Tại sao giá smartphone ngày càng cao

Màn hình, vi xử lý và camera là ba yếu tố chủ chốt khiến cho giá bán điện thoại ngày một tăng cao.

Ba năm trước, khi iPhone X trình làng, giá trung bình của smartphone cao cấp bước sang đỉnh mới, trên dưới 1.000 USD. Tuy vậy, gần đây, trước sự chững lại của nền kinh tế toàn cầu, các nhà sản xuất phải hứng chịu sự sụt giảm đáng kể về doanh số đối với các mẫu điện thoại “hi-end” – giá trên 1.000 USD.

Để đối phó với tình hình, nhiều hãng buộc phải chuyển sang các mẫu smartphone tầm trung. Năm nay, thị trường chứng kiến sự đổ bộ của hàng loạt smartphone trung cấp tới từ các gương mặt quen thuộc trong phân khúc cao cấp như Apple, Samsung hay LG. Sản phẩm những hãng này đưa ra có kiểu dáng, chức năng tương tự các model cao cấp nhưng được bán với giá dễ chịu hơn, dao động từ 300 đến 600 USD (khoảng 7 đến 14 triệu đồng) tương ứng từ phân khúc giá rẻ đến trung cấp.     

Trước sự biến động của giá bán điện thoại, nhiều người đặt ra những câu hỏi kiểu như: “Liệu mức giá như vậy đã được coi là rẻ chưa?”, “Tại sao những thiết bị nhỏ như thế kia mà lại có giá cao đến vậy?” hay “Nếu giá của các model cao cấp là trên dưới 1.000 USD, điện thoại ở giá khoảng bao nhiêu mới được coi là rẻ?”.

Để trả lời những câu hỏi này, trang Korea Herald đã phân tích các dữ liệu từ công ty nghiên cứu thị trường HIS Markit để làm rõ những yếu tố nào đang khiến giá bán smartphone bị đội lên.

Giá smartphone ngày một tăng cao.Ảnh: Gizmochina.

Giá smartphone ngày một tăng cao.Ảnh: Gizmochina.

Màn hình – ‘mặt tiền’ của smartphone

Bên cạnh chip, đây là một trong linh kiện quan trọng nhất với smartphone và được coi là yếu tố quyết định việc thành bại của sản phẩm. Theo IHS Markit, màn hình “đục lỗ” AMOLED 6,87 inch của Galaxy S20 Ultra 5G được cung cấp bởi Samsung Display có giá thành khoảng 75 USD (1,7 triệu đồng) một chiếc. Màn hình này bao gồm module cảm biến vân tay sử dụng sóng siêu âm và có tốc độ làm tươi 120 Hz. Trong khi đó, mẫu Galaxy A50 tầm trung sử dụng màn hình AMOLED 6,4 inch có giá thành thấp hơn ba lần so với Galaxy S20 Ultra.

Theo Samsung Display, nhà cung cấp tầm nền smartphone lớn nhất thế giới, công nghệ màn hình OLED dẻo sử dụng trong điện thoại cao cấp hoàn toàn khác biệt so với công nghệ OLED cứng dùng trên model tầm trung. “Hai công nghệ OLED này khác nhau từ những bo mạch cơ bản nhất”, một quan chức của hãng giải thích. Trong khi công nghệ OLED dẻo làm từ Polyimide cho phép tấm nền trở nên mỏng, nhẹ và linh hoạt hơn, màn hình OLED cứng chỉ làm hoàn toàn từ thuỷ tinh.

Màn hình của Galaxy Ultra Display sử dụng công nghệ Y-OCTA giúp tích hợp thẳng lớp cảm ứng lên tấm nền. Công nghệ này cho phép cải thiện hiệu suất của cảm biến cảm ứng so với kiểu sử dụng lớp cảm ứng riêng biệt thường thấy.  “Nhìn chung, công nghệ OLED dẻo cho phép các nhà sản xuất có thêm nhiều ‘đất’ sáng tạo, tiết kiệm diện tích bên trong thiết bị hơn khi lắp đặt màn hình và thay vào đó là tối ưu không gian cho các linh kiện khác như pin. Chính vì vậy, giá thành của thiết bị sẽ cao hơn”, đại diện Samsung Display nói.

Chip, bộ não của điện thoại

Giá thành của linh kiện này có phần thấp hơn đôi chút so với màn hình. Áp dụng chiến lược sử dụng sản phẩm của nhiều nhà cung ứng khác nhau, Samsung hiện tại có hai hãng cung cấp chip chính gồm Qualcomm với chip Snapdragon và chip Exynos từ công ty con của chính họ.

Đối với dòng Galaxy S20, các model sử dụng chip Snapdragon được sản xuất nhiều hơn. Tuy vậy, hãng không giải thích lý do. Giá thành của chip Snapdragon 865 dùng trên S20 Ultra khoảng 54 USD (khoảng 1,2 triệu đồng) một chiếc. Bên cạnh chip Snapdragon, mẫu điện này còn đòi hỏi phải có bộ xử lý băng tần riêng biệt nhằm hỗ trợ kết nối 5G. Chip 5G sử dụng trên smartphone cao cấp nhất của Samsung do Qualcomm cung cấp và có giá thành là 74 USD (hơn 1,7 triệu đồng).
Các tính năng quyết định giá thành của chip xử lý trên di động. Ví dụ, chip Snapdragon 450 sử dụng công nghệ 14 nm dùng trên mẫu LG Q7 giá rẻ ra mắt năm 2018 có giá khoảng 8 USD (hơn 190.000 đồng). Trong khi đó, chip Snapdragon 865 mới nhất dùng công nghệ 7 nm có kích thước nhỏ hơn, tốc độ xử lý cao hơn 20%, tốc độ đọc RAM cũng nhanh hơn, hỗ trợ băng thông bộ nhớ nhiều hơn… Samsung cũng có một dòng vi xử lý riêng ở phân khúc giá rẻ là Exynos 9610 với giá thành khoảng 14,9 USD (hơn 350.000 đồng), được sử dụng trên các mẫu Galaxy A50.

