Theo quy định mới tại Thông tư 23/2019/TT-NHNN được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành cuối tháng 11.2029, tất cả chủ tài khoản ví điện tử bắt buộc phải thực hiện quy trình xác thực thông tin người dùng.
Thông tư cũng quy định, sau 6 tháng kể từ ngày có hiệu lực thi hành, tổ chức cung ứng ví điện tử phải chấm dứt cung ứng dịch vụ đối với những khách hàng sử dụng ví chưa thực hiện cung cấp đủ hồ sơ theo quy định. Và theo cập nhật mới nhất của NHNN, sau ngày 7.7.2020, người dùng sẽ không thể sử dụng ví bình thường nếu chưa hoàn thành việc xác thực tài khoản.
|
NHNN cho biết đến tháng 5.2020, có 34 tổ chức không phải là ngân hàng đã được NHNN cấp Giấy phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Các tổ chức trung gian thanh toán đã cung ứng 4,24 triệu ví đã được xác thực, có sự liên kết với tài khoản ngân hàng, trong tổng số gần 9 triệu ví đăng ký. Theo quan điểm của NHNN, cơ chế xác thực người dùng là cần thiết để đảm bảo an toàn cho thanh toán điện tử, tránh để ví điện tử bị lợi dụng bởi các hoạt động bất hợp pháp.
“Trong thời gian vừa qua có một số trường hợp người sử dụng ví điện tử bị lộ thông tin và ảnh hưởng an toàn. Qua nghiên cứu, NHNN thấy rằng, với những tài khoản thanh toán tại ngân hàng hoặc thẻ ghi nợ, cần phải làm rõ kê khai xác minh danh tính”, ông Đào Minh Tú – Phó thống đốc NHNN cho biết.
Ví điện tử khuyến khích định danh tài khoản trước 7.7.2020
Thực hiện đúng quy định của Thông tư 23/2019/TT-NHNN, các đơn vị cung ứng ví điện tử đã tích cực phát đi thông báo và thực hiện nhiều biện pháp nhằm khuyến nghị khách hàng định danh tài khoản trước ngày 7.7.2020.
Còn theo đại diện ví điện tử Moca, bằng cách xác thực thông tin người dùng, tất cả ví điện tử có thể tạo ra một nền tảng thanh toán an toàn cho mọi người dùng, giảm thiểu rủi ro gian lận, trộm danh tính, rửa tiền và các hoạt động vi phạm pháp luật khác. Đại diện ví này cũng cho biết sẽ tiếp tục đẩy nhanh quá trình xác thực hồ sơ người dùng trước thời hạn quy định.
|
Trên thực tế, nhiều người dùng đã hoàn tất việc xác thực tài khoản ví và có những nhìn nhận tích cực về lợi ích của việc này. “Đều là dùng để giao dịch tiền bạc, thanh toán, nếu khi mở tài khoản, ngân hàng yêu cầu cung cấp đầy đủ thông tin thì tôi nghĩ, mở ví điện tử cũng nên vậy để dễ quản lý, tránh nhầm hay bị đánh cắp. Hơn nữa, quy trình xác nhận cũng không qua phức tạp”, anh M.Quang (Q.10, TP.HCM) chia sẻ.