Tin giả 5G ám ảnh các kỹ sư viễn thông Anh

AnhKhi thông tin “sóng 5G tạo ra Covid-19” lan truyền trên mạng, nhiều kỹ sư viễn thông đã bị tấn công.

Naveed Qureshi luôn tự hào về công việc của mình. Là một kỹ sư viễn thông làm việc ở London, ông biết rằng việc mình làm hết sức quan trọng trong việc duy trì thông tin liên lạc cho thành phố.

Naveed Qureshi bên cạnh chiếc xe sửa chữa viễn thông lưu động. Ảnh: The Verge.

Naveed Qureshi bên cạnh chiếc xe sửa chữa viễn thông lưu động. Ảnh: The Verge.

Hàng ngày, Qureshi kiểm tra hàng kilomet dây đồng và cáp quang giữa thủ đô. Trường học, bệnh viện, doanh nghiệp đang dựa vào các mạng lưới này để liên lạc. Công việc của Qureshi vốn được nhiều người mong ước. Nó cũng không quá nguy hiểm, cho đến khi Covid-19 xuất hiện.

Tháng 3, nước Anh bắt đầu bùng phát Covid-19. Đại dịch lây lan khiến hàng chục người chết, hàng trăm nghìn nhiễm bệnh. Những tháng sau đó, con số này tăng theo cấp số nhân. 

Cũng trong giai đoạn này, các mạng xã hội tại Anh lan truyền một số thông tin gây hoang mang: “Các cột sóng 5G tạo và phát tán virus corona”, “Sóng viễn thông khiến con người suy yếu hệ miễn dịch, do đó, nCoV lây lan nhanh hơn”. Điểm chung của những tin giả này là đổ lỗi cho mạng di động thế hệ mới.

Hàng chục tháp viễn thông 5G vì thế đã bị đốt phá.

Những kỹ sư như Qureshi thực hiện công việc của mình không còn thoải mái như trước. Ông không ít lần bị người đi đường lăng mạ, thậm chí dọa giết.

Tin giả 5G - nỗi ám ảnh của kỹ sư viễn thông Anh

Một trạm 5G tại Anh bị đốt. Video: The Sun.

Qureshi nhớ như in những gì ông đã trải qua. Vào một buổi sáng đầu tháng 4, khi ông đang sửa tháp viễn thông ở Walthamstow. Một phụ nữ tiến tới và ra hiệu muốn nói chuyện.

“Anh đang làm gì đấy?”, người phụ nữ hỏi. Qureshi giải thích rằng ông cần trèo lên tháp để sửa một số lỗi, nhưng không thể tiết lộ là lỗi gì.

“Được rồi, nhưng tôi thấy anh đang nói dối”, người phụ nữ bắt bẻ. Qureshi mỉm cười, cố gắng giữ lịch sự. Trong đầu ông bắt đầu linh tính có chuyện chẳng lành. “Xin đừng là 5G. Xin đừng là 5G. Xin đừng là 5G”, Qureshi lẩm bẩm.

Lúc này, người phụ nữ bắt đầu “giảng” cho Qureshi về bức xạ và vi sóng, về tác hại của tín hiệu điện từ đối với cơ thể, cách sóng 5G đã phá vỡ các tế bào máu như axit… – những thứ mà một kỹ sư như Qureshi còn biết nhiều hơn. Người này trích dẫn các số liệu thống kê “không biết từ đâu” để lập luận cho “bài thuyết trình” của mình.

Qureshi sau đó nhận ra những gì người này nói đều có trên mạng xã hội. Tuy nhiên, ông chọn cách im lặng, bởi nếu tranh luận, mọi thứ có thể đi quá xa. “Mọi sự tranh luận là vô ích, những gì tôi nói chắc chắn sẽ bị người phụ nữ này ‘bắn hạ’ bằng những lập luận trên mạng xã hội”, Qureshi nói. Trước thái độ nhã nhặn của ông, người phụ nữ có vẻ “hài lòng” và bỏ đi.

Hôm sau, người phụ nữ này quay lại cùng một nhóm đàn ông trong tình trạng sau xỉn. “Người này khiến virus corona lây lan”, bà ta chỉ vào Qureshi. Một số người trong nhóm không quan tâm, nhưng số khác bắt đầu la hét và tiến sát ông. Lúc này, Qureshi nghĩ chỉ còn cách rời đi. Ông gọi cho quản lý và được chấp nhận. Cảnh sát London xác nhận vụ việc sau đó, nhưng không bắt giữ người nào.

Một tháp viễn thông bị đốt cháy. Ảnh: Teller Report.

