Sau tinh giản chương trình nhằm ứng phó với Covid-19, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục tinh giản nội dung dạy học trong thời gian tới.
Tại khóa tập huấn về xây dựng kế hoạch giáo dục môn học, hoạt động giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức từ ngày 5 đến 7/6 tại Cần Thơ, TS Sái Công Hồng, Vụ phó Giáo dục trung học, cho biết vừa qua Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tinh giản nội dung dạy học của chương trình học kỳ II năm học 2019-2020 để ứng phó với Covid-19 và nhận được hiệu ứng tích cực.
Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, thời gian tới Bộ sẽ tiếp tục tinh giản chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất năng lực cho học sinh. “Chủ trương này sẽ thực hiện thống nhất trên toàn quốc để giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục thuận lợi trong công tác đổi mới dạy học và học sinh là người hưởng lợi cuối cùng”, ông Hồng nói.
Tại khóa tập huấn, 600 tổ tưởng chuyên môn cốt cán của các trường THPT ở 16 tỉnh khu vực Tây Nam Bộ được hướng dẫn rà soát tinh giản nội dung dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá theo định hướng chương trình giáo dục phổ thông mới.
Giáo viên sẽ rà soát và đề xuất tinh giản nội dung vượt quá yêu cầu cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình hiện hành; điều chỉnh để tránh trùng lặp nội dung giữa các môn học và hoạt động giáo dục; bổ sung cập nhật thông tin mới. Sau khi tinh giản, giáo viên tích hợp hoặc ghép nội dung kiến thức thành bài học hoặc chủ đề dạy học.
Để tổ chức dạy học sau tinh giản, các nhà trường, tổ chuyên môn phải xây dựng kế hoạch chuyên môn của từng môn học. Giáo viên căn cứ vào đó xây dựng kế hoạch dạy học cho cá nhân, để thực hiện linh hoạt, sáng tạo các bài học, chủ đề. Trong kế hoạch dạy học, giáo viên phải xác định rõ yêu cầu cần đạt của chủ đề, từ đó định hướng phương pháp giảng dạy và phân bổ thời gian hợp lý.
Việc đổi mới kiểm tra đánh giá sẽ theo hướng kết hợp đánh giá bằng nhận xét và điểm số. Đánh giá bằng nhận xét không chung chung mà dựa trên sự tiến bộ của học sinh về thái độ, hành vi, kết quả sản phẩm học tập. Các hình thức kiểm tra đánh giá sẽ đa dạng như: hỏi đáp, viết, thuyết trình, dựa vào sản phẩm học tập. Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm tra đánh giá.
Ông Hồng cho hay tới đây, giáo viên của các tổ chuyên môn sẽ đề xuất nội dung tinh giản, xây dựng chủ đề theo nội dung đã tinh giản. Sản phẩm này được Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh tổng hợp, gửi về Bộ. “Bộ sẽ mời các nhà khoa học nghiên cứu đề xuất của giáo viên để tư vấn cho Bộ ban hành hướng dẫn nội dung tinh giản và thực hiện thống nhất trong toàn quốc. Như vậy, sản phẩm trí tuệ chung, kết hợp cả thực tiễn và khoa học”, ông Hồng nói.
Cô Phạm Thị Kim Sanh, giáo viên trường THPT Trương Vĩnh Ký (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) đánh giá việc tinh giản nội dung dạy học là cần thiết. Lý do là chương trình, sách giáo khoa hiện nay có nhiều nội dung nặng tính hàn lâm, thiếu ứng dụng thực tiễn, nội dung kiến thức một số môn và giữa các lớp học có sự trùng lặp, khiến học sinh chưa hứng thú học tập. “Một học kỳ chúng tôi chỉ tổ chức được một vài buổi cho học sinh học trải nghiệm”, cô Sanh nói.
Trước đó từ năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn yêu cầu các trường tinh giản nội dung dạy học vượt quá nội dung cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình hiện hành. Trường của cô Sanh cũng làm theo nhưng chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Giáo viên này hy vọng nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo tinh giản chương trình và áp dụng thống nhất trên toàn quốc, thầy cô giáo sẽ có thêm thời gian để áp dụng các phương pháp dạy học tích cực, mang lại hứng thú và hiểu biết kiến thức chuyên môn lẫn thực tế cho học sinh.