Ứng dụng theo dõi đường bay hoạt động như thế nào

Các ứng dụng theo dõi đường bay sử dụng dữ liệu từ nhiều nguồn, sau đó dùng thuật toán để tổng hợp thành vị trí chuyến bay.

Trong phần giải thích nguyên lý hoạt động của mình, ứng dụng Flightradar24 cho biết, họ sử dụng hai nguồn dữ liệu chính. Một là từ các công cụ định vị, trong đó có ADS-B, MLAT và radar. Hai là dữ liệu về lịch trình bay, tình trạng chuyến bay do các hãng hàng không hoặc sân bay cung cấp. Các dữ liệu này được tổng hợp để tạo ra một vị trí duy nhất cho máy bay và hiển thị trên ứng dụng.

Vị trí các chuyến bay có thể được theo dõi trực tiếp và công khai nhờ các dịch vụ theo dõi đường bay. 

Vị trí các chuyến bay có thể được theo dõi trực tiếp và công khai nhờ các dịch vụ theo dõi đường bay. 

ADS-B là hệ thống phát sóng giám sát tự động và là yếu tố quan trọng nhất trong việc định vị máy bay. Năm 2020, ADS-B là trang bị buộc phải có trên hầu hết các phi cơ tại Mỹ, cho phép dữ liệu từ máy bay tự động gửi tới các trạm thu mà không cần sự can thiệp của phi công. Tương tự GPS, ADS-B sẽ sử dụng hệ thống định vị vệ tinh để xác định vị trí chính xác của máy bay, sau đó truyền tới các bộ thu. Bất kỳ bộ thu nào trong khoảng cách 200 dặm (321 km) cũng có thể nhận được tín hiệu ADS-B, bao gồm các bộ thu từ những máy bay khác.

Dữ liệu này, ngoài thông tin về vị trí, còn chứa một số thông tin như nhiệt độ, tốc độ gió, cuộc gọi từ máy bay… Độ sai lệch vị trí thường dưới 10 mét. 

Sự chính xác của một công cụ theo dõi vị trí chuyến bay phụ thuộc vào số lượng đầu thu ADS-B mà công cụ đó sở hữu. Vì vậy, những công ty chuyên cung cấp dịch vụ theo dõi đường bay, như Flightradar24, FlightAware, tự phát triển mạng lưới thu tín hiệu của riêng mình để làm lợi thế cạnh tranh. Họ bán rẻ hoặc tặng các đầu thu ADS-B cho những người yêu thích việc theo dõi máy bay.  Flightradar24 có mạng lưới hơn 20.000 máy thu ADS-B trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, cũng chính vì phụ thuộc vào hệ thống máy thu nên tín hiệu về vị trí của máy bay có thể bị gián đoạn nếu bay qua biển, nơi có rất ít máy thu ADS-B. 

Cách thức hoạt động của hệ thống ADS-B. Ảnh: Boeing

Cách thức hoạt động của hệ thống ADS-B. Ảnh: Boeing.

Một số công ty còn phát triển hệ thống định vị riêng. Flightradar24 sử dụng hệ thống giám sát đa điểm MLAT dùng để định vị những máy bay đời cũ chưa có ADS-B. Tuy nhiên, MLAT của Flightradar24 chỉ hoạt động khi chúng kết nối với ít nhất 4 máy thu FR24. Để làm được điều này, máy bay cần đạt được độ cao 3.000 – 10.000 feet (1 – 3 km).

Công ty đứng sau ứng dụng FlightAware lại tiếp cận với các hãng hàng không hoặc trạm kiểm soát không lưu để có được thông tin “tĩnh” về chuyến bay, kết hợp với những thông tin “động” được gửi từ chính buồng lái của chuyến bay đó.

Mỗi khi có sự cố liên quan đến máy bay, nhu cầu xem đường bay của người dùng lại tăng vọt. Theo Flightradar24, sự cố của máy bay MH17, MH370 năm 2014 từng khiến ứng dụng này bị “nghẽn”. Lượng truy cập lúc đó tăng hơn 50 lần. 

Ngày 14/6 vừa qua khi sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM) xảy ra sự cố máy bay trượt khỏi đường băng trong mưa lớn, nhiều người Việt cũng vào các ứng dụng như Flightradar24, FlightAware để xem đường bay, đồng thời phát hiện ra nhiều đường bay kỳ lạ do máy bay cố “né” Tân Sơn Nhất. 

Quý Văn

Nguồn bài viết

Bài trướcCấy lúa 30 năm chẳng ai đến, trồng sen 1 vụ đã tấp nập người tới xem
Bài tiếp theoChợ truyền thống, cây xăng cũng ‘cà’ thẻ, ‘quẹt’ điện thoại