Sinh viên cao đẳng nghề học cơ điện, ô tô theo tiêu chuẩn Đức

5 trường cao đẳng hợp tác Vinfast gồm: Trường Cao đẳng cơ điện Hà Nội, Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội, Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế, Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh và Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng TP HCM. Theo ký kết, học viên sẽ được cấp bằng kỹ sư thực hành của trường và chứng chỉ kỹ thuật viên của VinFast. Hãng xe Việt cũng sẽ hỗ trợ chi phí đào tạo, đảm bảo việc làm sau tốt nghiệp.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Đông – Giám đốc Trung tâm Đào tạo VinFast cho biết thêm, chương trình đào tạo được thiết kế theo mô hình của Đức, và được thẩm định bởi Hiệp hội các phòng Thương mại và Công nghiệp Đức (DIHK).

Điểm nổi bật của chương trình là tỷ lệ thời gian thực hành so với lý thuyết là 70/30. Riêng giai đoạn tại VinFast, sinh viên sẽ được đào tạo theo hình thức Work-based Learning và On-the-Job Training – học từ chính các công việc thực tế trong xưởng của VinFast. Sinh viên sẽ đồng thời được luân chuyển các vị trí khác nhau để đạt được nhiều kỹ năng.

Là một trong những cơ sở đào tạo nghề đi đầu trong việc liên kết với doanh nghiệp và mới đây là Vinfast, ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng cơ điện Hà Nội chia sẻ, trong lĩnh vực sản xuất ô tô, trường ký kết với VinFast triển khai mô hình đào tạo song hành theo chuẩn ngành công nghiệp Đức.

“Đây là mô hình đào tạo khép kín giữa nhà trường và doanh nghiệp, đảm bảo 3 yếu tố quan trọng: Học viên được học lý thuyết tại trường sau đó thực hành với máy móc hiện đại tại nhà máy VinFast với tỷ lệ 30/70 (30% lý thuyết, 70% thực hành); chương trình đào tạo chuẩn quốc tế nên đảm bảo chất lượng đầu ra; học viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp”, ông Ngọc cho biết.

Chương trình liên kết đào tạo giữa VinFast và 5 cơ sở giáo dục nghề nghiệp đầu tiên sẽ bắt đầu từ năm học 2020-2021, chỉ tiêu tuyển sinh toàn quốc 150 học viên. Học sinh trúng tuyển sẽ bắt đầu khóa học từ tháng 9/2020.

VinFast hợp tác nhiều trường cao đẳng đào tạo nghề

Phòng thực hành với máy móc hiện đại tại nhà máy VinFast.

Liên kết đào tạo song hành là mô hình phổ biến tại các nước tiên tiến trên thế giới. Ưu điểm của hình thức này là đảm bảo chất lượng đầu ra nhân sự, đáp ứng đúng nhu cầu thị trường và yêu cầu của các doanh nghiệp. Chia sẻ về hình thức liên kết này, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI Vũ Tiến Lộc khẳng định, chìa khóa trong việc giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động chất lượng hiện nay ở Việt Nam là mở rộng mạng lưới đào tạo nghề, xã hội hóa và làm sao doanh nghiệp phải là chủ thể tham gia trong công tác giáo dục nghề nghiệp này.

“Doanh nghiệp tham gia với tư cách là nhà đầu tư, người đặt hàng, tham gia xây dựng chương trình đào tạo, trực tiếp đào tạo, kiểm tra, cấp bằng và cấp các chứng chỉ về đào tạo nghề nghiệp và sau đó là sử dụng lao động. Khi nào các doanh nghiệp có thể tham gia vào toàn khâu trong các chuỗi giá trị về giáo dục thì lúc đó mới hy vọng tạo ra sự đột phá trong giáo dục nghề nghiệp của chúng ta”, ông Lộc nhìn nhận.

VinFast hợp tác nhiều trường cao đẳng đào tạo nghề - 2

Học viên thực hành tại trung tâm đào tạo của VinFast.

Mặt khác, trong bối cảnh dịch Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, những động thái mới đây như việc Mỹ mời Việt Nam đối thoại với Bộ tứ kim cương để tái cấu trúc chuỗi cung ứng, mang lại cơ hội cho Việt Nam trở thành công xưởng của thế giới. Giới chuyên gia cho rằng, việc tái khởi động lại nền kinh tế sau dịch bệnh và hội nhập quốc tế, chất lượng nguồn nhân lực là thách thức chung nhất của các nước, và là chìa khoá của sự thành công. Quốc gia nào có nguồn nhân lực chất lượng, đặc biệt có kỹ năng nghề giỏi thì sẽ thắng lớn và ngược lại.

Tuy nhiên, trong cuộc hội thảo mới đây, bà Wendy Cunningham, chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, nhiều tập đoàn lớn đang đầu tư vào Việt Nam nhưng lao động trong nước lại chưa sẵn sàng tham gia vào chuỗi cung ứng lao động toàn cầu. Lao động Việt Nam bị đánh giá thiếu kỹ năng thực hành, thường mất nhiều thời gian để đào tạo lại.

VinFast hợp tác nhiều trường cao đẳng đào tạo nghề - 4

Sinh viên học từ chính các công việc thực tế trong xưởng của VinFast.

Đồng quan điểm, ông Vũ Tiến Lộc đưa ra kết quả khảo sát, có 75% doanh nghiệp đang quan tâm đến vấn đề tự động hoá. Theo kế hoạch của các doanh nghiệp trong ba năm tới sẽ tự động hoá 1/4 đến 1/3 các khâu, tức là 25% – 33% việc làm tay chân sẽ được chuyển sang máy móc.

“Sự chuyển dịch tạo ra thách thức cho lao động thiếu kỹ năng, và cũng là cơ hội cho lao động có tay nghề. Chiến tranh thương mại, dịch bệnh… càng thúc đẩy nhanh hơn việc tự động hóa, nên nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua đẩy mạnh công tác đào tạo nghề là vấn đề quan tâm bậc nhất trong chương trình nghị sự của chúng ta”, Chủ tịch VCCI nói.

Trong khi đó, theo quy hoạch phát triển nhân lực, Việt Nam cần 34,4 triệu lao động qua đào tạo nghề, chiếm 78% tổng lực lượng lao động qua đào tạo trong toàn bộ nền kinh tế. Tuy nhiên, bên cạnh tình trạng “thừa thày thiếu thợ”, trong tổng số hơn 54 triệu lao động hiện tại, mới có 24% lao động đang làm việc qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ – tương ứng khoảng 13 triệu lao động.

Thế Đan

Nguồn bài viết

Bài trướcVăn Phú – Invest chú trọng không gian sống thông minh
Bài tiếp theoThuduc House sẽ bán chợ đầu mối nông sản Thủ Đức | Tài chính – Kinh doanh