TPBank dừng tuyển dụng, không tăng lương vì Covid-19

Báo lãi 1.200 tỷ đồng 4 tháng đầu năm, tín dụng tăng khá so với toàn ngành nhưng TPBank dự kiến dừng tuyển mới, không tăng chi phí lương để đối phó Covid-19.

Thông tin này được ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc Ngân hàng Tiên phong (TPBank) cho biết tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2020 sáng 27/5. 

Mức lợi nhuận 1.200 tỷ trong 4 tháng đầu năm bằng 30% kế hoạch cả năm. Đến hết tháng 4, tín dụng của TPBank tăng trưởng 11%, sử dụng gần hết hạn mức 11,5% mà Ngân hàng Nhà nước giao.

Tổng giám đốc TPBank Nguyễn Hưng báo cáo cổ đông tại cuộc họp thường niên sáng 27/5. Ảnh: TPB.

Tổng giám đốc TPBank Nguyễn Hưng báo cáo cổ đông tại cuộc họp thường niên sáng 27/5. Ảnh: TPB.

Ông Nguyễn Hưng cho biết, do nhiều doanh nghiệp không triển khai kinh doanh giai đoạn này nên tiền gửi tăng nhưng cho vay ít. Hơn nữa, việc cơ cấu các khoản nợ bị tác động bởi Covid-19 khiến ngân hàng không được hạch toán lãi dự thu nên lợi nhuận bị ảnh hưởng. Mặc dù không giảm lương nhân viên, TPBank sẽ dừng tuyển dụng và không tăng lương nhân viên cho đến cuối năm, nhằm cắt giảm chi phí. 

“Chúng tôi cũng làm đủ mọi cách để giảm giá vốn và các chi phí đồng thời gia tăng nguồn thu ngoài lãi để đảm bảo lợi nhuận”, ông nói.

Tại đại hội, ngân hàng trình cổ đông mục tiêu tăng trưởng tín dụng 9% – so với mức tăng trưởng quanh mức 20% hai năm gần đây. Khi mục tiêu tăng trưởng cho vay tăng thấp (chỉ 9%), ngân hàng đẩy mạnh đầu tư vào trái phiếu, dự kiến dư nợ đầu tư trái phiếu tổ chức kinh tế tăng gấp 2,5 lần so với đầu năm, lên 12.000 tỷ đồng. 

Lãnh đạo TPBank cho biết không đầu tư nhiều vào trái phiếu bất động sản mà tập trung cho các doanh nghiệp ngành thiết yếu, FMCG hay các công ty có đủ tài sản đảm bảo, dự án hoàn trả được cả gốc lẫn lãi.

Với mức tăng trưởng tín dụng này, TPBank cũng đặt mục tiêu lợi nhuận thận trọng. Lãi trước thuế riêng lẻ cả năm dự kiến tăng 5% lên 4.068 tỷ đồng trong khi tăng trưởng lợi nhuận các năm trước luôn ở mức hai chữ số. Lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE sẽ giảm từ 26,11% trong năm 2019 về 22,31%.

Sau ba tháng đầu năm, tỷ lệ nợ xấu của TPBank là 1,81%, tăng mạnh so với mức 1,31% vào đầu năm, chủ yếu liên quan đến khách hàng cá nhân vay ôtô. Với mục tiêu trần tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2020 là 2,5%, Chủ tịch ngân hàng Đỗ Minh Phú đánh giá việc khống chế tỷ lệ nợ xấu dưới 2,5% là một thách thức của ngân hàng vì dịch Covid-19 sẽ đưa nợ xấu của ngành ngân hàng tăng mạnh tương tự như cuộc khủng hoảng 2008-2009. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ngân hàng đang ở mức 80%.

TPBank đặt mục tiêu tổng tài sản năm 2020 tăng gần 9% lên 180.000 tỷ, vốn điều lệ tăng 19%, huy động từ khách hàng tăng 15% còn tiền gửi và vay tổ chức tín dụng khác giảm 13% so với đầu năm.

Ngân hàng cũng đề xuất phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 20% cho tổng số cổ phiếu lưu hành đồng thời tăng vốn điều lệ từ 8.565 tỷ lên gần 10.200 tỷ đồng.

Lãnh đạo ngân hàng nói sẽ sát sao chỉ đạo để hoàn thành mua lại công ty tài chính nhằm thúc đẩy chiến lược tài chính tiêu dùng, hướng tới mục tiêu top 5 ngân hàng bán lẻ.

Trong ba tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế tăng 18% lên hơn 1.000 tỷ đồng nhờ thu nhập lãi thuần tăng mạnh. Ngân hàng cũng tăng gấp đôi trích lập dự phòng rủi ro tín dụng lên 324 tỷ đồng khi tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh từ 1,31% đầu năm lên 1,87% vào cuối quý I.

Kết thúc năm 2019, tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn là 24,03%, thấp hơn so với mức quy định là 40%. Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo Basel II là 10,69%.

Quỳnh Trang

Nguồn bài viết

Bài trướcBị ‘tuýt còi’ dịch vụ chữ ký số: Misa nói gì? | Công nghệ
Bài tiếp theoGiúp trẻ đến trường vui khỏe, an toàn