Tỷ phú Trung Quốc bị cấm bay hạng nhất vì không trả nợ


Tỷ phú Chen Feng, người đứng sau hàng loạt thương vụ M&A tỷ USD của tập đoàn HNA ở nước ngoài, đang đối mặt với lệnh cấm chi tiêu xa xỉ của Chính phủ Trung Quốc.

Theo New York Times, một tòa án của Trung Quốc mới đây đã ra lệnh cấm tỷ phú Chen Feng – người sáng lập, Chủ tịch của HNA Group – chi tiêu vào những hoạt động xa xỉ như đi du lịch, đi máy bay khoang hạng nhất hay chơi golf. Nguyên nhân là Tập đoàn HNA đã không thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo 2 bản án được tòa án đưa ra trước đó.

Đây là sự kiện đáng xấu hổ đối với tập đoàn từng được xem là một trong những đế chế kinh doanh lớn nhất và thâu tóm ở nước ngoài nhiều nhất tại Trung Quốc.

Nhiều năm qua, chính quyền Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp cấm chi tiêu như một cách để cưỡ‌ng chế thu nợ và hạn chế tình trạng vay nợ vô tộ‌i vạ. Cơ quan chức năng nước này thậm chí còn công khai thông tin của những công ty vỡ nợ lên mạn‌g, gồm danh sách đen những người bị cấm chi tiêu du lịch, mua bất động hay trả học phí trường tư cho con cái.

Ông Chen, 67 tuổi, được biết đến là người đã phát triển HNA từ một hãng hàng không địa phương tại Trung Quốc trở thành đế chế kinh doanh toàn cầu. Nhiều năm qua, tập đoàn này đã thâu tóm cổ phần tại nhiều công ty đình đám thế giới như Hilton Hotels, Deutsche Bank và Virgin Australia.

HNA cũng sở hữu danh mục bất động sản và sản golf khổng lồ. Ông Chen và em trai mỗi người sở hữu một tầng tại tòa tháp chung cư siêu xa xỉ One57 ở Manhattan, New York (Mỹ).

Tuy nhiên, để có tiền thực hiện những thương vụ “mua sắm” toàn cầu đó, HNA đã vay nợ nhiều đến mức gây chú ý với giới chức Trung Quốc. Vài năm gần đây, tập đoàn này đã bán bớt nhiều tài sản. Trong khi đó, các nhà đầu tư cũng bán tháo trái phiếu của công ty. Rơi vào cảnh éo le, HNA thậm chí còn vay tiền từ chính nhân viên của mình, dù đại diện công ty cho biết chỉ huy động một số tiền nhỏ qua kênh này.



Hai vụ kiện nhằm vào HNA dẫn tới lệnh cấm chi tiêu với ông Chen được đưa ra tòa bởi Chai Jing, một cư dân 50 tuổi tại thành phố Tây An, tỉnh Thiể‌m Tây, Trung Quốc.

Năm 2018, bà Chai mua hai sản phẩm đầu tư từ Jubaohui – nền tảng tài chính trực tuyến thuộc sở hữu của HNA. Bà này đã đâm đơn kiện công ty khi không nhận được tiền lợi nhuận theo thỏa thuận đầu tư. Hồi tháng 3, một tòa án quận ở Tây An đã yêu cầu HNA trả cho bà Chen khoảng 50.000 USD cả tiền gốc và lãi. Tuy nhiên, tới tuần này, tòa án cho biết HNA vẫn chưa thực hiện yêu cầu trên.

Trước khi đại dịc‌h Coѵīɗ-19 bùng phát khiến ngành hàng không toàn cầu chao đảo, HNA và mảng kinh doanh hàng không của tập đoàn này đã chịu áp lực tài chính lớn. Hồi tháng 2, HNA cho biết đã bắt đầu làm việc với chính quyền tỉnh Hải Nam về việc tái cơ cấu nợ.

Không lâu trước đó, HNA ghi nhận tài sản trị giá 145 tỷ USD và doanh thu 90 tỷ USD, chủ yếu đến từ các công ty mà tập đoàn này thâu tóm ở nước ngoài. Bất chấp việc công ty gặp khó khăn vài năm gần đây, tài sản của ông Chen ước tính vẫn trị giá 1,9 tỷ USD trong năm 2019, theo tổ chức nghiên cứu Hurun Report.  



Nguồn bài viết

Bài trướcHim Lam chưa thể tham gia dự án 10.000 tỷ ở Vũng Tàu
Bài tiếp theoThủ tướng ‘thúc’ giải ngân đầu tư công, tiêu dùng nội địa