Trường nghệ thuật gặp khó vì không được dạy trung cấp

Diễn viên múa hay tài năng âm nhạc cần đào tạo từ bậc sơ cấp, nhưng Luật Giáo dục đại học sửa đổi không cho phép các học viện làm điều này.

Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học có hiệu lực từ ngày 1/7/2019, các trường đại học, học viện chỉ được đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ; không được dạy sơ cấp, trung cấp, cao đẳng. Ba trình độ này sẽ do giáo dục nghề nghiệp, thuộc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phụ trách. Điều này gây ra nhiều bất cập cho những trường đào tạo văn hóa nghệ thuật.

TS Trần Văn Hải, Quyền Giám đốc Học viện Múa Việt Nam, cho biết trường đã phải “kêu cứu” lên cơ quan chủ quản là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, mong muốn Bộ xin phép cấp cao hơn cho phép trường đặc thù vẫn có thể đào tạo hệ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng.

Theo ông Hải, lĩnh vực nghệ thuật có đặc thù là phải đào tạo từ nhỏ, lúc 6 tuổi hay muộn là 10 tuổi, đi từ sơ cấp đến trung cấp, trung cấp chuyên nghiệp rồi lên cao đẳng, đại học. “Nếu 18 tuổi mới tuyển sinh và đào tạo diễn viên múa trình độ đại học thì không thể bởi lúc đó cơ thể đã cứng”, ông Hải nói.

Diễn viên múa phải học 3-7 năm nhưng đi biểu diễn đến khoảng 35 tuổi là phải chuyển nghề do cơ thể không còn đáp ứng các yêu cầu chuyên môn. Vì vậy, việc thay đổi diễn viên phải thường xuyên. Để có nguồn, nhà trường phải đào tạo từ bậc sơ cấp, trung cấp. Nếu giờ chỉ đào tạo đại học, tức tập trung vào biên đạo múa, huấn luyện viên, các nhà hát mang tầm quốc gia, nơi thường tuyển diễn viên chuyên nghiệp, nhân lực chất lượng cao từ trường Múa, sẽ không thể tuyển được.

Cũng theo ông Hải, trường Múa Việt Nam từ cao đẳng lên thành học viện từ tháng 1/2019, hiện mới chuẩn bị thành lập hội đồng trường, sau đó mới đăng ký tuyển sinh, đào tạo đại học. “Đại học thì chưa đào tạo trong khi trung cấp không còn, chúng tôi không biết phải làm thế nào”, ông Hải chia sẻ.

Với tình hình hiện tại, gần 100 giảng viên, cán bộ của Học viện Múa Việt Nam không biết số phận sẽ ra sao khi hơn 60 năm qua chủ yếu đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng. Chưa kể nếu chỉ đào tạo đại học, số lượng sinh viên rất ít, trường sẽ dôi dư biên chế, nhiều cán bộ, giảng viên sẽ thất nghiệp.

Theo quy định, giảng viên có thể được điều tới các trường cao đẳng văn hóa nghệ thuật như Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Tây Bắc, Việt Bắc nhưng điều này không phù hợp với mong muốn của họ. Ông Hải cho biết hiện cán bộ, giáo viên rất phân tâm, không thể tập trung làm việc bởi tương lai bất định.

Về phía học viên, nhiều em hoàn thành chương trình trung cấp năm nay cũng dở dang khi không thể tiếp tục liên thông lên cao đẳng tại Học viện Múa Việt Nam như mong muốn. Trường chỉ có thể tìm mọi cách liên kết với các trường cao đẳng văn hóa nghệ thuật để các em được học tiếp ở trường đó.

Học viên Học viện Múa Việt Nam biểu diễn trong lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2019. Ảnh: Học viện Múa Việt Nam.

Học viên Học viện Múa Việt Nam biểu diễn trong lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2019. Ảnh: Học viện Múa Việt Nam.

Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam cũng trong tình thế tương tự. Sau 64 năm tồn tại hệ trung cấp thì ba năm nay (từ năm 2017), trường bỗng trở thành đào tạo “chui” dù vẫn báo cáo cơ quan chủ quản là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Năm nay, trường sẽ không được tuyển sinh hệ trung cấp nữa.

Trao đổi với báo chí, PGS Lê Anh Tuấn, Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, cho hay hệ đào tạo trung cấp trong trường đại học đã tồn tại từ khi thành lập trường. Do đặc thù các ngành nghệ thuật là mang tính chuyên sâu, việc tuyển chọn khắt khe, lâu dài, có sự sàng lọc, đào thải rất cao, nếu học hết lớp 12 mới thi vào thì khó đáp ứng được yêu cầu.

Hơn nữa, việc duy trì hệ trung cấp sẽ tạo nguồn cho đại học, giúp các em đi theo con đường chuyên nghiệp. Các học viên hệ trung cấp của trường giành nhiều thành tích ở cuộc thi quốc tế, mỗi năm mang về khoảng 50 giải thưởng.

“Tới đây nếu không tuyển nữa, chúng ta sẽ mất đi nguồn tài năng và mất đi tính hội nhập. Mà muốn có nguồn tài năng chắc chắn cần đầu tư dài hơi”, ông Tuấn nói, cho biết 90% nguồn tuyển sinh đại học của trường lấy từ hệ trung cấp lên. Nếu giờ bỏ hệ trung cấp, việc tuyển bậc đại học sẽ gặp khó.

Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam đã đề xuất giải pháp. Theo đó, để đáp ứng Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục nghề nghiệp, nếu được phép Học viện sẽ có hệ đào tạo dự bị đại học 3 năm thay thế cho hệ trung cấp. Tuy nhiên, kỳ tuyển sinh đại học cận kề, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam vẫn mong các trường đặc thù, chuyên sâu được tuyển sinh, đào tạo và xây dựng lộ trình chuyển đổi dần.

Dương Tâm