“4-5 năm trước, khi chúng tôi giới thiệu Colossus, các lính cứu hoả còn cười nhạo và nói rằng robot này sẽ cướp đi công việc của họ”, Kabbara nói. Nhưng sau đó, Colossus đã được triển khai trong hoạt động cứu hoả của Paris và Marseille.
Trong Covid-19, nhiều nhà máy có thể tiếp tục hoạt động thay vì phải đóng cửa nhờ robot, trong khi công nhân nhìn thấy rõ công việc của họ có nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng thế nào.
“Nhiều người đã sai lầm khi nghĩ công nghệ tự động hoá khó có thể lấy đi việc làm của các lao động trong lĩnh vực sản xuất”, nhà kinh tế học Carl Frey tại Đại học Oxford nói.
Ông lấy ví dụ ở Trung Quốc, nơi đang liên tục triển khai robot công nghiệp, khiến cho 12,5 triệu việc làm bị mất đi trong năm 2013 – 2017. Riêng năm 2018, 650.000 robot được đưa vào hoạt động tại nước này.
Trong đại dịch, hội chứng sợ robot (robophobia) càng tăng cao ở quốc gia đông dân nhất thế giới, theo khảo sát của Đại học IE (Tây Ban Nha). Trước đây, tỷ lệ phản đối việc tự động hoá là 27%, nhưng đã tăng lên 54% trong đại dịch. Tương tự, người Pháp cũng có phản ứng tiêu cực với robot khi có đến 59% những người tham gia khảo sát ủng hộ việc nên hạn chế tự động hoá.
Nghiên cứu cũng chỉ ra, những người trẻ và trình độ học vấn thấp thường có thái độ thù địch với robot. Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng của các giải pháp trí tuệ nhân tạo, ngay cả giới nhân viên văn phòng cũng đang đối mặt với nguy cơ mất việc vì AI và robot.
“Không có nhóm lao động nào hoàn toàn miễn nhiễm trước xu hướng này”, nhà nghiên cứu Mark Muro của Viện Brookings nói.
Minh Minh (theo AFP)