoàng Khôi tại phiên tòa sơ thẩm

Thậm chí trong một ngày bị cáo ban hành nhiều quyết định, cho chuyển nhiều thửa đất có diện tích từ 1.000 m2 đến 8.000 m2 mà thiếu kiểm tra, xem xét. Bản thân bị cáo biết rõ việc cho chuyển mục đích sang đất ở phải dựa vào kế hoạch sử dụng đất hằng năm. Do vậy các quyết định mà bị cáo ký ban hành, cho chuyển mục đích sang đất ở sai pháp luật đã xâm phạm đến quy định về quản lý đất đai của Nhà nước; đây là lỗi cố ý của bị cáo.

Bị cáo Trần Hoàng Khôi đã ký các quyết định cho chuyển 100 thửa đất với tổng diện tích 124.122,3 m2, giá trị quyền sử dụng đất là 8,607 tỉ đồng.

Bản án chưa tương xứng với hậu quả các bị cáo gây ra

Bản kháng nghị nhận thấy các bị cáo là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự, là người có chức vụ, quyền hạn, đáng lẽ ra trong phạm vi nhiệm vụ của mình phải nâng cao trách nhiệm trong công việc được giao, phải tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, đặc biệt là lĩnh vực đất đai.

Tuy nhiên, các bị cáo đã cố ý thực hiện việc ký ban hành các quyết định cho chuyển mục đích sang đất ở trái với kế hoạch sử dụng đất hằng năm được tỉnh phê duyệt. Trong từng khâu, từ tham mưu, thẩm định, kiểm tra tính pháp lý của từng thửa đất, mỗi bị cáo đều có hành vi vi phạm pháp luật. Điều này gây ảnh hưởng đến chủ trương, chính sách của Nhà nước; gây ra hiện tượng phân lô, bán nền đất tràn lan. Hành vi này đã xâm phạm trực tiếp đến trật tự, quản lý Nhà nước trên lĩnh vực đất đai, quản lý đô thị của TP.Phan Thiết.


Vì sao kháng nghị không cho cựu Chủ tịch UBND TP.Phan Thiết hưởng án treo ? - ảnh 3

Bị cáo Đỗ Ngọc Điệp tại phiên tòa sơ thẩm

Đặc biệt, hậu quả mà các bị cáo để lại là tạo nên sự xáo trộn trong quần chúng nhân dân, gây bất bình trong dư luận. Hành vi của các bị cáo một lần nữa xâm phạm đến các hoạt động đúng đắn của cơ quan quản lý Nhà nước….

Ngoài ra, bản kháng nghị còn cho rằng các bị cáo thực hiện hành vi sai pháp luật diễn ra trong thời gian dài. Cho nên cần phải có một mức án nghiêm khắc, nhằm răn đe, cải tạo, giáo dục các bị cáo. Bản án đối với bị cáo Đỗ Ngọc Điệp (24 tháng tù, cho hưởng án treo) và Trần Hoàng Khôi (4 năm tù giam) về tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai là chưa tương xứng với tính chất, mức độ, hành vi và hậu quả mà các bị cáo đã gây ra.


TAND cấp cao có thể chấp nhận hoặc bác kháng nghị này ?

“Theo kháng nghị của Viện KSND cấp cao tại TP.HCM thì TAND tỉnh Bình Thuận đã tuyên mức hình phạt quá nhẹ, chưa tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi cũng như vai trò của các bị cáo Đỗ Ngọc Điệp, Trần Hoàng Khôi trong vụ án này. Mức hình phạt này chưa đủ sức răn đe và phòng ngừa tội phạm về sau. Do đó, TAND Cấp cao tại TP.HCM sẽ xem xét, đánh giá toàn diện chứng cứ, kết quả tranh luận diễn ra tại phiên tòa phúc thẩm để đưa ra một bản án theo các hướng sau đây: Không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị và giữ nguyên bản án sơ thẩm; Sửa hoặc hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án để điều tra lại hoặc xét xử lại… theo Điều 355 bộ luật Tố tụng hình sự 2015”.

LS Trần Cao Đại Kỳ Quân
(Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai, giảng viên Học viện Tư Pháp)

“Theo quy định của bộ luật Tố tụng hình sự, trường hợp bị cáo không kháng cáo nhưng có kháng nghị của người có thẩm quyền thì HĐXX tòa án cấp phúc thẩm tiến hành xét xử có thể quyết định chấp nhận toàn bộ kháng nghị hoặc chấp nhận một phần kháng nghị hoặc bác toàn bộ kháng nghị đối với nội dung kháng nghị.

Theo quy định của luật tố tụng hình sự, đối với quyết định kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND cấp cao cũng có quyền rút kháng nghị ngay trước khi phiên tòa phúc thẩm, hoặc tại phiên tòa phúc thẩm người có thẩm quyền kháng nghị có quyền rút một phần hoặc toàn bộ kháng nghị”.

Luật sư Nguyễn Văn Quynh
(Hãng Luật Hưng Yên)




Nguồn bài viết

Xem nhiều

spot_img