Thực hành tiếng Anh thế nào cho hiệu quả?

Để tự thực hành tiếng Anh đạt hiệu quả nhất, cùng với việc biên soạn giáo trình, phải có một cuộc cách mạng trong tư duy người dạy lẫn người học.

Trong hai bài viết trước, anh Phan Dũng, 38 tuổi, giảng dạy ngôn ngữ Anh, đã chỉ ra việc người Việt thiếu phương pháp luận khi dạy và học tiếng Anh. Hôm nay, anh tiếp tục với chủ đề thực hành tiếng Anh như thế nào để có thể sử dụng nhuần nhuyễn cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.

Từ lâu nay, một tư tưởng đã thành mặc định là học tiếng Anh chỉ cần thực hành nhiều là giỏi. Nghe nhiều là nghe giỏi, nói nhiều là nói giỏi, viết đi viết lại là viết giỏi và đọc nhiều tự khắc sẽ biết hết. Nếu như vậy mà giỏi tiếng Anh thì khác gì bảo cứ lái xe ra đường cho nhiều khắc biết lái xe.

Nhiều người đánh đồng con đường trở thành giỏi tiếng Anh của một bộ phận người học là có điều kiện tiếp xúc thường xuyên, được vây quanh bởi môi trường sử dụng tiếng Anh, hoặc có năng khiếu nhất định về thẩm thấu ngôn ngữ cũng như khả năng bắt chước, và cả mặt nào đó là thiên hướng hướng ngoại, hoạt ngôn, dạn dĩ.

Câu hỏi đặt ra số đông còn lại không được như vậy thì phải làm sao? Đó là chưa kể, lấy ví dụ thực hành giao tiếp, để có thể nói một câu, bộ não người thường bị quá tải vì cần xử lý cùng lúc quá nhiều thứ: tìm kiếm lựa chọn từ vựng, tổ chức câu cú ngữ pháp, phát âm như nào, ngữ điệu ra làm sao…, thứ nào cũng mông lung mơ hồ ngoài tầm với. Hệ quả tất yếu sẽ là tâm lý sợ sai ngại nói, xấu hổ, tự ti, mất niềm tin và đi đến bỏ cuộc.

Giải pháp ở đây chính là khái niệm tự thực hành. Nếu như lý thuyết cần có thực hành mới có thể nhuần nhuyễn cho sử dụng thực tế, trong khi môi trường thực hành chưa có hoặc đơn giản chưa đến lúc phát sinh nhu cầu, thì tự thực hành chính là thứ giúp thỏa mãn cả hai phía. Nó chẳng khác gì công đoạn lái xe mô hình trong trường lái hay tập bắn hình nhân trên thao trường.

Thầy Phan Thế Dũng. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Thầy Phan Thế Dũng. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Tự thực hành bao gồm đọc và đọc. Đó chính là đọc hiểu (đọc trầm, nhìn câu chữ hiểu nội dung). Đọc hiểu là một kênh giao tiếp. Chúng ta không nhất thiết phải đi gặp một ai đó mới gọi là giao tiếp với họ. Đọc các bài hội thoại, đọc bài viết, về bản chất cũng là các câu nói từ người bản địa phát ra, thậm chí còn là những câu nói chuẩn mực nhất, do những chuyên gia hàng đầu về ngôn ngữ thực hiện. Chỉ khác là chúng ta thay vì dùng tai nhận biết thì dùng mắt.

Khi đọc, chúng ta thực hành kiến thức về câu cú đã học, đặc biệt về cú pháp. Đọc hiểu nhiều thì đương nhiên sẽ học được nhiều cách nói/viết đồng thời mở rộng vốn từ ngữ bằng chính văn cảnh, điều tối quan trọng trong học từ vựng. Tích lũy dạng câu, tích lũy từ vựng giống như một quá trình dồn nén, để đến lúc cần sử dụng tự động sẽ bung ra.

