Trong buổi tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề Ôn và làm bài thi lớp 10 hiệu quả do Báo Thanh Niên tổ chức tại Trường THCS Nguyễn Du (Q.1, TP.HCM), học sinh lớp 9 đã đặt ra rất nhiều câu hỏi, trong đó, việc chuẩn bị gì trước khi bước vào kỳ thi được nhiều em quan tâm.
Không nên ăn quá no trước khi đi thi
Chia sẻ về vấn đề này, thầy Võ Kim Bảo, giáo viên ngữ văn Trường THCS Nguyễn Du (Q.1) việc đầu tiên là thí sinh phải kiểm tra số báo danh, tất cả những giấy tờ cần thiết. “Nếu các em có bị quên giấy tờ thì không nên quá lo lắng mà hãy báo ngay cho giám thị phòng thi, hội đồng thi sẽ thực hiện các thủ tục để các em được vào phòng thi thay vì quay về nhà”, thầy Bảo nói.
Khi đi thi, thí sinh có thể mang theo đồng hồ đeo tay bình thường để canh thời gian. Nếu quên thì có thể mượn ba mẹ nhưng tuyệt đối không được mang điện thoại vào phòng thi. Dù điện thoại đã tắt nguồn, hay quên bỏ trong túi khi giám thị phát hiện là các em sẽ bị lập biên bản.
Về vấn đề tâm lý, đặc biệt với môn văn các em không nên tụ tập trước cửa phòng thi nghe những bạn khác bàn tán, đoán đề thi vì sẽ dễ gây tâm lý hoang mang cho thí sinh.
Các em cũng nên đến trước tham khảo phòng thi, hội đồng thi để xác định được vị trí phòng thi của mình để hôm sau biết chỗ lên phòng thi nhanh nhất.
Đặc biệt, trong ngày thi các em không nên nhịn ăn mà nên ăn sáng ở nhà cho hợp vệ sinh. “Nhưng các em không nên ăn quá no, vì cơ thể sẽ mất rất nhiều năng lượng để tiêu hóa nên có thể làm giảm khả năng tập trung. Các em chỉ nên ăn vừa phải, thi xong mình sẽ ăn tiếp”, thầy Bảo khuyên các em học sinh lớp 9.
Dành thời gian học tập, nghỉ ngơi hợp lý
Tương tự, cô Phạm Thị Xuân Oanh, giáo viên tiếng Anh Trường THCS Lê Văn Tám (Q.Bình Thạnh) cho rằng bước vào phòng thi, yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất là tâm lý. Yếu tố này sẽ quyết định tới 50% thành công của bài thi, do vậy trước khi bước vào phòng thi các em hãy nói với bản thân rằng “mình sẽ làm được” để trấn an những lo lắng của mình.
Trong nhiều năm dạy và chấm thi môn tiếng Anh, theo cô Oanh đa số những em đạt điểm không cao là do bất cẩn, chủ quan. Do vậy trước khi làm bài các em cần phải đọc thật kỹ đề thi từ trên xuống dưới.
“Sự chủ quan, vội vã dễ làm mình mất điểm. Ví dụ, trong phần trắc nghiệm, đề yêu cầu các em chọn True (đúng) hoặc False (sai) nhưng nhiều em lại viết tắt đáp án thành “T” hoặc “F”, với đề thi có 4 câu này thí sinh đã mất 1 điểm, rất uổng phí”, cô Oanh chia sẻ.
Khi làm bài, với 36 câu thí sinh không nhất thiết phải làm theo trình tự, có thể làm những câu thế mạnh của mình trước nhưng phải ghi ra giấy nháp những câu mình chưa làm để không bị bỏ sót bất kỳ câu nào.
“Tuyệt đối các em không bỏ sót bất kỳ câu nào trong đề thi, vì bỏ sót nghĩa là chúng ta đã mất điểm, trong khi nếu đánh đáp án chúng ta vẫn có cơ hội đúng”, cô Oanh nói thêm.