Trường Quốc tế Việt Úc ngưng nhận học sinh ‘là trái luật’

TP HCMChuyên gia pháp lý cho rằng trường Quốc tế Việt Úc ngưng tiếp nhận học sinh do mâu thuẫn về học phí là “xâm phạm quyền bình đẳng về cơ hội học tập”.

Ngày 9/7, một tuần sau khi nhận thông báo từ VAS không tiếp nhận học sinh trong năm 2020-2021, hơn 10 phụ huynh đã gửi đơn kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND TP HCM, Sở Giáo dục và Đào tạo.

Được các phụ huynh uỷ quyền, luật sư Phạm Thị Bạch Tuyết (Công ty luật Đức Kiến Minh) cho biết, văn bản này có 3 nội dung chính. Thứ nhất, phụ huynh yêu cầu cơ quan quản lý làm rõ động thái từ chối nhận học sinh có hay không đúng với pháp luật hiện hành. Thứ hai, nhiều học sinh bậc THPT theo chương trình với lộ trình riêng của VAS, không thể chuyển sang trường công lẫn các trường quốc tế khác, sẽ được giải quyết như thế nào?

“Cuối cùng, chúng tôi đặt câu hỏi, liệu một trường vi phạm quyền bình đẳng về cơ hội học tập được quy định trong Hiến pháp, Luật Giáo dục lẫn quyền trẻ em thì phải xử lý ra sao?”, bà Tuyết nói.

Phụ huynh trường Quốc tế Việt Úc kéo lên trường cơ sở quận 10 phản đối chính sách học phí online trong thời gian nghỉ phòng chống Covid-19 ngày 14/5. Ảnh: Mạnh Tùng.

Phụ huynh trường Quốc tế Việt Úc kéo lên trường cơ sở quận 10 phản đối chính sách học phí online trong thời gian nghỉ phòng chống Covid-19 ngày 14/5. Ảnh: Mạnh Tùng.

Theo dõi sự việc trong nhiều ngày qua, TS Bùi Kim Hiếu (Trưởng khoa Luật trường Đại học Ngoại ngữ – Tin học TP HCM) cho rằng, động thái của VAS vi phạm pháp luật dân sự, giáo dục hiện hành. Khi phụ huynh lựa chọn trường quốc tế với những chương trình đào tạo riêng biệt, có thể ngầm hiểu mục tiêu hợp đồng giữa hai bên là học sinh phải hoàn thành được chương trình đó.

Việc phụ huynh trả học phí theo từng năm chỉ là lựa chọn phương thức thanh toán, không có nghĩa là hợp đồng được ký theo từng năm. VAS thông báo ngưng tiếp nhận học sinh cho năm học mới là một dạng đơn phương chấm dứt hợp đồng. Tuy nhiên, lý do trường đưa ra để chấm dứt hợp đồng không phù hợp với Điều 428 Bộ luật Dân sự 2015, bởi không chứng minh được bên kia (tức phụ huynh) có vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng, hoặc đưa ra được thỏa thuận khác.

“Xét về quan hệ dân sự, mặc dù hợp đồng dịch vụ được ký kết giữa VAS và phụ huynh nhưng người thụ hưởng là học sinh. Đây là dạng hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba, việc ngưng cung cấp dịch vụ phải được hỏi ý kiến học sinh”, ông Hiếu nêu quan điểm.

Nhắc lại nguồn gốc mâu thuẫn giữa trường và phụ huynh về học phí thời gian nghỉ chống Covid-19, ông Hiếu nói: “Mỗi bên cần lùi một bước. Covid-19 với hoạt động giáo dục được xem là sự kiện bất khả kháng bởi nó xảy ra bất ngờ, không ai lường trước được, đồng thời giao dịch cũng không thực hiện được. Hai bên đều có những thiệt hại riêng, cần phải chia sẻ với nhau”.

Theo ông, ở góc độ quản lý nhà nước, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng phải có trách nhiệm đảm bảo quyền của người học là bình đẳng về cơ hội giáo dục và học tập được quy định trong Hiến pháp và Luật Giáo dục hiện hành. “Cơ quan quản lý nhà nước không thể nói đây là giao dịch dân sự thông thường, do đôi bên thoả thuận bởi đây là giao dịch đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục “, ông Hiếu nói.

