Sống cùng ứng dụng – VnExpress Số hóa

Ứng dụng di dộng ngày càng thu thập nhiều thông tin cá nhân, người dùng biết điều đó nhưng vẫn chấp nhận, thoả hiệp và cài đặt.

Dữ liệu từ App Annie cho thấy trung bình mỗi chiếc smartphone sẽ cài 60 đến 90 ứng dụng. Trong đó, 30 cái được dùng hàng tháng và một người sẽ sử dụng khoảng 9 ứng dụng mỗi ngày. Cùng với sự phổ biến của điện thoại thông minh, ứng dụng đang dần trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống, từ tra cứu, chỉ đường, mua sắm đến chăm sóc sức khoẻ…

Người dùng sẵn sàng trao đổi một chút quyền riêng tư để đánh đổi lấy sự tiện lợi của các ứng dụng di động, biến thông tin cá nhân thàn món hàng được săn tìm trên Internet. Ảnh: Telegram.

Người dùng sẵn sàng trao đổi một chút quyền riêng tư để lấy sự tiện lợi, biến thông tin cá nhân thàn món hàng được săn tìm trên Internet. Ảnh: Telegram.

Ban đầu, người dùng thoả hiệp với các nhà phát triển về việc “trao đổi” một chút quyền riêng tư để lấy sự tiện nghi. Một ứng dụng chỉ đường yêu cầu người dùng phải cung cấp chính xác vị trí họ đang đứng để đưa ra lộ trình phù hợp nhất. Một ứng dụng hẹn hò yêu cầu được cung cấp thông tin về giới tính, năm sinh và một vài sở thích để có thể “gợi ý” những người thích hợp nhất. Nghe có vẻ rất hợp lý và người dùng đồng ý ngay với những điều khoản này.

Nhưng đến một ngày, họ phát hiện ra ứng dụng chỉ đường không chỉ truy chính xác vị trí họ đang đứng mà luôn âm thầm theo dấu mọi nơi họ đi qua, kể cả khi không có nhu cầu tìm kiếm đường đi. Người dùng nổi giận. Nhà phát triển lập tức xin lỗi kèm lời giải thích: Những gì họ làm chỉ nhằm mục đích phục vụ tốt hơn cho nhu cầu của người dùng. Ứng dụng sẽ luôn sẵn sàng khi bạn ở bất kỳ nơi đâu. Thậm chí nó còn cá nhân hoá bản đồ của riêng bạn, biết chính xác đâu là nhà, đâu là nơi làm việc, nơi bạn thích đến… Người dùng một lần nữa lại bị thuyết phục, thậm chí họ còn cảm thấy hạnh phúc khi được những công ty toàn cầu như Google, Facebook, Amazon… chăm sóc tỉ mỉ theo đúng nghĩa “khách hàng là thượng đế”.

Nhiều lần “thoả hiệp” như thế khiến người dùng dần coi việc “được” thu thập, truy cập vào những dữ liệu cá nhân là bình thường. Nhưng các nhà phát triển ứng dụng ngày càng “tham lam”. Một ứng dụng hẹn hò không cần truy cập vào máy ảnh, máy ghi âm, danh bạ. Một ứng dụng nhắn tin không cần đọc tất cả nội dung được lưu trên bảng ghi tạm (clipboard) trong máy. Nhưng chúng vẫn cần quyền truy cập và đọc những thông tin ấy.

Vì sao?

Trong kỷ nguyên thế giới số, dữ liệu đã trở thành nhiên liệu của cỗ máy kinh tế trí thức. Dữ liệu người dùng giờ đây là những món hàng được rao bán công khai.

