Thương mại điện tử Việt nắm bắt cơ hội từ Covid-19

Covid-19 khiến nhiều người lần đầu mua hàng qua mạng, các doanh nghiệp phát triển kênh phân phối số, doanh thu tăng vọt và bán được sản phẩm giá trị cao.

Theo đánh giá của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) tại Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam diễn ra vào 25/6, đại dịch toàn cầu vừa mang đến thử thách cho thị trường thương mại điện tử, nhưng đồng thời lại là chất xúc tác làm thay đổi mạnh mẽ hành vi người tiêu dùng.

Giai đoạn thử thách rơi vào tháng 2-4, gây ra bởi hầu hết hoạt động kinh tế xã hội bị ngưng trệ, thương mại nội địa cũng như quốc tế bị gián đoạn, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc thậm chí đóng cửa, giải thể.

Tuy nhiên ở mặt tích cực, dịch Covid-19 cũng tạo ra những hành vi tiêu dùng mới có lợi cho mảng trực tuyến. Thứ nhất, ngay trong đỉnh dịch thì người tiêu dùng Việt Nam vẫn giữ được sự lạc quan và nhanh chóng chuyển mạnh sang kênh mua sắm trực tuyến. Minh chứng cho quan điểm này, ông Nguyễn Bình Minh – Ủy viên Ban chấp hành Vecom dẫn nghiên cứu của Nielsen tại Việt Nam chỉ ra có đến 35% số người được khảo sát dành nhiều thời gian hơn xem nội dung trực tuyến, 25% tăng các hoạt động mua sắm trực tuyến.

Thương mại điện tử Việt Nam đón nhận tín hiệu tích cực trong đại dịch.

Thương mại điện tử Việt Nam đón nhận tín hiệu tích cực trong đại dịch.

Thứ hai, các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử hầu như giữ nguyên được đội ngũ nhân sự trong ba tháng cao điểm của dịch và hầu hết sẽ tăng nhân sự trong nửa thứ hai của năm 2020. Các doanh nghiệp này cũng hiểu rõ cơ hội mới bắt nguồn từ cộng đồng mua sắm trực tuyến đông hơn và tin tưởng hơn vào kênh mua sắm trực tuyến. Cộng hưởng vào cơ hội mới này là cả hai phía đã tiếp cận sâu hơn tới những công nghệ, giải pháp, nền tảng hậu thuẫn kinh doanh và mua sắm trực tuyến.

“Rất nhiều người lần đầu tiên mua hàng qua mạng. Có cả những mặt hàng giá trị cao trước giờ người ta e ngại mua qua mạng thì giờ đã có thể bán trực tuyến. Nhiều doanh nghiệp chưa online cũng bắt đầu bán hàng qua mạng”, ông Đặng Hoàng Hải – Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thuộc Bộ Công Thương đánh giá.

Đồng quan điểm trên, ở góc độ đội ngũ vận hành một thương mại điện tử quy mô lớn, bà Vũ Thị Ánh Tuyết – Chánh Văn phòng Lazada Việt Nam cho biết Covid-19 thực chất mang đến nhiều khởi sắc. Người tiêu dùng có nhu cầu mua sắm tăng rõ rệt. Những người chưa mua online thì trong dịch đã thử mua, còn nhóm đã từng mua qua mạng trước đó thì sẵn sàng mua những món hàng trước đó họ chưa mua bao giờ.

Không chỉ về phía người mua hàng mà cả các nhà bán hàng cũng có thể cảm nhận được cú hích trong mùa dịch. Số lượng nhà bán hàng mới trong quý I/2020 tăng gấp 8 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Bà Vũ Thị Ánh Tuyết - Chánh Văn phòng Lazada Việt Nam trình bày tại Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam 2020.

Bà Vũ Thị Ánh Tuyết – Chánh Văn phòng Lazada Việt Nam trình bày tại Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam 2020.

“Những nhà bán hàng tận dụng nguồn lực của các kênh mua sắm trực tuyến không chỉ đã giảm thiểu thiệt hại mà còn mở rộng cơ hội kinh doanh và chiến thắng về doanh thu ngay trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp lớn còn khó khăn, lao đao”, bà Tuyết nói.

Lãnh đạo Lazada lấy ví dụ về những gian hàng trên Lazada đã có mốc phát triển ngoạn mục trong nửa đầu năm 2020. Đơn cử như chị Trương Thị Tâm – chủ gian hang Myphamhuucospa có mức doanh thu tăng 14 lần so với trước dịch, nhờ tăng số lượng livestreaming lên 2,5 lần. Chủ shop Nhã My nhờ tăng cường các buổi giới thiệu sản phẩm trên kênh trực tuyến cũng tăng doanh thu lên 1,5 lần.

