Vào tù vì chuyển công nghệ Mỹ cho Trung Quốc

Đài LoanBa kỹ sư của hãng chip Đài Loan United Microelectronics Corp (UMC) lấy trộm công nghệ của công ty bán dẫn Mỹ Micron chuyển về Trung Quốc.

Theo Bloomberg, Tòa án thành phố Đài Trung đã tuyên phạt ba cựu kỹ sư UMC số tiền từ 4 đến 6 triệu Đài tệ (135.000 đến 200.000 USD) cùng án tù 4,5 đến 6,5 năm. Riêng công ty UMC bị phạt 100 triệu Đài tệ (3,4 triệu USD).

Micron thắng kiện tại Đài Loan. Ảnh: The Street.

Micron thắng kiện tại Đài Loan. Ảnh: The Street.

Vụ kiện là một phần của cuộc tranh chấp nhiều năm giữa Micron và UMC. Micron lần đầu kiện UMC và đối tác Trung Quốc khác là Công ty Mạch tích hợp Phúc Kiến Kim Hoa vào năm 2017 tại Mỹ với cáo buộc các công ty này đánh cắp bí mật thương mại về chip nhớ.

Tháng 1/2018, UMC đã kiện ngược lại Micron ở Trung Quốc. Tháng 7 năm đó, một tòa án tại Trung Quốc phán quyết có lợi cho UMC và cấm bán một số dòng chip của Micron tại nước này. Đến tháng 11/2018, tòa án California đã truy tố UMC, Phúc Kiến Kim Hoa cùng với ba cá nhân tội âm mưu đánh cắp bí mật thương mại từ Micron.

Theo các công tố viên của Tòa án thành phố Đài Trung, hai trong ba cựu nhân viên UMC là JT Ho và Kenny Wang đã bị truy tố từ năm 2017 về tội đánh cắp bí mật thương mại của Micron. Ho và Wang đã sao chép dữ liệu DRAM của Micron lên các thiết bị của riêng, sau đó chuyển cho UMC và Phúc Kiến Kim Hoa trái phép. Hành động của Wang được cho là nghiêm trọng nhất khi người này lấy cắp 900 tệp dữ liệu của Micron và bí mật thương mại DRAM F32nm từ máy chủ của Mỹ về lưu trên tài khoản Google Drive cá nhân.

Trong khi đó, nhân viên thứ ba là Rong Leh-tian, một quản lý cấp cao tại UMC đã hướng dẫn Wang kết hợp thông tin thiết kế của Micron để áp dụng cho UMC để rút ngắn quá trình nghiên cứu và phát triển chip của công ty này.

Ngoài ra, Leh-tian cũng hướng dẫn Ho và Wang xóa mọi dữ liệu trên các thiết bị cá nhân. Tuy vậy, các nhà điều tra vẫn tìm thấy một khối lượng lớn dữ liệu phạm pháp trên các thiết bị này.

UMC tuyên bố sẽ kháng cáo. “Chúng tôi không vi phạm luật bí mật thương mại. Quá trình điều tra có nhiều điểm bất thường”, đại diện UMC cho biết.

Trong khi đó, Micron hoan nghênh phán quyết của tòa án. Đại diện công ty cho biết “công lý đã được thực thi”. “Các hành vi chiếm đoạt bí mật thương mại và chuyển nhượng chúng ra bên ngoài sẽ gây bất lợi cho toàn bộ ngành công nghiệp bán dẫn của Đài Loan, đe dọa tính cạnh tranh trong tương lai”, đại diện Micron nói. “Phán quyết đã củng cố tầm quan trọng của việc bảo vệ sở hữu trí tuệ tại Đài Loan, chứng minh rằng hành vi chiếm đoạt tài sản sẽ bị xử lý thích đáng”.

UMC thành lập năm 1980 và là doanh nghiệp bán dẫn đầu tiên tại Đài Loan. UMC nổi tiếng với ngành kinh doanh đúc bán dẫn, sản xuất các tấm mạch tích hợp cho các đối tác lớn, với thị phần chỉ đứng sau TSMC và GlobalFoundries. Công ty hiện có 11 cơ sở sản xuất trên thế giới.

Phúc Kiến Kim Hoa được thành lập vào năm 2016 với đóng góp tài chính từ chính quyền tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Bộ Thương mại Mỹ đã đưa công ty này vào danh sách bị cấm mua các sản phẩm, linh kiện từ Mỹ nhằm hạn chế các tác động của việc đánh cắp công nghệ từ 2018. Bộ Tư pháp Mỹ cũng từng đệ trình để ngăn chặn Phúc Kiến Kim Hoa và UMC chuyển giao công nghệ bị đánh cắp.

Micron Technology là công ty Mỹ chuyên sản xuất chip lưu trữ và bộ nhớ. Hãng cũng là doanh nghiệp sản xuất cuối cùng tại Mỹ gắn bó với loại chip thông dụng – DRAM. Trên thế giới, họ hiện là tên tuổi lớn thứ hai sau Samsung Electronics về mảng này. Hãng cũng sản xuất bộ nhớ flash – NAND để lưu trữ dữ liệu trong các thiết bị di động, như smartphone.

Bảo Lâm

Nguồn bài viết

Bài trướcLựa chọn cửa lưới chống muỗi nào an toàn cho gia đình
Bài tiếp theo5 điểm nghẽn kiềm hãm sự phát triển nhà ở xã hội