“Vi xử lý là linh kiện thiết yếu , quyết định hiệu suất của smartphone. Giá cung ứng chip xử lý được quyết định bởi việc sản phẩm có thể thực hiện được bao nhiêu tác vụ với tốc độ bao nhiêu và mức độ tiêu tốn năng lượng của chúng”, đại diện của công ty sản xuất chip bán dẫn Samsung cho biết.

Camera – ‘trái tim’ của điện thoại

Đối với nhiều người, camera đang trở thành yếu tố quan trọng khi chọn mua smartphone. Đó cũng là lý do khiến điện thoại gắn bó ngày một mật thiết đối với người dùng.

Xu hướng mới nhất trên thị trường là điện thoại được tích hợp hệ thống nhiều ống kính, cho phép chụp ảnh chất lượng cao không thua kém máy ảnh chuyên dụng. Vì vậy, hệ thống camera gắn trên điện thoại càng phức tạp, giá bán của smartphone sẽ càng cao.

Theo dữ liệu của IHS Markit, Galaxy S20 Ultra sở hữu hệ thống ống kính đắt đỏ nhất hiện nay với giá thành khoảng 89,17 USD (hơn 2 triệu đồng) cho một đơn vị. Mẫu điện thoại của Samsung có hệ thống ba ống kính chính, trong đó có một ống kính góc rộng 108 “chấm” đầu tiên trong ngành công nghiệp đi kèm cảm biến Depth Vision. Về phần mình, Apple trang bị cho mẫu iPhone 11 Pro Max cao cấp nhất của hãng hệ thống camera có giá thành 42,4 USD (khoảng 990.000 đồng). Cũng giống Galaxy S20 Ultra, iPhone 11 Pro Max cũng có ba camera chính với ống kính 12 “chấm”, một camera selfie và một cảm biến 3D hồng ngoại.

“Giá của các modulen camera phụ thuộc vào những yếu tố như cảm biến chụp ảnh, ống kính và hệ thống điều khiển. Hệ thống điều khiển là mô-đun giúp hỗ trợ các tính năng cao cấp như tự động lấy nét hay cân bằng hình ảnh quang học”, đại diện Samsung Electro-Mechanics, nhà cung cấp chính camera cho smartphone của hãng Hàn Quốc cho biết

Trong khi đó, Galaxy A50 sử dụng máy ảnh 25 Megapixel nhưng mô-đun này có giá thành chỉ 19,30 USD (khoảng 450.000 đồng) và không hỗ trợ ổn định hình ảnh quang học. Nguồn tin nói thêm số “chấm” trên camera không ảnh hưởng đáng kể đến giá bán.

Các linh kiện khác

Bên cạnh ba linh kiện quan trọng nhất, điện thoại còn có nhiều thành phần khác như bộ nhớ, pin, bảng mạch quản lý điện năng tích hợp, bộ thu phát sóng, bộ giải mã âm thanh, Bluetooth… Dữ liệu của IHS cho thấy pin là phần linh kiện khá rẻ. Ví dụ, một viên pin 5.000 mAh tích hợp trên S20 Ultra, vốn được coi là mức dung lượng cao nhất ngành công nghiệp, cũng chỉ có giá khoảng 5,87 USD (khoảng 140.000 đồng) một viên.

Khi cộng toàn bộ giá các linh kiện lại với nhau, kết quả thu được vẫn thấp hơn nhiều so với giá bán lẻ. Phần chênh lệch này đến từ các yếu tố không nhìn thấy được bao gồm các chi phí liên quan đến: nghiên cứu và phát triển, sản xuất, logistics, bán hàng, marketing cùng các hoạt động cần thiết khác để đưa sản phẩm ra thị trường.

“Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến giá bán và thi thoảng, một chiếc điện thoại gắn mác giá rẻ lại được bán ở mức không rẻ như tính toán ban đầu”, đại diện một nhà sản xuất thiết bị cho biết. Ví dụ, LG Q7 tung ra vào năm 2018 có giá bán là 404 USD (khoảng 9,4 triệu đồng). Mặc dù sử dụng linh kiện giá rẻ hơn các đối thủ như Samsung hay Apple, giá bán của model này lại không thấp như kỳ vọng bởi khả năng sản xuất của công ty không đảm bảo được yêu cầu thị trường. Trong khi đó, Samsung lại thành công hơn với các mẫu smartphone tầm trung bởi năng lực sản xuất của họ có thể đáp ứng được nhu cầu của thị trường đại chúng.

Yến Oanh (theo KoreaHerald)

Nguồn bài viết

Bài trướcVietlott chuẩn bị phát hành qua mạng viễn thông
Bài tiếp theoWB: Kinh tế toàn cầu năm nay tệ nhất gần 8 thập kỷ