Đọc thứ hai là đọc to thành lời, tương tự tập đọc tiếng Việt ở cấp tiểu học. Thật khó hiểu khi đây là quá trình quan trọng và không hề xa lạ trong học tiếng Việt, lại hoàn toàn không được sử dụng trong học tiếng Anh. Quá trình tập đọc cần được thực hiện ở hai cấp độ: đọc từng từ rời rạc nhằm phát âm tròn vành rõ chữ, đặt tông giọng đúng độ cao quy định; và đọc liền mạch một câu trọn vẹn. Tự thực hành đọc nên được thực hiện trên chính những câu do người học tự viết ra tương ứng trình độ, kiến thức câu và từ vựng bản thân, với phiên âm kèm theo.

Khác với bắt người học nói ra một câu, khi còn ngổn ngang khó khăn về việc tạo lập câu thế nào cho đúng, sử dụng từ nào cho phù hợp, phát âm ra sao, thì tập đọc với hình thức trên sẽ giúp thoát khỏi gánh nặng và phân tâm câu chữ, tập trung hoàn toàn vào một việc. Mặt khác, đó cũng chính là những câu nói mà người học sau này có cơ hội sử dụng. Và tất nhiên, so với việc nghe mò mẫm từng từ cho đến từng câu, người học có thể phát ra tương tự cách người bản địa nói, chắc chắn khi nghe họ nói sẽ quen thuộc và dễ hơn rất nhiều.

Để tự thực hành đạt hiệu quả nhất, về phía người dạy, điều tiên quyết là chấp nhận từ bỏ vai trò trung tâm, là tiêu chuẩn của đúng sai, đưa người học vào thế lệ thuộc. Cần học cách chấp nhận sự “đúng, chuẩn” nằm ở công thức có thể kiểm chứng chứ không phải ở những gì mình đưa ra, hướng dẫn vun xới cho quá trình tự thực hành của người học, và nếu có thể, truyền cảm hứng.

Phần lớn người dạy hiện bị lầm lẫn giữa hai khái niệm truyền cảm hứng và mua vui cho người học. Truyền cảm hứng chỉ đáng biểu dương nếu người dạy tạo hứng thú nhưng vẫn đưa được người học vào những khuôn khổ tư duy cần có. Mua vui thì khiến người học vui vẻ chốc lát, nhưng lại trượt qua một cách dễ dãi hời hợt, không tạo ra được năng lực tư duy có tính hệ thống, xâu chuỗi, logic, học một chỉ biết một mà thôi. Nó có hại cho quá trình tự học, vốn chiếm 90% thành công trong học ngoại ngữ.

Đối với người học, cần hình thành tư tưởng học để thoát ly người dạy, học để tự học. Dĩ nhiên muốn làm được điều đó thì cần đòi hỏi và hướng vào tiêu chuẩn chuẩn mực, thế nào là đúng, thế nào là hay, tất cả đều phải nhìn vào tiêu chuẩn đó. Có như vậy mới thực sự làm chủ kiến thức, mới tạo ra được niềm hứng thú tự học, tự thực hành.

Anh Phan Dũng (tên đầy đủ Phan Thế Dũng) tốt nghiệp Học viện Ngoại giao năm 2004, từng giảng dạy ngôn ngữ Anh tại một số quốc gia Đông và Tây Phi trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ phát triển giữa Quỹ Dominial Capital và địa phương (Business Education Program).

Năm 2017-2018, anh Dũng tham gia dự án nâng cao năng lực giao tiếp và giữ gìn ngôn ngữ Anh sử dụng trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn “Improving literacy, preserving language, and providing inclusion using AI and big data” do Quỹ Dominion Capital tài trợ.

Hiện anh Dũng là chủ nhiệm chương trình khơi nguồn cảm hứng học tiếng Anh cho cộng đồng với hàng nghìn lượt lớp học miễn phí (online và offline).

Phan Dũng

Nguồn bài viết

Bài trước8 người siêu giàu có thói quen chi tiêu kỳ lạ
Bài tiếp theob‌ỏ vốn 30 triệu khởi nghiệp, cô gái 29 tuổi mua được nhà riêng và ô tô sau 3 năm