Những con đường hoa
Là bởi, cái nút giao thông này nhiều xe lắm. Rất nhiều lần tôi bị mắc mưa, khi từ hướng Q.1 chạy về. Trời âm âm nhưng không gió, chợt thấy mây đùn lên ở phía xa xa Gò Vấp, trong thanh âm náo nhiệt hối hả người xe. Vừa trờ đến ngã tư đông đặc người tứ phía dồn về, chờ lâu mới có đèn xanh, vậy là đứng chịu trận mỗi khi mưa ào xuống không trở tay kịp. Dừng xe lại mà chẳng lấy được áo mưa bởi không có chỗ len chân để bước xuống. Những ngày mưa bất chợt cứ thế đi về…
Rẽ vào đoạn này, là có nhiều con đường mang tên hoa: Hoa Hồng, Hoa Sứ, Hoa Lan… mà ngay từ lúc thành phố mới có quyết định đặt tên, tôi đã kịp lui tới khu vực này để viết bài, khi những dự án mọc lên để cải tạo một khu vực trước đó khá “lộn xộn”, là “điểm giao” giữa các quận 1, Bình Thạnh và Phú Nhuận. Lúc nhận quyết định đặt tên đường như vậy, cứ hình dung chắc hẳn nhiều cư dân khu vực này rất vui, vì có tên đẹp. Và hình như cũng chỉ Phú Nhuận mới có một “quần thể” các đường mang tên hoa co cụm lại như thế.
|
Chuyện trung tâm tiệc cưới
|
Tên đường, tích cũ
Theo Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, thì Q.Phú Nhuận vào thuở xa xưa, khoảng cuối thế kỷ 17, được gọi là thôn Phú Nhuận, thuộc tổng Bình Trị, phủ Tân Bình. Cái tên Phú Nhuận có hàm ý là mong muốn giàu có trù phú. Vào trước 1975, ở Phú Nhuận có 3 tên đường được đặt tên 3 vị vua triều Nguyễn là Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức và đồng thời có cả sự hiện diện của Hoàng đế Quang Trung với tên đường Nguyễn Huệ, sau đó được đặt là đường Thích Quảng Đức.
Nhưng con đường lớn và khá dài, ngày trước gọi là đại lộ có tên Võ Tánh, thuộc Gia Định (nay là đường Hoàng Văn Thụ), là tên một vị công thần triều Nguyễn. Dù trước năm 1975 có học bài sử về vụ tuẫn tiết của 2 danh tướng là Võ Tánh và Ngô Tùng Châu khi tử thủ thành Quy Nhơn vào năm 1801, trang sách có in minh họa cả bản vẽ về trận chiến công thành với ngọn lửa trùm tứ phía, song tôi cũng không quên lần giở lại quyển Việt Nam sử lược của học giả nổi tiếng Trần Trọng Kim để biết thêm về vị danh thần này.
|
Ở trang 394, bản đặc biệt vào quý 3 năm 2019 do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành của cuốn danh sử này có đoạn nói về Võ Tánh (trong sách ghi là Võ Tính) rằng: “Quân Tây Sơn bị đánh phá nhiều lần, thường nói rằng “trong bọn tam hùng đất Gia Định, Võ Tính là anh hùng bậc nhất, không nên phạm đến”. Nhưng rồi anh hùng thời tao loạn cũng có lúc gặp phải bước đường cùng. Võ Tánh và Ngô Tùng Châu (sách Việt Nam sử lược ghi là Ngô Tòng Chu) lúc bị quân của Trần Quang Diệu, một tướng Tây Sơn vây thành, liệu bề khó chống đỡ, lúc đã cạn hết lương thực, “bèn viết thư sai người đưa ra thành cho Trần Quang Diệu nói rằng: “Phận sự ta làm chủ tướng, thì đành liều chết ở dưới cờ. Còn các tướng sĩ không có tội gì, không nên giết hại”. Đoạn rồi sai người lấy rơm cỏ chất ở dưới lầu Bát giác, đổ thuốc súng vào tự đốt mà chết. Quan hiệp trấn là Ngô Tòng Chu cũng uống thuốc độc tự tử” (Việt Nam sử lược, trang 407).
Bây giờ, như đã nói trên, con đường Hoàng Văn Thụ đã được mở rộng hơn nhiều, và đường Ngô Tùng Châu (thuộc tỉnh Gia Định, nay là đường Nguyễn Văn Đậu) cũng là một tuyến lộ huyết mạch nối với Q.Gò Vấp. Những dư vang của trận chiến thành Quy Nhơn năm ấy sử sách cũng đều ghi rõ. Lại nữa, lăng của vị danh tướng Võ Tánh vẫn còn hiện diện ở đường Hồ Văn Huê, thuộc P.9, Q.Phú Nhuận, và được nhà nước liệt vào hạng di tích.
Lịch sử hàng trăm năm của Sài Gòn – Gia Định vẫn lưu dấu nhiều câu chuyện của một giai đoạn biến động thăng trầm, song mỗi khi lần giở lại những trang sử viết về tên đất, tên người và tên đường tự xưa đến nay, hồi ức ấy vẫn là một niềm trân trọng với các bậc tiền nhân, bởi những “xung động lịch sử” của hơn 300 năm về trước, vẫn luôn là một “chỉ dấu” cho thế hệ mai sau nhìn và ngẫm…
Ngã tư Phú Nhuận là nơi tỏa đi các hướng, với đường Phan Đăng Lưu về Q.Bình Thạnh, Phan Đình Phùng về Q.1, Hoàng Văn Thụ về Q.Tân Bình và Nguyễn Kiệm về Q.Gò Vấp. Q.Phú Nhuận được xem là quận nội thành TP.HCM hiện có 15 phường, được đánh số từ 1 đến 17. Điều đặc biệt quận này không có 2 phường đánh số 6 và 16 (?). Có 61 đường có tên, trong đó có 9 con đường mang tên các loài hoa. Phú Nhuận có 163.000 người với mật độ dân số 33.700 người/km2, đứng thứ 7 trong số 24 quận huyện của TP.HCM (theo thống kê tháng 4.2019).
|