Thu ngân sách nhà nước thấp nhất 7 năm

Tiến độ thu ngân sách nửa đầu năm thấp nhất 7 năm do nguồn thu thuế, phí giảm và sẽ còn khó khăn hơn trong nửa cuối năm.

Tại cuộc họp vào sáng nay (7/7), Bộ Tài chính cho biết tổng thu ngân sách nhà nước 6 tháng ước đạt 44% dự toán, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm 2019. Nếu thu từ cổ phần hóa đạt tiến độ dự toán cộng với số thuế đã gia hạn thì đạt khoảng trên 48% dự toán.

Đây là năm có tiến độ thu ngân sách thấp nhất kể từ năm 2013. Trong đó, thu nội địa đạt 44% dự toán, giảm 7%, thu dầu thô đạt gần 60% dự toán, giảm 29%, thu cân đối từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 43% dự toán, giảm 22% so với cùng kỳ 2019.

Sản xuất kinh doanh trong nước gặp nhiều khó khăn, xuất khẩu và tiêu dùng nội địa đều ở mức thấp, giá dầu thô giảm sâu cùng với giải pháp tài khoá phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tác động lớn đến cân đối thu, chi ngân sách.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng tại sự kiện sáng nay (7/7). Ảnh: Bộ Tài chính.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng tại sự kiện sáng nay (7/7). Ảnh: Bộ Tài chính.

Đối với thu nội địa, thu từ 3 khu vực kinh tế đều đạt thấp. Cụ thể, thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 37% dự toán, giảm gần 22%, thu từ doanh nghiệp FDI đạt 42% dự toán, giảm 6%, thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 37% dự toán, giảm 15%.

Cả nước có 34 trên 63 địa phương thu 6 tháng đạt trên 50% dự toán, nếu không kể thu tiền sử dụng đất, xổ số thì chỉ có 14 địa phương thu đạt trên 50% dự toán.

Lãnh đạo nhiều địa phương cho biết kinh tế khu vực tăng trưởng âm hoặc dưới 1% trong nửa đầu năm nhưng thu ngân sách vẫn tăng được hoặc chưa bị ảnh hưởng nhiều do có nguồn thu từ năm 2019. Tới quý III và quý IV, thu ngân sách sẽ rất khó khăn do nguồn thu thuế của quý trước bị sụt giảm.

Trong bối cảnh này, nhiều địa phương đẩy mạnh tăng thu đất và thu xổ số bù nguồn hụt thu từ thuế và phí. Hầu hết địa phương vẫn không giảm mục tiêu dự toán thu năm nay, đẩy mạnh tăng nguồn thu khác và cắt giảm chi ngân sách.

Đến hết tháng 6 ước, tổng chi ngân sách đạt gần 42% dự toán. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 33% dự toán, chi trả nợ lãi đạt 50% dự toán, chi thường xuyên đạt 48% dự toán.

Tại cuộc họp, Thủ tướng yêu cầu “rà soát các chi phí có thể giảm và làm đến nơi đến chốn các khoản phải thu để bù đắp ngân sách”. Bộ Tài chính cũng chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương kiểm soát chặt chẽ chi ngân sách, triệt để tiết kiệm, bố trí trong dự toán được giao cho các khoản chi quan trọng.

Theo đó, các đơn vị rà soát cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, công tác phí trong và ngoài nước và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2020, chưa điều chỉnh lương cơ sở với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1/7.

Bộ Tài chính cho biết cân đối ngân sách trung ương và ngân sách địa phương 6 tháng đầu năm được đảm bảo. Bộ đã phát hành 96.100 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, với kỳ hạn bình quân hơn 14 năm, lãi suất bình quân 2,99% một năm, thấp hơn vay ưu đãi nước ngoài, đảm bảo nguồn đáp ứng các nhiệm vụ chi. Đồng thời, Bộ tài chính cũng đã đàm phán một số khoản vay có chi phí thấp từ các tổ chức quốc tế nhằm giảm áp lực vay trong nước.

Quỳnh Trang

Nguồn bài viết

Bài trướcTriển khai hiệu quả Nghị quyết 02/NQ-CP
Bài tiếp theoGiá cá tra thấp, nhiều hộ nuôi cá ở ĐBSCL lỗ nặng