Cùng quan điểm, TS Nguyễn Hoàng Chương (Hiệu trưởng trường THPT Lộc Phát, TP Bảo Lộc, Lâm Đồng) cho rằng, Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM không thể đứng ngoài cuộc trong việc này. Sở phải đảm bảo chỗ học cho học sinh, không em nào phải gián đoạn việc học với bất cứ lý do gì.

Từng tìm hiểu nhiều mô hình trường tư thục, quốc tế, ông Chương đánh giá hành động của VAS là đi ngược lại với giá trị giáo dục, nhân văn. VAS đang có hơn 9.000 người học, việc mất hơn 40 khách hàng không đáng là bao, nhưng những tổn thương của trường đối với học sinh bị ngưng tiếp nhận và những em khác là khó bù đắp.

Khoan bàn đến chuyện đúng sai bởi thực tế cả hai đều gặp những khó khăn riêng vì Covid-19. Phụ huynh bị giảm thu nhập, trường cần học phí để duy trì hoạt động. Nhưng động thái của hai bên trong thời gian qua chưa có sự thông cảm, chia sẻ dẫn đến hệ quả xấu mà học sinh là người gánh chịu.

“Trường không nhận học sinh vì không thoả thuận được học phí với phụ huynh chẳng khác giận cá chém thớt. Có những em đã theo học ở trường hơn 10 năm, có em học từ lúc mẫu giáo. Những kỷ niệm và sự gắn bó với thầy cô, trường lớp, bạn bè là rất thiêng liêng, không thể đo đếm hoặc trao đổi bằng vật chất được”, ông Chương nói.

Ở góc nhìn khác, PGS Nguyễn Lê Ninh (Ủy viên Hội đồng tư vấn Khoa học, kỹ thuật, môi trường – Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP HCM) nhìn nhận, câu chuyện học phí VAS là một lát cắt biểu hiện mâu thuẫn lợi ích giai đoạn hậu Covid-19. Nhưng đi xa hơn mâu thuẫn ban đầu là học phí, việc ngưng tiếp nhận học sinh là câu chuyện cần được soi xét ở góc độ xã hội.

“Tôi cho rằng cách hành xử này là không nhân văn, ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục nói riêng và tâm lý xã hội nói chung”, ông Ninh đánh giá.

Một phụ huynh lên trường Quốc tế Việt Úc (quận 10) phản đối chính sách thu học phí trong thời gian nghỉ chống Covid-19 ngày 5/5. Ảnh: Mạnh Tùng.

Một phụ huynh lên trường Quốc tế Việt Úc (quận 10) phản đối chính sách thu học phí trong thời gian nghỉ chống Covid-19 ngày 5/5. Ảnh: Mạnh Tùng.

Về vấn đề này, ông Lê Hoài Nam (Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM) vẫn giữ nguyên quan điểm như tại buổi họp báo về hoạt động trường quốc tế. Tức là, việc thu học phí ngoài công lập là thoả thuận dân sự giữa trường và phụ huynh. Phụ huynh có quyền sử dụng dịch vụ của trường hoặc là không, trường cũng có quyền cung cấp hoặc không cung cấp dịch vụ, theo sự thoả thuận hai bên.

Phản hồi với VnExpress hồi đầu tuần, đại diện VAS cho biết họ đã cầu thị lắng nghe phụ huynh, thu học phí ở mức 30% trong thời gian nghỉ chống dịch. Tuy nhiên, một số ít phụ huynh vẫn tiếp tục yêu cầu VAS điều chỉnh nhưng trường không thể tiếp tục đáp ứng yêu cầu này.

“Giáo dục là một hoạt động dựa trên sự cam kết xã hội giữa nhà trường và phụ huynh nhằm mang lại sự chăm sóc và giáo dục tốt nhất cho trẻ. Việc không tìm được tiếng nói chung giữa nhà trường và một nhóm nhỏ phụ huynh trong một thời gian dài đã ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường dạy học”, đại diện VAS cho biết.

VAS là hệ thống trường ngoài công lập với 7 cơ sở dạy từ mầm non, tiểu học đến THPT, tổng số học khoảng 9.000. Học phí các cấp ở trường này dao động 200-500 triệu đồng mỗi năm.

Mạnh Tùng