Một nhóm trên Facebook có tên “What Goes Up Mast Come Down” đăng ảnh “khoe chiến tích” đốt cột sóng 5G.

Đồng nghiệp của Qureshi gặp những tình huống nguy hiểm hơn rất nhiều. Những người cùng nơi làm việc với ông kể rằng, việc bị đe dọa, đá hoặc đấm vào xe là điều “xảy ra như cơm bữa”. Thậm chí, có trường hợp, kẻ quá khích đã giấu dao hoặc kim nhọn trong tay, giả vờ bắt tay các kỹ sư viễn thông rồi tấn công họ.

Theo số liệu của Mobile UK – tổ chức đại diện cho 4 nhà mạng lớn của Anh, từ 30/3 đến nay đã có hơn 200 vụ quấy rối và tấn công các kỹ sư viễn thông, hơn 90 vụ tấn công cơ sở hạ tầng di động, chủ yếu là tháp 5G.

Nhìn lại những gì đã trải qua, Qureshi cho rằng điều tồi tệ nhất không phải là việc mình bị đe dọa, mà là sự thiếu hiểu biết của một bộ phận người Anh. “Chúng tôi đã cố gắng duy trì sự thông suốt của hệ thống thông tin liên lạc, để mọi người có thể kết nối và trò chuyện với nhau giữa đại dịch. Họ không biết điều đó hay sao?”, Qureshi bức xúc.

Lễ Phục sinh năm nay được những kỹ sư viễn thông tại Anh đánh giá là “ám ảnh”. Trước thông tin “5G tạo ra virus corona”, ít nhất 20 tháp điện thoại đã bị tấn công và đốt cháy chỉ trong một tuần. Các kỹ sư viễn thông phải làm thêm ngoài giờ để khôi phục kết nối, lính cứu hỏa tất bật dập các đám cháy do những kẻ quá khích đốt tháp. “Những hành động ích kỷ của một vài nhà lý luận với âm mưu lừa dối đã khiến nước Anh lãnh hậu quả”, Nick Jeffery, Giám đốc điều hành Vodafone, viết trên LinkedIn.

Anh không phải là quốc gia duy nhất bị ảnh hưởng bởi tin giả liên quan đến 5G và Covid-19. Những trường hợp đốt tháp 5G, cũng như đe dọa kỹ sư viễn thông còn xảy ra tại Hà Lan, Ireland, Bỉ, Italy, Cyprus và Thụy Điển.

Theo Mobile UK, các cuộc tấn công đang có xu hướng ít đi. Tuy nhiên, trên mạng xã hội vẫn có các nhóm bí mật chuyên vạch kế hoạch phá hoại, thậm chí tạo sẵn bản đồ vị trí của từng tháp 5G để theo dõi. Hầu hết hội nhóm đã bị xóa do vi phạm chính sách, nhưng chúng vẫn tiếp tục được lập lên.

Những người truyền bá thông tin sai lệch về Covid-19 và 5G tại Anh không chỉ sử dụng mạng xã hội, mà còn lợi dụng chính quyền địa phương và người nổi tiếng. Ofcom, cơ quan quản lý truyền hình của Vương quốc Anh, đã khiển trách MC của một chương trình tin tức buổi sáng nổi tiếng vì đã trích dẫn một số thông tin từ “các cơ quan có thẩm quyền và bằng chứng khoa học” cho thấy có sự liên quan giữa 5G và nCoV.

“Một phần khiến tin giả về 5G được tin tưởng là bởi các thông tin sai lệch về sóng di động đã hình thành trước đó”, Grace Rahman, người kiểm tra thực tế trực tuyến cho tổ chức từ thiện Full Fact, nói. “Nhiều năm qua, các thông tin về sức khỏe liên quan đến tín hiệu điện thoại di động đã được truyền bá rộng rãi. Khi nội dung này được liên kết với 5G, nó sẽ gây ra sự sợ hãi nhất định”.

Đối với các kỹ sư viễn thông như Qureshi, tin giả về 5G khiến cảm xúc của họ bị dồn nén. “Giữ cho mọi người có niềm tin đúng đắn về 5G có lẽ là việc làm khó hơn cả việc sắp xếp hàng nghìn sợi cáp viễn thông hỗn loạn vào tủ”, Qureshi nói. “Những người phá hoại, họ có đức tin, nhưng có vẻ niềm tin chưa đặt đúng chỗ”.

Bảo Lâm (theo The Verge)

Nguồn bài viết

Bài trướcChính thức nâng mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân lên 11 triệu đồng
Bài tiếp theoThí nghiệm Kid Lab được lòng phụ huynh