Thiếu cơ sở vật chất, một trường học Bình Phước từ chối tuyển đủ chỉ tiêu lớp 10 | Giáo dục

Ngày 8.9, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Phước Lý Thanh Tâm cho biết ngày mai (9.9) sẽ có buổi làm việc với Trường THPT Đồng Xoài (TP.Đồng Xoài) cùng với cơ quan chức năng để làm rõ việc từ chối nhận chỉ tiêu học sinh lớp 10 năm học 2020 – 2021.
Trước đó, ngày 24.3 UBND TP.Đồng Xoài đã có văn bản phân bổ 550 chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 năm học 2020 – 2021 đối với Trường THPT Đồng Xoài. Ngày 8.6, Sở GD-ĐT tỉnh Bình Phước cũng có quyết định giao chỉ tiêu tương tự.
Tuy nhiên đến nay, Trường THPT Đồng Xoài không thực hiện tuyển đủ chỉ tiêu được giao dù Sở GD-ĐT tỉnh Bình Phước đã có công văn nhắc nhở phải hoàn thành việc xét tuyển trong ngày 4.9.

Trong khi đó, Hiệu trưởng Trường THPT Đồng Xoài Trần Quang Đông có công văn phản hồi, trong năm học 2020 – 2021 nhà trường dự kiến tuyển khoảng 400 học sinh có học lực giỏi, khá, hạnh kiểm tốt để đào tạo tài năng.


 


Thiếu cơ sở vật chất, một trường học Bình Phước từ chối tuyển đủ chỉ tiêu lớp 10 - ảnh 1

Sở GD-ĐT tỉnh Bình Phước đề nghị trường THPT Đồng Xoài xét tuyển đảm bảo chỉ tiêu được giao

Qua kết quả xét tuyển, Trường THPT Đồng Xoài cho rằng đã tuyển 419 học sinh, vượt chỉ tiêu.

Liên quan đến việc yêu cầu tuyển sinh thêm học sinh lớp 10, văn bản này cho rằng: “Quyết định ngày 8.6.2020 của Sở GD-ĐT tỉnh Bình Phước và công văn ngày 24.3.2020 của UBND TP.Đồng Xoài là quan liêu, thiếu thực tế”.

Trường THPT Đồng Xoài dẫn lý do để từ chối: “Thiếu giáo viên,thiếu phòng học, thiếu bàn ghế nhưng chưa được UBND TP, Sở GD-ĐT hỗ trợ; phòng học nhỏ, có phòng thì phải ngồi 52 em/lớp. Việc Sở GD-ĐT ép trường nhận thêm 150 học sinh nữa, trường không thể nhận thêm”.

Theo tìm hiểu của Thanh Niên, hiện có nhiều học sinh đăng ký nguyện vọng 2 tại Trường THPT Đồng Xoài cùng phụ huynh đang lo lắng, sốt ruột và chưa biết có được xét tuyển hay không và học ở đâu. Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Phước Lý Thanh Tâm cho biết, những băn khoăn này sẽ được giải quyết sau cuộc họp ngày mai.




Nguồn bài viết

Bài trướcThu hút dòng vốn FDI có chọn lọc
Bài tiếp theoCảm phục tấm gương lên núi nuôi lợn rừng, thu 2 tỷ đồng/năm