Soya Garden – từ tham vọng chuỗi lớn tới mô hình ki-ốt

Từ thương vụ đầu tư thành công nhất của Shark Tank Việt Nam hai mùa đầu, Soya Garden đang phải đóng nhiều cửa hàng lớn để chuyển sang mô hình ki-ốt.

Một tháng sau khi lệnh cách ly xã hội được dở bỏ, nhiều cửa hàng của chuỗi kinh doanh thức uống từ đậu nành Soya Garden đóng cửa hàng loạt. Tại TP HCM, các cửa hàng mặt tiền đường lẫn trung tâm thương mại ở khu vực Phú Nhuận, Tân Phú, Gò Vấp đề đã treo bảng cho thuê mặt bằng.

Một cửa hàng của Soya Garden ở Phan Đăng Lưu (Phú Nhuận, TP HCM) vừa dỡ biển hiệu. Ảnh: Nguyệt Nhi.

Một cửa hàng của Soya Garden ở Phan Đăng Lưu (Phú Nhuận, TP HCM) vừa dỡ biển hiệu. Ảnh: Nguyệt Nhi.

Một số địa điểm thậm chí đã tháo dỡ toàn bộ cơ sở vật chất cũ, không còn nhận ra dấu hiệu của Soya Garden trước đây. Tương tự, tại Hà Nội, một số cửa hàng ở các quận như Ba Đình, Thanh Xuân, Đống Đa cũng không còn hoạt động.

Động thái của Soya Garden lập tức gây chú ý khi Covid-19 đẩy nhiều đơn vị kinh doanh F&B rơi vào khó khăn, phải sang quán, trả mặt bằng. 

‘Chỉ chuyển đổi mô hình kinh doanh’

Trả lời với VnExpress, Nhà đồng sáng lập kiêm CEO Soya Garden Hoàng Anh Tuấn cho biết, không có chuyện chuỗi này sẽ đóng cửa. “Chúng tôi chỉ đang tái cấu trúc để chuyển đổi sang mô hình mới”, ông nói.

Theo ông Tuấn, chuỗi Soya Garden hiện còn duy trì 6 cửa hàng tại TP HCM và 18 cửa hàng tại Hà Nội. Đợt thu hẹp quy mô vừa rồi tập trung chủ yếu tại TP HCM. 

“Những cửa hàng giữ lại đến nay đều đang hoạt động tốt. Trong quá trình tái cấu trúc, chúng tôi đóng các cửa hàng không hiệu quả bởi chi phí mặt bằng, nhân công và các chi phí khác cao”, ông Tuấn giải thích.

Về kế hoạch tái cấu trúc, ông Hoàng Anh Tuấn cho biết sẽ chọn hướng mở các cửa hàng quy mô nhỏ dưới 20 chỗ và dạng ki-ốt để tập trung nhiều hơn vào hình thức bán mang đi và giao hàng. Dự kiến, cuối năm nay đến đầu năm sau, sẽ có khoảng 20-25 cửa hàng ki-ốt được mở. 

“Đó là xu hướng chuyển đổi tất yếu khi thị trường cần một giải pháp kinh doanh hiệu quả hơn. Tất nhiên, chúng tôi vẫn giữ lại một số cửa hàng flagship to đẹp để tạo dấu ấn thương hiệu”, ông Tuấn cho biết.

Theo lãnh đạo Soya Garden, trong giai đoạn dịch, mô hình bán mang đi và giao hàng tại Hà Nội khá hiệu quả. Các cửa hàng dưới 20 chỗ, vốn có tỷ trọng bán 40-45% mang đi, nay tỷ lệ đó tăng hơn vào mùa dịch. Các cửa hàng nhỏ có chi phí vận hành và hiệu quả hoạt động tốt hơn khá nhiều so với cửa hàng lớn. “Do đó, chúng tôi tập trung tái cấu trúc chuỗi ở phía Nam theo hướng đó”, ông Tuấn cho biết.

Soya Garden được Hoàng Anh Tuấn và chị gái Hoàng Thu Thủy sáng lập vào năm 2016, giữa cơn lốc trà sữa nhượng quyền. Anh Tuấn tin rằng, sau cà phê và trà, sữa đậu nành sẽ là một lựa chọn mới, đặc biệt là dòng thức uống có nguồn gốc hữu cơ. Ngoài ra, thị trường Việt Nam cũng chưa có hệ thống chuỗi lớn chuyên về sữa đậu nành. Người tiêu dùng chủ yếu tiếp cận qua các kênh đóng chai/hộp, bán nhỏ lẻ hay tự nấu.

