Ngày hè của học sinh vùng cao

Bình ThuậnTrần Thị Kim Hậu, 13 tuổi, dân tộc Raglay, cùng bạn đồng trang lứa lên rẫy giúp cha mẹ trong những ngày nghỉ hè ở vùng cao Mỹ Thạnh.

Mùa hè, những trận mưa lớn đã thấm đất, người dân vùng cao Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam vào vụ trồng bắp, mì và hoa màu. Sáng sớm, mặt trời ló dạng, Hậu mang gùi đi bộ theo mẹ lên rẫy tỉa bắp trả công cho người trong làng cách nhà chừng một km, bởi trước đó chủ rẫy này đã giúp gia đình em xuống giống.

Trần Thị Kim Hậu (xã Mỹ Thạnh) lên rẫy trong ngày hè. Ảnh: Việt Quốc.

Trần Thị Kim Hậu (xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) mang gùi lên rẫy trong ngày hè. Ảnh: Việt Quốc

Năm nay, nắng hạn kéo dài, mưa trễ, nên xã vùng cao Mỹ Thạnh tỉa bắp muộn. Đàn ông cuốc lỗ, còn phụ nữ và nhóm trẻ như Hậu gieo hạt, bón phân lót. Đôi tay Hậu thoăn thoắt, cặp mắt đen láy nhìn theo từng lỗ cuốc phía trước, rồi bỏ hạt theo hàng. Các động tác của em cũng thuần thục không kém gì các cô, chú.

Qua hè, Hậu vào lớp 7 Trường phổ thông cơ sở nội trú huyện Hàm Thuận Nam cách nhà hơn 30 km. Do Covid-19, năm nay em nghỉ chỉ được một tháng rưỡi thay vì ba tháng. Khoảng thời gian này em về nhà phụ giúp gia đình. “Ngoài đi rẫy, em còn theo mẹ lên rừng hái măng mang về ăn”, Hậu cho biết cảm thấy vui khi cùng san sẻ khó nhọc với cha mẹ.

Cùng đi bỏ hạt với Hậu có Trần Thị Khả Doanh, 17 tuổi, năm học tới vào lớp 11 Trường Dân tộc nội trú tỉnh Bình Thuận. Doanh cho hay từ ngày nghỉ hè đến nay, em không đi đâu xa, chỉ quanh quẩn trong làng. Đầu mùa, em đi tỉa bắp, xuống giống mì. Khi bắp mọc lên khoảng một gang tay, em lên rẫy cùng cha mẹ làm cỏ.

Hậu (cầm sô vàng) cùng các bạn, các cô chú trong xóm lên rẫy tỉa bắp, tháng 8/2020. Ảnh: Việt Quốc.

Hậu (cầm xô vàng) cùng các bạn, các cô chú trong xóm lên rẫy tỉa bắp, tháng 8/2020. Ảnh: Việt Quốc

Những ngày hết việc đồng áng, em cùng các bạn mang gùi lên các khu rừng hái măng, hái nấm linh chi về bán. Mỗi ngày, em thu nhập 40.000-50.000 đồng. Số tiền này em dành dụm để sắm quần áo trong năm học mới cũng như chi tiêu khi lên tỉnh học.

Bà Lâm Thị Sương Thu, mẹ của Doanh cho biết, ở trên này, học đến lớp 11 đã là một sự nỗ lực rất lớn của Doanh. Gia đình khó khăn, nếu con cái trông chờ cha mẹ thì khó đủ chi phí cho việc học hành. Thấy con cái hiểu được cái khổ của gia đình, bà cũng mừng thầm. “Dù vậy, lâu lâu tôi cũng nhắc cháu xem lại bài vở trong những ngày hè kẻo quên”, bà Thu nói.

Mỹ Thạnh là xã thuần đồng bào Raglai, bao quanh xã là những cánh rừng già, giáp ranh với rừng Núi Ông (huyện Tánh Linh). Ông Nguyễn Văn Quảng, Phó chủ tịch UBND xã cho biết, bà con ở đây sống chủ yếu bằng nghề nông và nhận khoán bảo vệ rừng. Mỗi năm chỉ trồng được một vụ nhờ nước trời, nên đời sống người dân không mấy dư dả. Do vậy, ngày hè, con em trong làng không có nhiều điều kiện học tập và vui chơi như trẻ em dưới xuôi.

Xã Mỹ Thạnh có 106 học sinh tiểu học, 65 học sinh THCS và 23 học sinh THPT. Tại xã chỉ có trường tiểu học. Còn cấp THCS và THPT, học sinh phải về huyện và tỉnh. Theo ông Quảng, ngoài đồng áng, trong những ngày nghỉ hè, các học sinh trung học còn phụ cha mẹ đi chăn bò, chăn dê.

Nguyễn Quách Tĩnh, học sinh lớp 3 (áo đỏ) cùng nhóm bạn đang chơi bóng trước nhà. Ảnh: Việt Quốc.

Nguyễn Quách Tĩnh, học sinh lớp 3 (áo đỏ) cùng nhóm bạn chơi bóng trước nhà. Ảnh: Việt Quốc

Ở vùng cao, thú vui ngày hè của trẻ cũng không giống như ở thị thành, các em chơi ô quan, bắn bi, nhảy dây, đá bóng, bắt dế, bắt chim với bạn bè trong xóm. Ở Mỹ Thạnh có nhiều con suối gần làng, trẻ con thường ra tắm. UBND xã cũng lưu ý phụ huynh thường xuyên dặn dò các cháu không được tắm ở các đoạn suối sâu để tránh đuối nước.

Việt Quốc

Nguồn bài viết

Bài trướcNhững dự á‌n khiến nhiều lãnh đạo Quảng Ngãi bị kỷ luật
Bài tiếp theo‘Vàng thỏi’ ế ẩm, chất đầy kho, cả làng sống trong l‌o lắn‌g