Người dùng một lần nữa tức giận, chỉ trích nặng nề nhà phát triển ứng dụng, thậm chí đâm đơn kiện, kêu gọi tẩy chay. Nhưng trớ trêu thay, họ không thể xoá ứng dụng khỏi điện thoại của mình vì đã quá lệ thuộc vào nó. Đó là lý do vì sao TikTok dù bị chính phủ Mỹ cấm nhưng vẫn phát triển như vũ bão và trở thành ứng dụng được tải nhiều thế giới. Nga gỡ bỏ lệnh cấm Telegram sau hai năm vì có cấm người dân vẫn dùng, bất chấp cảnh báo nguy hiểm.

Ứng dụng di động ban đầu là vị khách qua đường dễ thương, lâu dần trở thành ông chủ khó tính, buộc người dùng phải đánh đổi và chấp nhận chia sẻ thông tin, dữ liệu cá nhân để được sử dụng. Nắm được điểm yếu này, các công ty phát triển ứng dụng di động giờ đây “thách thức” cả những làn sóng tẩy chay.

Đại dịch Covid-19 đã phơi bày mặt tối đáng sợ hơn của các ứng dụng di động: Cài ứng dụng hoặc chết. Trung Quốc là ví dụ tiêu biểu nhất. Khi dịch bệnh bùng phát, chính phủ yêu cầu tất cả người dân phải cài một ứng dụng có tên Mã Y tế Alipay. Họ phải điền đầy đủ thông tin cá nhân, tình trạng sức khoẻ, sau đó được cấp một mã QR với các màu theo trạng thái sức khoẻ. Ứng dụng này không chỉ quyết định ai được phép đi đâu, sử dụng phương tiện gì mà còn giúp chính phủ Trung Quốc kiểm soát dịch bệnh lây lan, tránh những cái chết hàng loạt.

Không lâu sau đó, các ứng dụng theo dõi sức khoẻ tương tự xuất hiện khắp thế giới và người dân được chính phủ khuyến cáo cài đặt, thậm chí bắt buộc. Sức khoẻ, tính mạng lúc này được đặt lên bàn cân và ứng dụng di động bây giờ không còn là trò đùa.

Khi nhấn chọn chấp nhận những trang điều khoản dài dằng dặc, người dùng đã bước chân vào “cuộc chơi” với một tâm thế ngây thơ và trần trụi.

Người dùng có hai suy nghĩ đơn giản: Một là, “mình chỉ chia sẻ một phần rất nhỏ thông tin cá nhân” – nhưng những gì họ đồng ý chia sẻ và những gì nhà phát triển thu thập là hai vấn đề khác nhau. Quan trọng hơn, những mảng dữ liệu nhỏ này nếu được lắp ghép lại một cách khéo léo có thể phơi bày những gì riêng tư, thầm kín nhất mà người dùng đang cố giấu. Hai là, người dùng đang ngày càng thoả hiệp với các yêu cầu “tham lam” của các ứng dụng. Một phần vì họ cần dùng, một phần đến từ hiệu ứng đám đông, rằng cả triệu người trên thế giới giống mình thì cũng không phải sợ.

Nhu cầu người dùng với tính tiện dụng của các ứng dụng và sự tham lam của nhà phát triển như một vòng tròn. Công nghệ đang tiến rất nhanh, trong nhiều trường hợp, luật pháp không đủ mạnh mẽ để bảo vệ quyền riêng tư, thông tin cá nhân trên mạng. Các nhà phát triển ứng dụng cố gắng thể hiện trách nhiệm của mình với cộng đồng bằng cách bảo vệ tốt hơn những dữ liệu họ đã thu thập và được yêu cầu minh bạch hoá mục đích sử dụng. Nhưng người dùng phải có trách nhiệm hơn với thông tin cá nhân của mình. Mỗi người cần hiểu rõ đâu là thông tin nên chia sẻ trên không gian ảo và ứng dụng nào thì nên cài đặt, ứng dụng nào thì không.

Thiên An

Nguồn bài viết

Bài trướcĐồng Nai có hơn 14.000 người lao động mất việc vì COVID-19
Bài tiếp theoChủ tịch Habeco: ‘Không để mất thị phần vào Sabeco, Heineken’