TP HCMSau vụ cây phượng đổ làm 17 học sinh bị thương, một em tử vong, trường THCS Bạch Đằng chặt cây phượng rỗng ruột, mục rễ còn lại.
Cây phượng bị đốn nằm ở góc sân trường, hơn 25 năm tuổi, cao gần 10 m. Thân cây to khoảng hai người ôm, bên ngoài vỏ tươi, tán lá rộng, hoa nở rộ.
Bà Đoàn Ái Nữ, Hiệu phó trường THCS Bạch Đằng, quận 3, cho biết việc đốn hạ cây nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh, nhất là khi mùa mưa tới.
Từ sáng 27/5, hơn 10 công nhân Công ty Công viên cây xanh TP HCM đã cắt từng nhánh, gọn từng khúc. Đến trưa nay, họ hạ gốc cây, lộ rõ thân bên trong bị rỗng, bộ rễ bị lõm đen ở giữa.
Nhìn ảnh bộ rễ và thân cây sau khi bị đốn, TS Đinh Quang Diệp (nguyên giảng viên bộ môn Cảnh quan và Kỹ thuật hoa viên, Đại học Nông Lâm TP HCM), cho rằng cây phượng này đã bị mục hết rễ. “Nhiều khả năng cây được trồng khi đã lớn nên nhiều rễ bị đứt. Việc đốn cây là cần thiết, để lâu sẽ nguy hiểm”, ông Diệp nói.
Sáng hai ngày trước, cây phượng ở sân trường THCS Bạch Đằng bất ngờ bật gốc, đổ đè 18 học sinh, chủ yếu lớp 6/8. Các em được đưa đi cấp cứu sau đó, một nam sinh tử vong.
Cây phượng được trồng từ năm 1996, bên ngoài còn tươi tốt, lá xanh. Trong thời gian trường nghỉ chống dịch, cây vẫn được tỉa cành, mé nhánh.
Ông Nguyễn Vạn Phúc, Hiệu trưởng trường THCS Bạch Đằng, nhận trách nhiệm về tai nạn.
Trường THCS Bạch Đằng được thành lập từ năm 1964 với tên gọi ban đầu là trường tư thục cấp 2-3 Lê Bảo Tịnh, sau đó đổi tên thành THCS Bạch Đằng. Hiện trường có gần 1.200 học sinh với 29 lớp. Hiện một số em bị thương nhẹ, sau khi được xuất viện đã đi học, hoạt động ở trường diễn ra bình thường.
Hôm qua, Sở Giáo dục và Đào tạo có văn bản khẩn hướng dẫn các trường về việc tăng cường đảm bảo an toàn, phòng chống tai nạn thương tích cho học sinh. Sở yêu cầu trường học kiểm tra, cắt tỉa cành, chăm sóc cây xanh, xử lý thông thoáng hệ thống thoát nước, chống dột trong khuôn viên nhà trường.