Trung Quốc tăng cường nội địa hóa công nghệ

Nhiều tập đoàn công nghệ Trung Quốc đầu tư hàng tỷ USD phát triển hệ sinh thái công nghệ nội địa, nhằm thay thế giải pháp từ Microsoft, Oracle, IBM của Mỹ.

Chính quyền Tổng thống Donald Trump gần đây liên tục siết chặt kiểm soát công nghệ với tập đoàn viễn thông Huawei, đồng thời phê duyệt những sắc lệnh nhằm vào ứng dụng TikTok và WeChat. Chính phủ Mỹ cũng đang thực thi sáng kiến “Mạng lưới sạch” nhằm loại bỏ những công ty công nghệ Trung Quốc bị coi là mối đe dọa an ninh quốc gia.

“Áp lực của Mỹ khiến doanh nghiệp Trung Quốc hướng vào thị trường nội địa. Họ sẽ đẩy mạnh đầu tư và nghiên cứu phát triển cho những ngành công nghiệp thiết yếu như bán dẫn”, Jie Lu, Giám đốc mảng nghiên cứu Trung Quốc của công ty Robeco, nhận xét.

Bên trong nhà máy của Tập đoàn Sản xuất Bán dẫn Quốc tế Trung Quốc (SMIC). Ảnh: Xinhua.

Bên trong nhà máy của tập đoàn sản xuất bán dẫn SMIC của Trung Quốc. Ảnh: Xinhua.

Chính quyền các địa phương ở Trung Quốc đã nhanh chóng thành lập nhiều liên minh công nghiệp để thúc đẩy sử dụng chip xử lý Kunpeng do Huawei phát triển. Công ty con Wuchang của China Unicom tuần trước đã ký thỏa thuận với Huanghe Technology, doanh nghiệp chế tạo máy tính cá nhân và máy chủ dùng công nghệ Kunpeng. Nhà phân phối Digital China hồi tháng 5 cũng thông báo đang xây dựng nhà máy chế tạo máy tính sử dụng chip Kunpeng. China Telecom cũng tuyên bố mua 56.314 máy chủ vào năm 2020, trong đó 20% sẽ sử dụng chip Kunpeng và Hygon Dhyana, vốn được coi là đối thủ của Intel và AMD.

Đây được coi là những động thái thúc đẩy nội địa hóa ngành công nghiệp của Bắc Kinh. “Trung Quốc cần đẩy mạnh những giải pháp thay thế trong nước nhằm tránh bị bóp nghẹt trong chiến tranh thương mại, ngay cả khi nền tảng công nghệ vẫn thua xa thế giới”, Zhang Chi, Chủ tịch hãng đầu tư Xin Ding Captial, nói trong một hội thảo hồi tháng trước.

95% máy chủ tại Trung Quốc vẫn dùng CPU do Intel sản xuất. “Thảm họa sẽ xảy ra nếu Trump cấm Intel bán CPU cho Trung Quốc”, Zhang nói và tỏ ý hy vọng các cơ quan chính phủ nước này sẽ thay thế toàn bộ máy tính dùng chip của Mỹ trong vòng 5 năm tới.

National Software & Service, doanh nghiệp cạnh tranh với Windows, IBM và Oracle, dự báo doanh thu năm nay sẽ tăng 70%, đạt mức 1,45 tỷ USD. Beijing Kingsoft Office Software cũng thông báo lợi nhuận tăng 143% trong nửa đầu năm 2020, khẳng định nhu cầu bảo mật thông tin đang mang lại nhiều doanh thu cho họ.

Dù vậy, Bruab Bandsma, Giám đốc quản lý danh mục đầu tư của công ty Vontobel Asset Management có trụ sở tại Mỹ, cảnh báo cơ hội từ nhu cầu thay thế sản phẩm công nghệ sẽ có giới hạn, do các giải pháp cạnh tranh của Trung Quốc kém nước ngoài và tốc độ chuyển đổi chậm hơn kỳ vọng.

“Những công ty như Microsoft đã hiện diện hàng chục năm nay, sở hữu các phần mềm cực kỳ phức tạp và được dùng rộng rãi trong nhiều ngành công nghiệp. Vị trí của họ không phải tự nhiên mà có. Trung Quốc đang quá lạc quan về những gì công ty trong nước có thể làm trong nỗ lực nội địa hóa”, Bandsma nói.

Điệp Anh (theo Reuters)

Nguồn bài viết

Bài trướcCao tốc TPHCM – Trung Lương đầy rá‌c, trạm thu phí hoen rỉ
Bài tiếp theoCạnh tra‌nh ngành sữa, thịt lợn sẽ tăng cao sau EVFTA