Hạ tầng giao thông là một trong những đột phá chiến lược và là tiêu chí quan trọng để nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm đầu tư vào địa phương.
Xem Video: Gỡ “điểm nghẽn” giao thông để miền Tây phát triển -Mong đợi của đồng bằng
Ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Tiền Giang cho rằng: Việc phát triển nhanh kết cấu hạ tầng giao thông với phương châm “đi trước một bước” là đòi hỏi bức thiết của thực tiễn, vừa nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, vừa tạo điều kiện bứt phá nhanh trong quá trình xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ cũng như để nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm đầu tư vào địa phương.
Kết nối đồng bộ
Cùng với nỗ lực của tỉnh, sự hỗ trợ từ Bộ Giao thông Vận tải, mục tiêu quy hoạch đường bộ đối với các tuyến Quốc lộ của tỉnh đã cơ bản đạt yêu cầu Quốc lộ 1 đạt cấp II tối thiểu 4 làn xe, Quốc lộ 50 đạt cấp III tối thiểu 2 làn xe, Quốc lộ 60 đạt cấp II tối thiểu 4 làn xe, Quốc lộ 30 đạt cấp III tối thiểu 2 làn xe. Đối với tuyến đường bộ cao tốc hiện nay đang thi công đoạn Trung Lương – Mỹ Thuận, phấn đấu đến hết năm 2020 sẽ thông tuyến, đến Quý II năm 2021 hoàn thành kết nối đoạn đang khai thác TP.HCM- Trung Lương và dự án cầu Mỹ Thuận 2 đang thi công để hoàn chỉnh đoạn tuyến cao tốc qua địa bàn tỉnh kết nối trung tâm kinh tế TP.HCM với vùng ĐBSCL.
Hiện nay, Sở Giao thông Vận tải đang tham mưu UBND tỉnh phối hợp với UBND tỉnh Long An, UBND TP.HCM tập trung triển khai các dự án liên vùng như trục giao thông đô thị TP.HCM– Long An – Tiền Giang, nạo vét luồng hàng hải Soài Rạp, chuẩn bị đầu tư cầu Đồng Sơn nối tỉnh Long An – Tiền Giang… Bên cạnh đó, giao thông đô thị từng bước được cải tạo, nâng cấp và mở rộng, các trục giao thông hướng tâm đang được các nhà đầu tư quan tâm đầu tư đường Nguyễn Trãi nối dài, đường Nguyễn Trọng Dân nối dài ở Thị xã Gò Công, đường Nguyễn Công Bình ở Thành phố Mỹ Tho…
Tỉnh Tiền Giang đang huy động ở mức cao nhất các nguồn lực đầu tư từ ngân sách Trung ương, các thành phần kinh tế, vốn đầu tư nước ngoài để đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội then chốt.
Đặc biệt, Tiền Giang với hệ thống sông kênh dày đặc cùng với các tuyến đường thuỷ nội địa (ĐTNĐ) huyết mạch của khu vực đi qua sông Tiền, kênh Chợ Gạo đảm nhận tới hơn 70% lượng hàng hóa ĐTNĐ vận chuyển giữa TP.HCM và khu vực ĐBSCL có rất nhiều điều kiện và lợi thế để phát triển giao thông vận tải ĐTNĐ. Nhằm phát huy tối đa các ưu thế đó, thời gian vừa qua, Trung ương cũng như địa phương đã tạo nhiều điều kiện cũng như dành nhiều nguồn lực đầu tư để phát triển ĐTNĐ. Song cũng như nhiều địa phương ở ĐBSCL, hệ thống giao thông vận tải ĐTNĐ của Tiền Giang vẫn chưa thể phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương do còn nhiều bất cập cần giải quyết như: Nguồn vốn đầu tư cho ĐTNĐ vẫn còn rất nhiều hạn chế, chưa cân bằng với nhu cầu cũng như sản lượng vận tải của giao thông ĐTNĐ; các doanh nghiệp trong lĩnh vực ĐTNĐ chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, thiếu chiến lược dài hạn. Do đó, năng suất của vận tải thủy vẫn duy trì ở mức thấp, thời gian vận tải kéo dài cả ở khâu vận chuyển cũng như bốc xếp dẫn đến thiếu cạnh tranh so với vận tải đường bộ.
Đổi mới phương thức đầu tư
“Hạ tầng giao thông của tỉnh đang cần rất nhiều nguồn lực đầu tư. Vì vậy huy động nguồn lực ngoài Nhà nước để triển khai các công trình trọng điểm là yêu cầu cấp thiết. Thời gian tới chúng tôi sẽ tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, đổi mới trong phương thức đầu tư với hình thức đầu tư hợp tác công – tư (PPP); chủ động tháo gỡ khó khăn và đồng hành cùng doanh nghiệp, góp phần củng cố niềm tin cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong và ngoài nước. Song song với đó là thực hiện cơ cấu lại đầu tư, đẩy nhanh GPMB, tập trung vốn cho các dự án động lực, có sức lan tỏa lớn”- ông Bon nhấn mạnh.
Trên thực tế, tỉnh Tiền Giang đang đề ra những giải pháp hữu hiệu huy động ở mức cao nhất các nguồn lực đầu tư từ ngân sách Trung ương, các thành phần kinh tế, vốn đầu tư nước ngoài để đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội then chốt như: hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư; đẩy mạnh cải cách hành chính cải thiện môi trường đầu tư; đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư; phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương, huy động tham gia của các doanh nghiệp thu hút mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đầu tư xây dựng; thực hiện nghiêm công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các hoạt động đầu tư.
Đối với các công trình sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, bên cạnh việc đề nghị HĐND, UBND tỉnh tăng mức đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông (KCHTGT) bằng ngân sách nhà nước, ưu tiên đầu tư cho những công trình giao thông trọng điểm, sẽ phải sắp xếp thứ tự ưu tiên, bố trí đủ nguồn lực đầu tư, sớm đưa công trình vào khai thác, sử dụng phát huy hiệu quả, tạo ra đột phá lớn, tránh đầu tư dàn trải.
“Tỉnh đang lập Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Tiền Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngành Giao thông vận tải sẽ tích cực phối hợp để hoàn thiện làm cơ sở quản lý, chỉ đạo công tác đầu tư phát triển, bảo đảm hiệu quả đầu tư, phát triển cân đối, hài hòa tổng thể giữa các lĩnh vực, nâng cao chất lượng và có tầm nhìn dài hạn đối với quy hoạch hệ thống KCHTGT, bảo đảm phù hợp với các quy hoạch ngành quốc gia”- ông Bon cho biết.