Tranh luận về ‘nhan sắc và đức hạnh’ trong đề Văn

Giáo viên đánh giá đề chuyên Văn vào trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn (Hà Nội) “hơi quá sức với học sinh lớp 9 và thiếu sự đột phá”.

Sáng 13/7, hơn 500 học sinh làm đề thi Ngữ văn chuyên để cạnh tranh 30 suất vào lớp Ngữ văn, trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn. Trong 150 phút, thí sinh phải làm câu nghị luận xã hội 4 điểm bàn về việc “lắng nghe người khác có phải là đánh mất cơ hội thể hiện bản thân?” và câu nghị luận văn học 6 điểm sử dụng nhận định của thi sĩ Xuân Quỳnh để bàn về thơ ca thông qua hình ảnh “nhan sắc”, “đức hạnh” của người con gái.

Tranh luận về đề Văn trường Khoa học Xã hội và Nhân văn

Đề thi nhận được sự quan tâm từ giáo viên dạy Ngữ văn của các trường THCS và THPT. Thầy Võ Kim Bảo, giáo viên Ngữ văn, trường THCS Nguyễn Du, TP HCM, đánh giá đề thi gây khó cho cả học sinh và người chấm, đặc biệt với câu 2 nghị luận văn học. Vì kiến thức về chức năng, thể loại văn học, trải nghiệm với thơ chủ yếu nằm ở chương trình THPT, bậc THCS chưa rõ nét. “Với sức của đa số học sinh lớp 9, tôi nghĩ khó làm được tốt đề bài này”, thầy Bảo nói.

Đối với người chấm, thầy Bảo cho rằng cần khách quan, tôn trọng và chấp nhận suy nghĩ của học sinh. Mỗi em sẽ có những kiến giải hợp lý và đa dạng về hai khái niệm “nhan sắc”, “đức hạnh”, từ đó phân tích theo quan điểm cá nhân. Do đó, nếu không “thoáng”, thầy cô sẽ rất khó chấm những bài viết sáng tạo, có cách hiểu khác lạ. “Chú trọng vào kỹ năng làm bài và trải nghiệm văn học của thí sinh là cách tốt nhất để đánh giá bài làm theo đề thi này”, thầy Bảo nói.

Cùng quan điểm với thầy Bảo, cô Nguyễn Thị Tuyết Mai, giáo viên Ngữ văn, trường THCS Nguyễn Hữu Tiến, tỉnh Hà Nam cho rằng đề thi hơi quá sức đối với học sinh lớp 9. Câu 2 nghị luận văn học nặng về kiến thức lý luận văn học, nếu chưa từng được học bồi dưỡng hay nằm trong đội tuyển học sinh giỏi, thực hành nhiều đề thi chuyên thì sẽ khó làm bài. Đề thi quá mở cũng khiến học sinh lăn tăn vận dụng kiến thức nào để giải quyết vấn đề.

Nhìn tổng thể, cô giáo đánh giá đề thi khó và ngắn gọn, phát huy được năng khiếu học Văn của thí sinh đồng thời tạo ranh giới rất rõ giữa những em được tiếp cận và luyện dạng đề chuyên từ sớm với các thí sinh còn lại. “Nếu vận dụng kiến thức văn học, lý luận cùng kỹ năng sống, quan điểm cá nhân, các em có thể thành công với đề thi này”, cô Mai nói.

Thí sinh dự thi vào lớp 10, trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn, sáng 12/7. Ảnh: Thanh Hằng

Thí sinh dự thi vào lớp 10, trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn, sáng 12/7. Ảnh: Thanh Hằng

Cô Nguyễn Hoàng Anh Thư, giáo viên Ngữ văn, trường THPT Hai Bà Trưng, tỉnh Thừa Thiên Huế, cho rằng những học sinh cá tính có thể phản biện câu hỏi của đề bài về việc “lắng nghe người khác là đánh mất cơ hội thể hiện bản thân”. Câu hỏi này chưa hay bởi song song với lắng nghe, học trò cần được khuyến khích tranh luận, thể hiện quan điểm. Nếu xét theo tiêu chí này, câu 1 chưa phù hợp, những em cá tính sẽ phản bác quan niệm này ngay trong bài làm.

“Học sinh chuyên rất cá tính, tôi nghĩ giáo viên cũng phải cá tính và thoáng mới chấm được bài những em này. Vì thế xây dựng biểu điểm chấm tôi nghĩ sẽ rất khó khăn nếu không có các tiêu chí chặt chẽ”, cô Thư nói.

Với câu 2 nghị luận xã hội, cô giáo 23 năm trong nghề đánh giá ý kiến của thi sĩ Xuân Quỳnh đúng với thời của bà, còn nay không phù hợp. Ngày nay người con gái vừa cần đẹp, vừa cần đức hạnh, thơ cũng cần có cả nội dung và ngôn từ nghệ thuật, sáng tạo. Đề thi gây bối rối cho người chấm khi gặp những bài làm cá tính, cách ra đề không mới, cả về hình thức và nội dung vấn đề được đề cập.

TS Trịnh Thu Tuyết, giáo viên Ngữ văn, Hệ thống Giáo dục HOCMAI, cũng nhận định đề thi chuyên Văn của trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn toát lên sự quen thuộc, đi theo lối mòn, thể hiện ngay ở cấu trúc câu nghị luận xã hội 4 điểm, nghị luận văn học 6 điểm. Câu nghị luận xã hội tạo tình huống thách thức học trò khi phải trả lời bằng trải nghiệm cuộc sống chưa thật sự dày dặn.

Câu nghị luận văn học đòi hỏi học sinh thấy được mối quan hệ biện chứng giữa “nhan sắc” và “đức hạnh” của thơ với cuộc sống con người. Đây là vấn đề không hề đơn giản với những học trò lớp 9, khi một thời người lớn cũng còn cực đoan, thiên lệch, chỉ quan tâm tới “đức hạnh” của thơ mà bỏ bê “nhan sắc”; chỉ soi cho ra những thông điệp tư tưởng mà coi nhẹ tiêu chí vẻ đẹp ngôn từ, hình ảnh, nhạc điệu… của thơ, lẫn lộn thơ/vè tuyên truyền với thơ ca nghệ thuật; chỉ lo “tải đạo/ ngôn chí” mà quên tính thẩm mỹ đặc thù của phương tiện chuyên chở…

Với mức độ tương đối khó kết hợp cùng sự quen thuộc trong nội dung, cấu trúc đề, cô Tuyết đánh giá trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn đã có một sự “ra mắt an toàn và tương đối ấn tượng”. “Trong tương lai, chúng ta có thể hy vọng những đề thi chuyên hoàn toàn bứt ra khỏi lối mòn, từ cấu trúc tới vấn đề để phát huy sự sáng tạo của học sinh”, cô Tuyết cho hay.

2020 là năm đầu tiên trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) tuyển sinh. Trường tuyển 100 học sinh cho các lớp Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý và hệ chất lượng cao, trong đó lớp chuyên Ngữ văn lấy 30 em. Với trên 500 em đăng ký, một học sinh phải cạnh tranh với gần 17 bạn để giành suất vào lớp Văn.

Thanh Hằng

Nguồn bài viết

Bài trướcDoanh nghiệp kêu cứu vì lô hàng hồ tiêu bị kẹt ở Nepal
Bài tiếp theoGần 6.300 khách hàng dùng điện được điều chỉnh hóa đơn trong tháng 6