Tự học IELTS Speaking 8.5 thế nào?

Để điểm IELTS Speaking cao, Hoàng Ngọc Quỳnh cho rằng không nên học thuộc lòng hay cố dùng cụm động từ, cách diễn đạt phức tạp khiến bài nói mất tự nhiên.

Hoàng Ngọc Quỳnh, sinh năm 1990, cựu sinh viên Đại học Kinh tế quốc dân, tốt nghiệp loại xuất sắc trường Nottingham Business, Đại học Nottingham Trent, Anh năm 2017. Năm ngoái, chị giành học bổng tiến sĩ toàn phần của Đại học Lancaster, Anh trị giá 89.000 bảng Anh (khoảng 2,6 tỷ đồng) và là tác giả hai cuốn sách luyện nghe, nói tiếng Anh.

Từ kinh nghiệm giành 8.5 Speaking trong kỳ thi IELTS nhờ tự học, chị Quỳnh chia sẻ những điều cần tránh và cách giành điểm cao trong phần thi này.

Tuyệt đối không viết trước script và học thuộc lòng

Khi bạn viết ra trước nội dung câu trả lời, não bộ đã được “lập trình” để chỉ việc nói ra đáp án đó một cách “chính xác”. Nếu may mắn gặp được hỏi câu “trúng tủ”, cách trả lời của bạn cũng nghe rất máy móc và không tự nhiên. Khi bạn cố gắng khơi lại câu trả lời đã học thuộc, bạn có xu hướng nói một cách trơn tru rồi lại “vấp”, ảnh hưởng tới điểm fluency.

Thông qua cách trả lời, ánh mắt, và ngôn ngữ cơ thể, khả năng cao là giám khảo cũng biết bạn đã học thuộc script và hậu quả là bạn sẽ bị trừ điểm khi đưa ra đáp án học thuộc lòng. Tệ hơn nữa, khi câu hỏi không nằm trong phần đã ôn tập, bạn sẽ vô cùng lúng túng và không biết xoay xở ra sao.

Để cải thiện, thay vì viết sẵn câu trả lời để học thuộc lòng, bạn nên chuẩn bị từ vựng đa dạng theo nhiều chủ đề thông dụng. Dưới đây là cách thực hành của tôi:

– Với part 1 và 3, tôi tập hợp tất cả đề thi gần nhất, xoay quanh các chủ đề có thể gặp của IELTS Speaking. Mỗi ngày, tôi sử dụng các câu hỏi trong đề thi đó, theo thứ tự hoặc ngẫu nhiên, rồi thực hành nói liên tiếp trong 10-15 phút giống như trong buổi phỏng vấn.

Việc thực hành này giúp tôi rèn được thói quen suy nghĩ nhanh, vận dụng từ vựng nhanh và nói được nhiều nhất trong thời gian ngắn nhất. Với các câu hỏi khó không trả lời được ngay, tôi viết một vài từ khóa và tham khảo ý tưởng (qua Google, các bài báo và một số sách luyện thi), sau đó thực hành trả lời 1-2 lần để ghi nhớ từ vựng và một vài ý hay. Khi luyện hết danh sách câu hỏi chính, tôi lặp lại từ đầu.

– Tôi chuẩn bị part 2 cầu kỳ hơn một chút bằng cách luyện tập từ mới và sự thành thạo khi nói.

Về từ mới, tôi làm một cuốn sổ chia theo chủ đề. Với mỗi chủ đề, tôi tập trung liệt kê từ mới, cụm từ và ý tưởng tôi cảm thấy thích và quan trọng. Mỗi ngày, tôi sẽ chọn một vài chủ đề để luyện tập. Tôi thực hành theo cách “kể chuyện sáng tạo”, tức là khi nhìn vào các từ và cụm từ có sẵn, tôi nhanh chóng nói ra thật nhanh một câu chuyện (cố ép mình suy nghĩ trong thời gian càng ngắn càng tốt). Ngoài ra, với mỗi chủ đề khó hoặc hiếm gặp, tôi tập hợp các bài báo, tư liệu mình thích và đánh dấu ý tưởng, từ vựng hay.

Tôi muốn nhấn mạnh lại rằng, để luyện sự thành thạo khi nói tiếng Anh, tôi tuân thủ việc nói nhanh và nhiều nhất trong một giới hạn thời gian. Với mỗi chủ đề, tôi dành một phút để chuẩn bị từ khóa, sau đó bấm giờ đúng hai phút để tự nói lần một và ghi âm. Sau đó, tôi nghe lại phần thu âm để tìm các lỗ hổng, lỗi sai về từ vựng, ngữ pháp, phát âm rồi luyện lần 2. Mỗi ngày, tôi làm như vậy 3-5 lần tùy độ khó của chủ đề.

Hoàng Ngọc Quỳnh tại nơi làm việc. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Hoàng Ngọc Quỳnh tại nơi làm việc. Ảnh: Nhân vật cung cấp

2. Không cố chèn thêm từ nối, từ thừa một cách gượng gạo

Nếu không quá cần thiết, tôi nghĩ bạn cũng không nên quá lạm dùng từ nối và từ “thừa” một cách không tự nhiên. Bạn nên dùng từ nối để “câu giờ” một cách thông minh, làm sao để nghe tự nhiên và người nghe không cảm thấy bị các từ đó làm khó chịu.

Nếu trong câu bạn dùng quá nhiều “like”, “so”, “something like that”… người nghe thực sự sẽ không thoải mái. Để khắc phục, bạn nên chọn một số từ nối, từ thừa yêu thích để luyện tập trôi chảy cho đến khi dùng, chúng thực sự là ngôn ngữ của bạn (giả sử, với tôi, tôi thường hay dùng “well, I think… well, I guess that… well, for me…” ở đầu các câu khi giám khảo hỏi, nhưng tôi rất hạn chế dùng “like, like…so…so…something like that…something like that” chèn giữa các câu.