Bên cạnh các người bán hàng đơn lẻ, Lazada cũng ghi nhận nhiều doanh nghiệp thuần túy offline cũng chuyển đổi số thành công, tạo ra kênh phân phối mới ngay trong dịch. Điển hình có Sagrifood chỉ mới lên sàn trong tháng 4, tuy nhiên doanh nghiệp bán lẻ thực phẩm tươi sống này nhanh chóng tận dụng nền tảng online. Kết quả là trong đợt sale diễn ra vào trung tuần tháng 6 vừa qua “Sale Hè rực rỡ”, Sagrifood ghi nhận số đơn hàng tăng gấp 40 lần so với ngày thường. Xưởng giày Minh Nhân cũng là “trường hợp điển hình” theo bà Tuyết khi thu về mỗi ngày 200-300 đơn hàng mỗi ngày, tạo công việc cho 20 nghệ nhân.

Tuy nhiên, đại diện sàn thương mại điện tử cũng đánh giá không phải nhà bán hàng khi “lên app” cũng thành công ngay lập tức, mà cần quá trình học tập, biết cách sử dụng công cụ, nguồn lực sẵn có mà các sàn thương mại điện tử cung cấp như tính năng live streaming, cổng thanh toán điện tử, bảng phân tích khách hàng…

Chỉ những cửa hàng có thể tận dụng Lazada để cung cấp trải nghiệm thông minh, an toàn và thông suốt cho khách hàng, thì mới có thể xoay chuyển nghịch cảnh, tạo nên cú hích doanh số. “Kể cả trước và trong Covid-19, chúng tôi ghi nhận nhóm rất đông nhà bán hàng tập hợp thành cộng đồng. Họ hướng dẫn nhau phát triển kinh doanh, lên chương trình bán hàng, tận dụng công cụ livestream, đọc số liệu phân tích doanh thu ra sao”, bà Ánh Tuyết nhấn mạnh rằng những nỗ lực của Lazada trong việc hình thành hệ sinh thái đã tạo ra trái ngọt là những câu lạc bộ, hội nhóm nhà bán lẻ.

Nắm bắt cơ hội mới bắt nguồn từ nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng, Lazada tiên phong mở ngành hàng thực phẩm tươi sống

Nắm bắt cơ hội mới bắt nguồn từ nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng, Lazada tiên phong mở ngành hàng thực phẩm tươi sống

Bên cạnh những công cụ sẵn có, Lazada cũng chủ động kích cầu tiêu dùng, giúp các nhà bán lẻ đón đà phục hồi của nền kinh tế sau dịch bệnh khi mới đây sàn này tung chiến dịch ưu đãi lớn nhất giai đoạn giữa năm “Sales hè rực rỡ”. Trong chương trình diễn ra từ 18-22/6, sàn này khuyến mãi đến 90% cho sản phẩm đến từ hơn 1.000 thương hiệu thuộc nhiều ngành hàng. Doanh nghiệp còn mạnh tay tung chính sách vận chuyển miễn phí không giới hạn cho toàn bộ đơn hàng trong khung 12-13h ngày 18/6 và miễn phí cho các đơn hàng 149.000 đồng và 49.000 đồng liên tiếp những ngày sau.

Các chuyên gia cũng đánh giá rằng tác động của dịch bệnh sẽ còn lan tỏa trong giai đoạn nửa cuối năm, mở ra thêm cánh cửa mới cho các sàn thương mại điện tử. Trong bức tranh tương lai gần, ông Nguyễn Ngọc Dũng – Phó chủ tịch Vecom cũng cho rằng các nhà bán lẻ thương mại điện tử có thể nắm bắt nhóm khách hàng đang đẩy mạnh mua sắm sau thời gian dài gián đoạn hoạt động du lịch, mua sắm bởi dịch bệnh.

“Người ta xài nhiều hơn vào hàng hiệu, hàng giá trị cao hay tiết kiệm để mua sắm thiết yếu hơn đều là cơ hội cho nhà bán lẻ”, lãnh đạo Vecom nhìn nhận lạc quan, phấn khích về thị trường thương mại điện tử sắp tới. Vecom dự đoán tốc độ tăng trưởng của năm 2020 sẽ tiếp tục duy trì trên 30% và quy mô thị trường này sẽ vượt con số 15 tỷ USD.

Bảo An

Nguồn bài viết

Bài trướcDịch COVID-19 khiến nhiều ‘ông lớn’ lao đao
Bài tiếp theoCEO Mai Kiều Liên hé lộ tham vọng của Vinamilk khi mở chuỗi cà phê