Thủ tướng chỉ thị bố trí nhân viên tư vấn tâm lý trong trường phổ thông | Giáo dục

Ngày 6.12, website Chính phủ  đăng Chỉ thị 31/CT-TTg  của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên, trong đó có đề nghị các tỉnh xem xét bố trí nhân viên làm công tác tư vấn tâm lý trong trường phổ thông.  

Một bộ phận có biểu hiện lệch chuẩn

Theo Chỉ thị, Thủ tướng cho biết thời gian qua, công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên đã đạt được những kết quả tích cực, phần lớn  học sinh- sinh viên (HS-SV) có đạo đức tốt, kính trọng ông bà, cha mẹ, thầy cô giáo, người lớn tuổi; có tinh thần đoàn kết, tích cực học tập, rèn luyện, tu dưỡng; có ý thức chấp hành pháp luật tốt, lối sống đẹp, lành mạnh; có lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc; tham gia các hoạt động về cộng đồng. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận HS-SV chưa có ý thức học tập tốt, có biểu hiện lệch chuẩn về đạo đức, lối sống; tình trạng bạo lực học đường, tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật vẫn còn diễn ra.
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho HS-SV  vẫn chưa được các cấp, các ngành quan tâm đúng mức; sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội còn thiếu đồng bộ, chặt chẽ. Vẫn còn một số thầy, cô giáo chưa thực sự là tấm gương về đạo đức, lối sống; nội dung và phương pháp giáo dục đạo đức, lối sống chậm đổi mới, chưa phù hợp với thực tiễn…
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, thực hiện chủ trương “dạy chữ” đi đôi với “dạy người”  Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GD-ĐT tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho HS-SV thông qua các hoạt động giáo dục, đào tạo và trải nghiệm cũng như chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật  về xây dựng trường học an toàn, lành mạnh, thân thiện. Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT có trách nhiệm tiếp tục rà soát đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy môn học giáo dục đạo đức, các môn học chính khóa và các hoạt động giáo dục khác có liên quan; triển khai các giải pháp thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống cho HS-SV; tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên; chỉ đạo xử lý kịp thời, nghiêm minh các trường hợp vi phạm đạo đức, lối sống.

Bố trí nhân viên tư vấn tâm lý trong trường học

Thủ tướng cũng chỉ đạo Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường công tác quản lý và chịu trách nhiệm về công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho HS-SV thuộc phạm vi quản lý. Ngoài ra, cần tạo điều kiện để phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa hiện có phục vụ nhu cầu tập luyện thể dục thể thao, vui chơi, giải trí lành mạnh của HS-SV cũng như tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đạo đức, lối sống theo quy định.


Thủ tướng chỉ thị bố trí nhân viên tư vấn tâm lý trong trường phổ thông - ảnh 1

Đặc biệt, Thủ tướng chỉ đạo Chủ tịch UBND các tỉnh cũng xem xét bố trí nhân viên làm công tác tư vấn tâm lý trong trường phổ thông phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương và bảo đảm không làm tăng biên chế. 



Nguồn bài viết

Bài trướcCổ phiếu Masan giảm, cổ phiếu Vingroup tăng sau sáp nhập mảng bán lẻ | Tài chính – Kinh doanh
Bài tiếp theoVì sao doanh nghiệp Việt khởi nghiệp thất bại đến 30% ngay trong quá trình ươm tạo