Sản xuất của Đài Loan vẫn tăng trưởng xuyên đại dịch

Sản xuất công nghiệp của Đài Loan vẫn tăng trưởng sau vài tháng đại dịch, nhưng rủi ro ở phía trước cũng không ít.

Cho đến nay, nền kinh tế Đài Loan vẫn tăng trưởng xuyên mùa dịch. Sản xuất công nghiệp tăng 1,5% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này thấp hơn mức tăng trưởng 4,2% trong tháng 4 nhưng theo đánh giá của chuyên gia kinh tế cấp cao châu Á Gareth Leather tại Capital Economics, vẫn mạnh hơn nhiều so với hầu hết nền kinh tế châu Á khác.

Trong tháng 5, Hàn Quốc và Singapore đều ghi nhận tăng trưởng âm trong sản xuất công nghiệp. Chuyên gia cho rằng, gần Trung Quốc nhưng Đài Loan chỉ có 447 trường hợp nhiễm Covid-19 và 7 trường hợp tử vong trên dân số 24 triệu người. Thành công của hòn đảo này nhận được đánh giá cao của cộng đồng thế giới về chiến lược sàng lọc sớm và kiểm soát biên giới.

Một lý do quan trọng khác là Đài Loan không bao giờ tiến hành khóa chặt nền kinh tế. Vì vậy, các nhà máy sản xuất vẫn tiếp tục hoạt động như bình thường. Trong khi đó, nhu cầu các sản phẩm điện tử, được thúc đẩy bởi sự gia tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng 5G và nhu cầu làm việc tại nhà. “Sự gia tăng này không duy trì mãi nhưng nó cũng đã giúp Đài Loan vượt qua giai đoạn suy thoái tồi tệ nhất toàn cầu”, ông Gareth Leather đánh giá.

Bên ngoài một trụ sở của Foxconn. Ảnh: EPA

Bên ngoài một trụ sở của Foxconn. Ảnh: EPA

Ngay cả trước khi đại dịch xảy ra, nền kinh tế Đài Loan đã có dấu hiệu phục hồi trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ – Trung, giúp nhà lãnh đạo Thái Anh Văn tiếp tục thắng cử nhiệm kỳ thứ hai hồi tháng 1.

Nick Marro, Trưởng khối thương mại toàn cầu của Economist Intelligence Unit cho rằng, các chính sách của Đài Bắc năm 2019 khuyến khích nhà sản xuất Đài Loan tại Trung Quốc hồi hương về hòn đảo đã dẫn đến gia tăng đầu tư khá lớn và đà này có thể vẫn tiếp tục.

Mặt khác, vì xem Đài Loan là một phần của Trung Quốc nên Bắc Kinh cung cấp quyền tiếp cận thị trường đặc biệt cho các doanh nghiệp Đài Loan so với các công ty nước ngoài. Trung Quốc cũng làm điều này để cố gắng tránh sự phụ thuộc công nghệ và nhập khẩu của Mỹ. Do đó, Đài Loan cũng có cơ hội xuất khẩu sang thị trường đông dân nhất thế giới.

Tuy nhiên, dù có nhiều điểm tích cực, thách thức vẫn chờ đón Đài Loan. Theo Nick Marro, nền kinh tế này nhìn chung phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu và nhu cầu bên ngoài. Vì vậy tăng trưởng năm nay vẫn sẽ bị ảnh hưởng do sự gián đoạn thương mại và du lịch. Năm ngoái, Đài Loan đạt mức tăng trưởng 2,7%. Còn năm nay, Capital Economics dự báo nền kinh tế này sẽ giảm 2%.

Căng thẳng công nghệ giữa Trung Quốc và Mỹ cũng mang lại rủi ro cho Đài Loan. Hòn đảo này là nhà cung cấp chính các bộ phận điện tử và chất bán dẫn cho cả các công ty Trung Quốc và Mỹ.

Gần đây, gã khổng lồ bán dẫn Đài Loan TSMC đã buộc phải lựa chọn khi Mỹ ra hạn chế bán chip cho Huawei. “Chúng tôi dự đoán việc này sẽ còn tiếp diễn và trở thành chuyện thường trực của ngành công nghiệp điện tử Đài Loan”, ông Marro nói.

Cũng theo chuyên gia này, với vị trí đứng giữa, Đài Loan sẽ còn đối diện nhiều rủi ro trong cuộc đối đầu Mỹ – Trung, do phải tìm cách tuân thủ các quy định của cả hai nền kinh tế này. Vị trí khó xử sẽ tạo ra nhiều gián đoạn ngắn hạn và điều đó đã bắt đầu, theo ông Nick Marro.

Phiên An (theo CNBC)

Nguồn bài viết

Bài trướcNỗi lo về bảo hộ thương mại thời Covid-19
Bài tiếp theoCú hích để thúc tăng trưởng kinh tế