Sự thay đổi trong tư duy mua nhà của người Việt

Anh Tâm chấp nhận bán lỗ căn hộ đang ở để chuyển đến một khu đô thị khác bởi chán cảnh không có tiện ích, nhà xuống cấp dù mới mua được vài năm.

Căn hộ hai phòng ngủ rộng 60m2 ở Từ Liêm, Hà Nội được anh Nguyễn Minh Tâm (32 tuổi) mua khi gia đình có thành viên mới vào năm 2013. Ngày đó, thị trường bất động sản đóng băng nên giá nhà đất giảm mạnh, nhiều chủ đầu tư tung khuyến mãi khủng để hút khách nên anh chốt luôn một căn vì nghĩ “giá khá hời”. 

Tuy nhiên, niềm vui ngắn chẳng tày gang khi dọn về sinh sống, anh Tâm nhận ra sai lầm khi quá quan tâm tới giá cả, chấp nhận mua căn hộ tiện ích ít ỏi, không gian sống ngột ngạt… Tòa nhà anh sống cao 30 tầng nhưng chỉ có 4 thang máy và khoảng sân nhỏ cho cư dân vui chơi, siêu thị, cửa hàng tiện lợi cách xa căn hộ. 

“Mỗi ngày, tôi mất gần 15 phút để chờ thang máy giờ đi làm. Nhà lại nhanh xuống cấp, nhiều mảng tường bong chóc, ngấm nước. Trước đây, nhà chỉ để ở nhưng giờ, tôi cần một không gian sống đúng nghĩa”, anh Tâm nói.

Tiêu chí mua nhà dần thay đổi

Nhiều người mua căn hộ chung cư khi loại hình nhà ở này mới bùng nổ ở Việt Nam cũng gặp vấn đề tương tự như anh Tâm khi đặt yếu tố giá cả lên hàng đầu, sau đó mới đến vị trí, chủ đầu tư, chất lượng sống. Giữa lúc thị trường bắt đầu suy thoái và đóng băng, một nhóm khách hàng có nhu cầu ở thực vẫn chấp nhận mua nhà bởi giá giảm mạnh, hưởng nhiều chính sách từ chủ đầu tư. 

“Để đẩy hàng, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng chiết khấu, tặng quà đến cả trăm triệu để hút người mua nhà. Tuy nhiên, chất lượng công trình, hệ thống tiện ích lại không nhắc tới”, một chuyên gia môi giới bất động sản nói.

Ngày càng nhiều chung cư cao tầng được xây dựng tại Hà Nội. Ảnh: Giang Huy.

Một góc Hà Nội chụp từ trên cao. Ảnh: Giang Huy.

Thực tế, hàng loạt các vụ kiện cáo xảy ra tại nhiều dự án chung cư ở các đô thị lớn. Nếu các dự án chưa đi vào hoạt động, chủ đầu tư và cư dân kiện nhau về tiến độ dự án, lãi suất đóng tiền theo tiến độ… thì tại các căn hộ đã bàn giao, họ không tìm được tiếng nói chung về phí dịch vụ. Lúc này, người dân bắt đầu có tâm lý dè chừng hơn khi xuống tiền mua nhà.

Giai đoạn từ 2014-2018, thị trường chứng kiến nhiều trường hợp lùm xùm về mặt pháp lý. Một số chủ đầu tư triển khai dự án khi chưa được cấp phép, bán dự án khi chưa hoàn thiện giấy tờ, thiếu thẩm định thông tin… khiến nhiều người dân rơi vào cảnh mua nhà nhưng không thể ở. Lúc này, người dân bắt đầu quan tâm hơn về tính pháp lý, uy tín của chủ đầu tư trước khi cân nhắc các yêu tố về vị trí, chất lượng công trình…

Theo khảo sát các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam công bố tháng 2/2019 của Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), hơn 90% khách hàng cho rằng “uy tín chủ đầu tư” là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất tới quyết định mua nhà. Những tiêu chí còn lại bao gồm: giá cả, vị trí thuận lợi, chất lượng, thiết kế, dịch vụ khách hàng, tiện ích nội ngoại khu và quy trình mua. Người dân bắt đầu có xu hướng chọn mua các căn hộ của chủ đầu tư uy tín, có đầy đủ tiện ích.

