Vệ tinh của Elon Musk làm phiền giới thiên văn

Giới yêu thiên văn không thể theo dõi và chụp ảnh bầu trời do vệt sáng từ vệ tinh Starlink của SpaceX cản trở.

Hôm 21/7, nhiếp ảnh gia thiên văn Daniel Lopez đang chuẩn bị chụp lại bức ảnh ghi lại cảnh sao chổi Neowise bay qua. Ông đã sẵn sàng mọi thứ, từ chân máy, máy ảnh Canon Ra và ống kính 200 mm. Tuy nhiên, mọi việc không được như ý của ông.

Bức ảnh chằng chịt vệt sáng vệ tinh của nhiếp ảnh gia Daniel Lopez.

Bức ảnh chằng chịt vệt sáng vệ tinh của nhiếp ảnh gia Daniel Lopez.

Khi thực hiện các bức ảnh phơi sáng 30 giây, Lopez nhận thấy vệ tinh Starlink liên tục bay ngang qua khung hình và làm hỏng bộ ảnh. Ông đã chụp 20 bức ảnh phơi sáng dài. Tất cả đều có những vệt sáng do vệ tinh gây ra.

Lopez sau đó đã xếp chồng 17 ảnh có vết bay của vệ tinh mà ông chụp được. Hình ảnh cuối cùng cho thấy các vệt này gần như phủ kín toàn bộ diện tích bức ảnh. Nhiếp ảnh gia này cho rằng việc chỉ dùng ống kính với tiêu cự 200 mm đã ghi được vệ tinh, cho thấy chúng ở rất gần Trái đất.

Thực tế, các vệ tinh Starlink của SpaceX đang xoay quanh Trái Đất với khoảng cách 550 km, gần hơn rất nhiều so với quỹ đạo trung bình của các vệ tinh (20.000 km), hay quỹ đạo địa tĩnh (36.000 km) nơi các vệ tinh của hệ thống định vị toàn cầu (GPS) hoạt động.

Theo PetaPixel, do khoảng cách quá gần, một số người dùng tại Mỹ cho biết họ có thể nhìn thấy vệ tinh của Elon Musk bằng mắt thường, thậm chí nhầm tưởng đó là vật thể bay không xác định (UFO).

Vệ tinh của Elon Musk 'làm phiền' giới thiên văn

Các vệ tinh tạo thành vệt trên ảnh khi Lopez chụp phơi sáng.

Trước đó, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đã cảnh báo những người yêu thiên văn và thích chụp ảnh bầu trời rằng không gian ở quỹ đạo thấp Trái đất đang ô nhiễm, với hơn 1.300 vệ tinh đang quay quanh quỹ đạo. Trong tương lai, con số này có thể tăng lên theo cấp số nhân, do kế hoạch đưa 12.000 vệ tinh Starlink của SpaceX lên vũ trụ, cùng các vệ tinh của những công ty khác.

Starlink là dự án phủ sóng Internet miễn phí của SpaceX. Theo thống kê, một nửa thế giới hiện nay, chủ yếu là người nghèo và ở các vùng nông thôn, vẫn không thể truy cập Internet, hoặc phải chịu tình trạng kết nối kém với chi phí dịch vụ đắt đỏ. Mục tiêu cuối cùng của Musk là cung cấp Internet cho toàn thế giới vào năm 2021, bao gồm cả dịch vụ Internet giá rẻ ở khu vực thành thị. Ước tính, dự án thành công có thể mang lại 30 tỷ USD doanh thu hàng năm cho SpaceX.

Dự kiến, SpaceX sẽ phóng 57 vệ tinh tiếp theo vào 29/7 tới, sẵn sàng cho việc khởi động thử nghiệm dự án Internet ở khu vực Bắc Mỹ.

Bảo Lâm (theo PetaPixel)

Nguồn bài viết

Bài trướcLoạt xe ô tô giảm giá tới 200 triệu đồng trong tháng 7
Bài tiếp theoTrường nghệ thuật ‘kêu cứu’ vì không được dạy trung cấp