TikTok tăng ‘vận động hành lang’ tại Mỹ

TikTok được cho là đang lập nhóm vận động hành lang với các nhân vật “cộm cán” nhằm chống lại các lệnh cấm sắp được ban hành của chính phủ Mỹ.

Theo NYTimes, TikTok – công ty thuộc sở hữu của ByteDance có trụ sở tại Bắc Kinh (Trung Quốc) – đang cố gắng thuyết phục các nhà lập pháp và quan chức Mỹ rằng công ty dành “lòng trung thành” của mình cho Mỹ chứ không phải Trung Quốc.

TikTok đang tăng cường vận động hành lang để tránh việc không thể hoạt động tại Mỹ. Ảnh: AFP.

TikTok đang tăng cường vận động hành lang để tránh việc không thể hoạt động tại Mỹ. Ảnh: AFP.

Cụ thể, TikTok được cho là đã thuê một đội gồm 35 người để “vận động hành lang” với định hướng trên. Nhiều nhân vật trong số đó đang giữ vai trò lớn trong chính phủ Mỹ, thậm chí có người được mô tả là “có quan hệ sâu sắc với Tổng thống Donald Trump”.

Trong ba tháng qua, nhóm này đã thay mặt ByteDance và TikTok tổ chức ít nhất 50 cuộc họp với các thành viên quốc hội và các nhà lập pháp, bao gồm những quan chức nằm trong các ủy ban hàng đầu, như thương mại, tư pháp và tình báo.

Các cuộc họp đều “gài” một bài thuyết trình “khéo léo”, trong đó vẽ sơ đồ tổ chức của TikTok. Tuy nhiên, biểu đồ này cho thấy TikTok không hoạt động ở Trung Quốc, hầu hết lãnh đạo hàng đầu của công ty đang cư trú tại Mỹ, là công dân Mỹ. Chẳng hạn, CEO mới của hãng là Kevin Mayer hiện sống ở Los Angeles.

Ngoài ra, nhóm này cũng phải nhấn mạnh rằng TikTok là ứng dụng giải trí, không chứa nội dung liên quan đến chính trị. Bên trong ứng dụng cũng không có các tính năng giám sát và theo dõi chính phủ. Nhóm cũng phải nhấn mạnh độ tuổi dùng ứng dụng chủ yếu là thanh thiếu niên.

ByteDance đã chi 300.000 USD cho các hoạt động hành lang trong ba tháng đầu 2020, gấp đôi so với quý IV/2019 và tương đương 2/3 số tiền đã dùng trong cả năm 2019. Dù quy mô về hoạt động không lớn như Amazon, Facebook hay Google, giới quan sát cho rằng động thái của công ty Trung Quốc là “hành động phòng thủ đáng kinh ngạc”.

Mỹ ngày càng tỏ ra mạnh tay với TikTok, thậm chí đang “bóng gió” về khả năng sẽ cấm ứng dụng này trong tương lai gần. Trước đó, Ngoại trưởng Mike Pompeo nói rằng Washington đang cân nhắc cấm TikTok vì lo ngại ứng dụng là công cụ do thám của chính phủ Trung Quốc, trong khi Phó tổng thống Mỹ Mike Pence khẳng định sẽ cứng rắn với ứng dụng này.

Nhiều quan chức khác của Mỹ cũng ủng hộ lệnh cấm đối với TikTok. Thậm chí, Peter Navarro, cố vấn thương mại của Nhà Trắng, đã gọi CEO Mayer của TikTok là “một con rối người Mỹ” trong một cuộc phỏng vấn với Fox Business.

Trong hầu hết cáo buộc, ByteDance phủ nhận việc chia sẻ dữ liệu với Bắc Kinh. Công ty cũng nhấn mạnh TikTok không có sẵn tại Trung Quốc, thay vào đó là phiên bản riêng có tên Doiyin. Ngoài ra, các máy chủ TikTok cũng được lưu trữ ở Virginia (Mỹ) và Singapore.

Bảo Lâm

Nguồn bài viết

Bài trướcNgười phụ nữ cứ đụng vào cây là có tiền, từ người bốc vác trở thành tỷ phú làng quê
Bài tiếp theoDự báo chứng khoán cuối năm: rất khó đoán