Trung Quốc sắp có tỷ phú sữa bột

Sau khi IPO, số cổ phần của CEO Leng Youbin trong hãng sữa công thức lớn nhất Trung Quốc China Feihe sẽ có giá khoảng 4 tỷ USD.

Hơn một thập kỷ sau scandal sữa nhiễm độc, Trung Quốc đang tìm cách giảm phụ thuộc vào nhập khẩu, với kế hoạch tăng sản xuất trong nước. China Feihe – hãng sản xuất sữa công thức lớn nhất Trung Quốc là công ty hưởng lợi nhất từ chính sách này. CEO Leng Youbin cũng sẽ trở thành tỷ phú, khi công ty chuẩn bị cho IPO sắp tới ở Hong Kong.

Bloomberg trích lời một nguồn tin thân cận cho biết Feihe định giá cổ phiếu IPO tại 7,5 đôla Hong Kong, nhằm huy động 855 triệu USD. Điều này có nghĩa công ty sẽ có vốn hóa 8,5 tỷ USD và 48% cổ phần của Leng tương đương hơn 4 tỷ USD. Cổ phiếu Feihe sẽ giao dịch từ ngày 13/11.

CEO hãng sữa China Feihe Leng Youbin. Ảnh: Bloomberg

CEO hãng sữa China Feihe Leng Youbin. Ảnh: Bloomberg

Leng tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp Đông Bắc ở Hắc Long Giang (Trung Quốc) năm 1995. Sau đó, ông nhận bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Bắc Kinh.

Hongguang Dairy – tiền thân của Feihe – thành lập năm 1962, khi đó là một công ty quốc doanh. Leng bắt đầu làm việc tại đây năm 1987, trải qua nhiều vị trí trong khoảng một thập kỷ. Ông từng mua hơn 95% tài sản công ty với giá 7 triệu nhân dân tệ khi công ty này trải qua giai đoạn tái cấu trúc để thích ứng với điều kiện kinh tế mới.

Thị phần của Feihe đã tăng hơn gấp đôi trong 2 năm, lên 7,3% năm 2018, giúp hãng này thành thương hiệu sữa công thức Trung Quốc bán chạy nhất nước. Theo bản cáo bạch, doanh thu công ty là 10,4 tỷ nhân dân tệ (1,5 tỷ USD). Riêng mảng sữa công thức cao cấp đóng góp 64% số này.

“Chúng tôi nhận thấy nhu cầu sữa hữu cơ, cao cấp tại Trung Quốc đang tăng lên”, Gu Xiangjun – nhà phân tích tại Capital Securities ở Thượng Hải cho biết. Đây là mảng sản phẩm chính của Feihe. Việc Trung Quốc năm 2015 cho phép các cặp vợ chồng sinh thêm con thứ 2 cũng giúp nhu cầu tăng mạnh, Gu cho biết.

Năm 2008, hàng loạt công ty Trung Quốc bị phát hiện bán sữa bột nhiễm melamine, khiến ít nhất 6 trẻ thiệt mạng và hàng chục nghìn trường hợp khác nhiễm độc. Scandal này vẫn còn ám ảnh nhiều người tiêu dùng Trung Quốc, khiến họ đổ ra nước ngoài mua sữa thay thế. Việc chuyển sữa về Trung Quốc thậm chí trở thành một ngành công nghiệp ở Australia. Siết quy định trong nước sẽ giúp tăng tốc đà tăng trưởng hiện tại và “kéo theo nhiều thương vụ sáp nhập trong ngành”, Hayman Chiu – nhà phân tích tại Cinda International Holdings nhận xét.

“Chúng tôi không có scandal nào về tính an toàn của sản phẩm suốt 57 năm qua”, Giám đốc Feihe Cai Fangliang cho biết trong một cuộc họp báo cuối tháng trước, “Chất lượng là sự sống của công ty”.

Hà Thu (theo Bloomberg)

Nguồn bài viết

Bài trướcLoạt thiết bị trình diễn tại Plase Show
Bài tiếp theoPanasonic tái định nghĩa tiêu chí khí sạch theo chuẩn người Nhật