Tín dụng chính sách xã hội giúp Việt Nam thành hình mẫu giảm nghèo

Dư nợ các chương trình tín dụng chính sách xã hội tăng gần 70% trong 5 năm, giúp hơn 2 triệu hộ thoát nghèo bền vững.

Tại Hội nghị về tín dụng chính sách xã hội diễn ra vào sáng nay (15/7), ông Trần Quốc Vượng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư nhận định, hoạt động tín dụng chính sách xã hội của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, góp phần đưa Việt Nam trở thành hình mẫu về giảm nghèo trên thế giới.

Trong 5 năm thực hiện Chỉ thị 40 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, nguồn vốn này đã đến được với 100% xã, phường, thị trấn toàn quốc. Tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 226.560 tỷ đồng, tăng hơn 9.000 tỷ đồng so với cuối năm 2014. Tới nay, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách xã hội đạt gần 220.000 tỷ đồng, tăng gần 70% so với từ khi có Chỉ thị 40.

Ngân hàng chính sách xã hội đã giải ngân tổng cộng gần 337.000 tỷ đồng cho trên 12 triệu lượt vay vốn, giúp hơn 2,1 triệu lượt hộ thoát nghèo bền vững. Bên cạnh đó, nguồn vốn này đã giúp xây nên hàng triệu công trình cấp nước sạch cho nông thôn, nhiều người được vay vốn tạo công ăn việc làm và tiếp tục học tập.

Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban kinh tế Trung ương đánh giá, tín dụng chính sách xã hội là một điểm sáng trong số các chính sách phát triển kinh tế xã hội được triển khai thời gian qua. “Đây là giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc và phù hợp với thực tiễn của Việt Nam”, ông nói.

“Đến nay, quan điểm, chủ trương nhiệm vụ của Chỉ thị 40 vẫn còn nguyên giá trị và cần thực hiện đồng bộ, quyết liệt và có hiệu quả hơn”, ông Trần Quốc Vượng nói. Ông cũng đề nghị Ban Kinh tế Trung ương ghi nhận đầy đủ ý kiến, nghiên cứu bổ sung giải pháp cụ thể, nhân rộng cách làm hay… để chính sách này ngày càng hiệu quả hơn.

Quỳnh Trang

Nguồn bài viết

Bài trước58 container tiêu trị giá 3 triệu USD của doanh nghiệp Việt bị ‘kẹt’ ở Nepal | Tài chính – Kinh doanh
Bài tiếp theoLời giải đề Toán chuyên vào lớp 10 trường Sư phạm