Startup này thực sự được chú ý khi huy động 20 tỷ đồng năm 2018 từ Tập đoàn Egroup của Shark Nguyễn Ngọc Thủy sau khi tham gia “Shark Tank – Thương vụ Bạc tỷ” mùa 2. Đến đầu năm 2019, Egroup nâng mức đầu tư thành 45 tỷ cho Soya Garden. Nhận được vốn lớn, từ 2 cửa hàng, Soya Garden công bố đã tăng trưởng vượt trên 1.500%, đạt mốc hơn 30 cửa hàng tính đến hết tháng 4/2019, số lượng khách hàng trung thành lên đến gần 500.000 lượt mỗi tháng.

Sau 3 năm thành lập, tháng 4/2019, Egroup nâng tổng mức đầu tư lên 100 tỷ đồng, tương đương gần 5 triệu USD, biến Soya Garden trở thành thương vụ đầu tư lớn nhất và thành công nhất của Shark Tank Việt Nam hai mùa đầu. Khi được rót vốn, CEO Hoàng Anh Tuấn nói mục tiêu ngắn hạn là đạt mốc 100 cửa hàng trong năm 2019 và 300 cửa hàng vào năm 2021, đồng thời đặt chân đến những thị trường khác trong khu vực như Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản. 

Một cửa hàng của Soya Garden trưa 30/5 tại Lotte Gò Vấp (TP HCM). Ảnh: Nguyệt Nhi.

Một cửa hàng của Soya Garden trưa 30/5 tại Lotte Gò Vấp (TP HCM). Ảnh: Nguyệt Nhi.

Cuối 2019 khi chạm mốc 50 cửa hàng toàn quốc cũng là lúc chuỗi bắt đầu đóng bớt các cửa hàng không hiệu quả và tìm hiểu hướng đi mới, khác với tham vọng ban đầu.

Ông Hoàng Anh Tuấn cho biết, hiện các cửa hàng của Soya Garden tương đối lớn, có nơi quy mô đến 70-80 chỗ ngồi nên chi phí mặt bằng và nhân viên rất cao. Thay phải đó, mô hình mới hướng đến cửa hàng ki-ốt sẽ tầm 30m2 hoặc dưới 20 chỗ ngồi. Các cửa hàng này chủ yếu bán mang đi nhưng nếu khách cần vẫn có một số chỗ ngồi.

“Quan trọng là, với mô hình nhỏ, chi phí vận hành, mặt bằng, nhân công đều thấp. Một cửa hàng lớn cần 5-6 nhân sự mỗi ca trong khi cửa hàng nhỏ chỉ cần 2 nhân sự là vận hành được”, ông Tuấn phân tích và cho biết từ tháng 10/2019 công ty đã phát triển ứng dụngbán hàng online.

Nói thêm về ưu điểm của mô hình ki-ốt, ông Tuấn cho rằng, cửa hàng nhỏ thì độ phủ sẽ len lỏi vào trong những khu dân cư, văn phòng dễ hơn. Bởi lẽ, phần lớn khách hàng của Soya Garden là nữ văn phòng và người lớn tuổi, vốn là phân khúc tương đối khác biệt so với các thương hiệu chuỗi đồ uống khác.

Ngoài ra, theo vị CEO, chuỗi này có sản phẩm chủ đạo là Beancurd  – một loại thức ăn nhẹ có thành phần chính từ đậu nành – vốn phù hợp bán mang đi, và thậm chí là bán được số lượng lớn. Có khách mua mỗi lần 10-15 hủ Beancurd.

“Đó là một điểm khác biệt và trên thị trường F&B vì hầu như chưa có thương hiệu nào như vậy. Không ai mua cà phê 10-15 ly để bỏ tủ lạnh uống dần cả”, ông Tuấn chia sẻ.

Ông Hoàng Anh Tuấn cho biết, nhà đầu tư Egroup đang hỗ trợ lớn trong quá trình tái cấu trúc Soya Garden. “Đã có một số nhân sự rất nổi tiếng trong ngành F&B đầu quân về cho Egroup. Tầm 1-2 tuần nữa, thông tin những nhân sự hàng đầu về hỗ trợ cho Soya Garden có thể sẽ được công bố”, ông Tuấn cũng nói rằng, trong lần chuyển đổi mô hình kinh doanh này Egroup cũng có hỗ trợ về mặt tài chính.

Viễn Thông

Nguồn bài viết

Bài trướcNhân viên Facebook chia rẽ
Bài tiếp theoTrường học lo cây đổ