Thay đổi môi trường sống vì dịch bệnh, ô nhiễm

Bên cạnh bài toán của riêng thị trường bất động sản, tình trạng ô nhiễm, dịch bệnh cũng khiến tâm lý mua nhà của người dân thay đổi. Những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm không khí ngày một nghiêm trọng khiến khái niệm bất động sản xanh được nhiều người quan tâm. Hàng loạt dự án xanh, thân thiện với môi trường được tung ra thị trường.

Covid-19 bùng nổ khiến thị trường bất động sản trầm lắng hơn được xem là “cú bồi” cho sự thay đổi tư duy đổi tư duy của người mua nhà. Nếu như trước đây, ông Tâm cho rằng, nhà chỉ là nơi để ở thì sau thời gian giãn cách xã hội, việc thiếu tiện ích, sân chơi khiến ông suy nghĩ về việc chuyển nhà.

Các chuyên gia cho rằng, dịch bệnh khiến con người quan tâm hơn đến hệ thống y tế và cung cấp nhu yếu phẩm. Về cư trú, mọi người sẽ nhận ra tầm quan trọng của một không gian sống được quy hoạch bài bản, mật độ xây dựng thấp, an toàn và đầy đủ tiện ích.

Tại nhiều sàn giao dịch bất động sản, dù thị trường trầm lắng, lượng khách hàng tìm hiểu về phân khúc nhà ở cao cấp trong các khu đô thị đa tiện ích của chủ đầu tư uy tín lại tăng mạnh. “Sau khi dịch bệnh đi qua, dòng sản phẩm này sẽ khan hàng, thậm chí là tăng giá vì nhu cầu tăng cao trong khi nguồn cung không nhiều”, một chuyên gia nhận định.

Vị này cho rằng, các dự án có đầy đủ tiện ích ngay trong nội khu thường có giá cao hơn, song, trong bối cảnh hiện nay, giá cả không còn quá quan trọng. “Mua nhà nhiều tiện ích, giá có cao hơn nhưng nếu chia đều cho các chi phí được thụ hưởng sẽ là giá cực kỳ hợp lý. Trong khi đó, mua nhà không có hạ tầng, không có pháp lý, không có tiện ích sau này lại công sức, thời gian, tiền bạc”, chuyên gia khẳng định.

Phối cảnh dự án Vinhomes Smart City.

Phối cảnh dự án Vinhomes Smart City.

Tại Hà Nội, dù thị trường khó khăn, các dự án của Vinhomes vẫn ghi nhận sức mua tốt. Báo cáo kết quả kinh doanh quý I của đơn vị này cho thấy doanh thu và lợi nhuận lần lượt tăng trưởng hơn 11% và gần 185% so với cùng kỳ. Các dự án đại đô thị như Vinhomes Ocean Park, Vinhomes Smart City tại Hà Nội hay Vinhomes Grand Park ở TP HCM được nhiều khách hàng đánh giá cao bởi hệ thống tiện ích đa dạng, đáp ứng mọi nhu cầu từ ở, vui chơi, giải trí, giáo dục đến y tế của người dân. 

Đợt này, chủ đầu tư cũng tung ra nhiều ưu đãi cho người mua nhà kèm theo nhiều chính sách bán hàng linh hoạt. Ngoài mô hình mua bán nhà trực tuyến, doanh nghiệp còn tặng voucher mua xe trị giá đến 200 triệu cho người dân. Ông Tâm cũng vừa chốt mua một căn hộ 3 phòng ngủ tại dự án Vinhomes Smart City để gia đình có thể trải nghiệm không gian sống hoàn toàn mới.

Tâm Anh

Nguồn bài viết

Bài trướcLenovo ra mắt bộ đôi laptop IdeaPad mỏng và nhẹ mới | Công nghệ
Bài tiếp theoTìm lỗi sai trong tranh