3. Đừng học cụm động từ (idioms)

Tôi từng trò chuyện với một giám khảo IELTS sau một buổi chấm thi Speaking. Vị giám khảo kể rằng cảm thấy vô cùng mệt mỏi khi thí sinh dùng idioms vô tội vạ, sau đó trong suốt cả bài thi thì không nói được nổi mấy câu. Vị giám khảo kể, với tất cả bạn đó, không có bạn nào được điểm Speaking trên 5.0. Có lẽ nhiều bạn cho rằng khi nói sử dụng nhiều idioms và các từ ngữ “xa hoa”, bài nói sẽ tăng độ học thuật, nghe có vẻ “chuyên nghiệp” hơn.

Tuy nhiên, thực tế với bài nói speaking IELTS hay trong ngữ cảnh nói đời thường, idioms chỉ phát huy tác dụng khi được dùng phù hợp với ngữ cảnh, không làm mất sự tự nhiên của câu nói, và không bị lạm dụng. Bạn tưởng tượng mà xem, nếu một người Việt Nam nói chuyện bình thường mà dùng liên tiếp các câu tục ngữ, châm ngôn thì có tự nhiên không?

Tuy nhiên, tôi thấy nhiều bạn có xu hướng học thuộc một số idioms rồi áp dụng cho mọi tình huống. Điều này các bạn tuyệt đối nên tránh nếu muốn đạt điểm Speaking cao. Để cải thiện, tôi nghĩ thay vì chỉ học idioms, các bạn nên học từ vựng theo chủ đề (như phần 1) và thực hành thật nhuần nhuyễn các từ vựng đó qua việc luyện tập trả lời câu hỏi thật nhiều.

4. Không áp dụng các cấu trúc phức tạp như trong bài Writing

Khi chuyển từ Writing sang Speaking, bạn cần “thư giãn” và “thả lỏng” hơn về ngôn từ, ngữ pháp, nhịp điệu câu nói… Việc ép bản thân sử dụng đa dạng cấu trúc ngữ pháp phức tạp như trong Writing là không cần thiết khi thực hành Speaking vì chúng sẽ khiến bài nói của bạn bị “vấp”, không còn tự nhiên. Bạn vẫn có thể sử dụng đa dạng ngữ pháp nhưng nên cố gắng dùng chúng một cách tự nhiên nhất có thể.

Với ngữ pháp khi nói, bạn cần luyện tập từ đơn giản đến phức tạp, chẳng hạn như việc chuyển thành thạo các thì của động từ (tập trung luyện một thì thành thạo rồi chuyển sang nói nhiều thì khác nhau), chuyển thành thạo các loại câu (câu đơn, câu phức, câu ghép kết hợp một cách nhuần nhuyễn).

Bạn không cần dùng các cấu trúc quá phức tạp, bạn có thể chị tập trung vào sử dụng các câu ghép với “and”, “but”, “or” và các câu phức với mệnh đề quan hệ (sử dụng who, which, that). Điều quan trọng là, bạn nên sử dụng thành thạo và chính xác ngữ pháp, cố gắng không để mắc các lỗi cơ bản nhất (thì, chia động từ, giới từ chẳng hạn).

Ngoài ra, một cách khá hay để thực hành sử dụng ngữ pháp đa dạng, tự nhiên là xem các video độc thoại như trên TED talks. Khi xem, hãy chỉ tập trung vào phần ngữ pháp, nhìn transcript và nếu có thể, nên ghi chép lại những cách dung ngữ pháp yêu thích để bắt chước theo.

5. Không cố ép bản thân nói chuẩn giọng Anh-Anh hoặc Anh-Mỹ.

Thực ra trong văn nói đời thường cũng như trong IELTS speaking, accent không phải điều quá quan trọng. Miễn là bạn phát âm rõ ràng, dễ nghe và các âm tiết không quá lệch với tiếng Anh chuẩn, thực ra bạn nói giọng nào cũng được.

Tuy nhiên nên lưu ý rằng, bạn cần nói có trọng âm của từ và câu một cách rõ ràng, nên nối âm. Cách tốt nhất để luyện tập phát âm có lẽ là nghe giọng chuẩn Anh, Mỹ thật nhiều, luyện tập nghe một cách chủ động, chăm chú và cố bắt chước diễn giả (phát âm của từ, trọng âm từ, nối âm, ngữ điệu, cảm xúc khi nói).

Tùy thuộc vào phần phát âm đang cần hoàn thiện, bạn nên chọn nguồn nghe phù hợp. Nếu để luyện âm riêng biệt và trọng âm, Spotlight English hoặc VOA Speacial English là những nguồn hay để luyện tập phát âm. Nếu để luyện nối âm, ngữ điệu, bạn có thể xem TED Talks, nghe podcasts (Podbeans là một app hay), hay xem phim, nghe nhạc tiếng Anh.

Không nên gò ép mình học IELTS Speaking một cách khô khan bằng việc chỉ luyện đề. Điều quan trọng là bạn cần cảm thấy thoải mái, vui vẻ, và có động lực khi học. Như vậy bạn mới nó thể dễ dàng luyện nói tiếng Anh một cách thành thạo, tự nhiên, và đạt một mức điểm IELTS Speaking như mong muốn.

Hoàng Ngọc Quỳnh

Nguồn bài viết

Bài trướcNam Long hợp tác với Keppel Land phát triển dự án Waterpoint
Bài tiếp theoGiới siêu giàu dạy con những gì để giàu đến ba đời?