Thầy giáo 8 năm dạy bơi miễn phí

Quảng TrịMỗi buổi chiều mùa hè, thầy Nguyễn Viết Tước, 45 tuổi, lại ngâm mình dưới kênh thủy lợi dạy bơi miễn phí cho học trò.

Đám học trò đứng xem một nhóm thực hành cách đập chân ở lớp dạy bơi của thầy Tước. Ảnh: Hoàng Táo

Học trò đứng xem một nhóm thực hành cách đạp chân ở lớp dạy bơi của thầy Tước. Ảnh: Hoàng Táo.

Lớp học bơi bắt đầu lúc 16h các ngày trong tuần ở kênh thủy lợi qua xã Hải Hưng, huyện Hải Lăng. Đứng lớp là thầy giáo Tước, dạy thể dục tại trường Tiểu học và THCS Hải Vĩnh.

Con kênh thủy lợi nước trong vắt, rộng khoảng 5 m, sâu ngang ngực người lớn, được thầy Tước chia thành hai ô ngăn cách bởi ba cây tre vắt ngang kênh. Dưới kênh, đám trẻ chia thành từng tốp 6-8 em thay nhau bám vào cây tre tập đập chân. Phía sau, thầy Tước một tay nâng đầu gối, một tay đặt ở gót chân, cách mặt nước khoảng gang tay để hướng dẫn các em làm đúng động tác. Nước do các em quẫy lên tung toé vào mặt thầy giáo già.

Sau bài tập đạp chân, các em tập bơi xuôi kênh thủy lợi, lặn người qua cây sào tre thứ hai, rồi tiếp tục bơi về đích. Một số em mệt, chuyển sang bơi ngửa hoặc tấp vào bờ. Tiếng cười đùa, tiếng đập nước bì bõm vang cả quãng đồng. Mỗi buổi chiều thường có hai lớp học bơi gối đầu nhau, khi lớp này xuống bơi thì lớp kia khởi động trên bờ, học đến khi mặt trời tắt nắng, thường là 18h-18h30.

Thầy Tước hướng dẫn cách đập chân cho một học trò. Ảnh: Hoàng Táo.

Thầy Tước hướng dẫn cách đập chân cho một học trò. Ảnh: Hoàng Táo.

Nhiều năm về trước, khi còn dạy thể dục ở vùng rốn lũ xã Hải Hòa, huyện Hải Lăng, thầy Tước chứng kiến nhiều vụ đuối nước thương tâm mỗi khi lũ về. “Nạn nhân đều là học trò của mình cả”, thầy Tước bộc bạch. Khi chuyển về dạy ở xã Hải Hưng, thầy Tước bắt đầu mở lớp dạy bơi miễn phí cho học trò quanh xã.

Thầy giáo khảo sát các hồ tôm, ao cá quanh vùng nhưng nước không thích hợp để dạy bơi lâu dài. Cuối cùng, thầy chọn kênh thủy lợi vì nước sạch, chảy liên tục và an toàn. “Lúc mới mở lớp, nhiều phụ huynh e dè khi cho con đi học, nhưng sau vài buổi, thấy con em tiến bộ nên mọi người rất phấn khởi”, thầy Tước kể.

Lớp học đông dần và duy trì mỗi mùa hè 160 đến 180 em, ở độ tuổi từ lớp ba trở lên. Qua tám năm, thầy Tước dạy bơi cho khoảng 1.500 em, trong đó có nhiều em ở các xã và thị trấn lân cận, thậm chí sinh viên về quê nghỉ hè. Trong mỗi buổi học, trẻ được hướng dẫn kỹ thuật bơi, thở dưới nước, kỹ năng phòng tránh và cứu người đuối nước. Mỗi em cần 10-15 buổi để bơi thành thạo, những em nhỏ hoặc chậm hơn cần khoảng 20 buổi để tự nổi, bơi được 10-15 m.

Những năm đầu, thầy Tước tự bỏ tiền mua dụng cụ, làm bến bãi và vệ sinh chỗ học. Sau này, một số phụ huynh, mạnh thường quân và đoàn viên của xã hỗ trợ thầy Tước một số dụng cụ cũng như giúp đỡ quản lý, hướng dẫn các em học bơi. Một số người còn tặng bánh kẹo, sữa cho các em.

Tám năm qua, thầy Tước dạy bơi cho 1.500 học trò ở con kênh thuỷ lợi này. Ảnh: Hoàng Táo

Tám năm qua, thầy Tước dạy bơi cho 1.500 học trò ở con kênh thủy lợi này. Ảnh: Hoàng Táo.

Ngồi trên bờ xem hai cháu nội lớp 2 và 4 học bơi, ông Nguyễn Đức Nghĩa (70 tuổi, trú thôn Lam Thủy, xã Hải Hưng) nói rất vui mừng khi có lớp học bơi của thầy Tước. “Nhờ lớp học, trẻ vùng rốn lũ đã biết bơi, sau này có gặp lũ lụt thì tránh được tai nạn”, ông Nghĩa nói.

Ba năm qua, mùa hè nào cũng tham gia lớp học bơi của thầy Tước, Nguyễn Huy Hoàng (học lớp 5C trường Tiểu học và THCS Hải Vĩnh), nói: “Thầy giúp cháu biết bơi và có các kỹ năng để giúp bạn khi đuối nước”.

Với thầy Tước, hạnh phúc lớn nhất là sau tám mùa hè nắng gắt, xã Hải Hưng không có học sinh đuối nước. Các em biết cách ứng cứu người đuối nước, không tự mình xuống giúp mà hô hoán, tìm người lớn kêu cứu.

Khi mặt trời gần tắt nắng, thầy Tước gọi tất cả học sinh lên bờ rồi chia nhóm thi bơi. Kết thúc chặng bơi, dù nhanh hay chậm, các em đều vui vẻ. Khi học trò đạp xe về nhà, thầy Tước lặng lẽ tháo ba thanh tre, thu dọn phao bơi và dụng cụ tập luyện rồi mới về nhà.

Hoàng Táo